Nhà máy nghiên cứu nước nặng Arak, cách thủ đô Tehran (Iran) 320km về phía Nam. Nguồn: AFP
Không đưa ra chi tiết nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đây là một số biện pháp trừng phạt không phù hợp với thỏa thuận hạt nhân. Tuyên bố được đưa ra sau khi các nhà ngoại giao từ các cường quốc lớn và Liên minh châu Âu đã có cuộc gặp riêng với Iran và Mỹ, để thảo luận về những biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể gỡ bỏ và các biện pháp kiềm chế mà Iran có thể tuân theo, trong nỗ lực đưa cả hai trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh, các bên không đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cuộc thảo luận trong tuần này. Tuy nhiên đây là một sự khởi đầu cho một quá trình dài và khó khăn phía trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tiếp tục khẳng định lập trường của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên một số vấn đề với Iran:
"Chúng tôi không và sẽ không đưa ra bất kỳ hành động đơn phương nào để khiến Iran quay trở lại bàn đàm phán hoặc có một vị trí tốt hơn trên bàn đàm phán. Điểm thứ hai, đó là chính quyền Mỹ cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác, buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình như vi phạm nhân quyền, hỗ trợ khủng bố, chương trình tên lửa đạn đạo... Đó chính là lý do tại sao chúng tôi nhận thấy việc hai bên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là cần thiết, nhưng không đủ. Không đủ vì chúng tôi không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận mạnh mẽ hơn, mà về lâu dài, còn hợp tác với các đối tác trong khu vực để giải quyết những vấn đề này”.
Với lập trường cứng rắn này của Mỹ và buộc Iran phải chịu trách nhiệm về các vấn đề vốn được đánh giá là “nhạy cảm” của quốc gia Hồi giáo cho thấy con đường đàm phán phía trước sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên với việc Mỹ sẵn sàng dỡ một số biện pháp trừng phạt cho thấy hai bên đang có những bước đi bước đầu, hướng tới giải cứu thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 7/4 đánh giá các cuộc đàm phán mới đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015./.