Chuấn bị của Mỹ
Theo Sputnik, trong buổi lễ bàn giao cho quân đội siêu kính thiên văn để quan sát các vật thể trên quỹ đạo, Thiếu tướng Không quân Mỹ Nina Armagno đã nói rằng, đến năm 2025 Nga và Trung Quốc sẽ có khả năng gây họa cho mỗi vệ tinh nước Mỹ phóng lên quỹ đạo, và Hoa Kỳ phải sẵn sàng giáng trả nguy cơ này.
Vũ khí chống vệ tinh đang trở thành một hiện thực mới, và cần phải chú ý đến điều đó khi lập kế hoạch hoạt động quân sự. Thiếu tướng Armagno đã nhấn mạnh rằng, ở đây nói về mối nguy cơ đe dọa tất cả các vệ tinh của Mỹ, không chỉ quỹ đạo thấp mà còn quỹ đạo địa tĩnh (GEO).
Đáng tiếc, các vệ tinh hiện đại gần như không có khả năng phòng chống tên lửa đánh chặn được phóng từ mặt đất. Có lẽ trong tương lai các vệ tinh sẽ được trang bị những hệ thống bảo vệ khỏi các cuộc tấn công tên lửa, nhưng, để có như vậy phải tăng mạnh công suất động cơ dành cho vệ tinh.
Tiêm kích MiG-31 số hiệu 072 cùng quả tên lửa chống vệ tinh bên cạnh.
Chính bởi vậy quân đội Mỹ đưa những sửa đổi vào chương trình huấn luyện chiến đấu. Họ bắt đầu chuẩn bị các quân nhân làm việc "theo kiểu cũ", tức là, làm việc trong tình huống không có các hệ thống định vị vệ tinh, và nhiều loại máy bay không người lái và vũ khí chính xác được điều khiển bởi tín hiệu GPS trở thành vô dụng.
Việc trang bị hệ thống mới theo dõi không gian vũ trụ cho lực lượng vũ trang Mỹ không giải quyết được vấn đề này. Nga cũng sở hữu một hệ thống giám sát không gian quang điện tử tương tự. Hệ thống "Okno-M" trang bị các kính thiên văn tự động mạnh đặt trên căn cứ quân sự của Nga ở vùng núi Tajikistan.
Với hệ thống này có thể thấy rõ mọi đối tượng trong không gian và giám sát chúng, đánh giá tính năng và tình trạng của các đối tượng đó, chứng minh vụ tấn công của đối phương vào vệ tinh, nếu vệ tinh đột ngột ngừng hoạt động. Nhưng, hệ thống này không thể bảo vệ các vệ tinh.
Dù hiện tại, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy những đối thủ của Mỹ (cả bản thân nước Mỹ) đã phát triển thành công vũ khí chống vệ tinh nhưng trong tương lai tình hình có thể thay đổi.
Rõ ràng là, trong một cuộc xung đột quân sự, lợi thế sẽ thuộc về những ai có khả năng rất nhanh chóng phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Ít nhất để thay thế các vệ tinh đã ngừng hoạt động. Để thực hiện nhiệm vụ này phải có ngành công nghiệp tên lửa vũ trụ mạnh hơn so với đối phương.
Viễn cảnh tồi tệ
Hiện nay, khoảng hơn 1.300 vệ tinh đang hoạt động trên các quỹ đạo gần và xa trái đất (gần một nửa là của Mỹ, khoảng 25 trong số đó được sử dụng cho mục đích quân sự), tạo thành một mạng lưới cung cấp cho toàn thế giới những khả năng giao tiếp, định vị toàn cầu, dự báo thời tiết và do thám hành tinh.
Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang thách thức vị trí hàng đầu của Mỹ trên không gian. Quỹ đạo trái đất hiện là nơi mà Nga, Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm chạy đua vũ trang, mặc dù cả 3 “người khổng lồ” này luôn phủ nhận sự thật.
Có nhiều cách để vô hiệu hóa hay thậm chí phá hủy các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất. Với các phương tiện phá vệ tinh thuộc loại vũ khí, trước đây, Mỹ và Liên Xô cũng đã từng phát triển bom hạt nhân trên quỹ đạo hay “mìn không gian” - tức là tàu vũ trụ tự phát nổ, tìm kiếm và phóng hàng triệu mảnh vỡ vào vệ tinh đối phương.
Vũ khí laser có thể được sử dụng để tạm thời vô hiệu hóa hay gây tổn hại thường xuyên đến các thành phần của vệ tinh, đặc biệt là mạng lưới cảm biến mỏng manh và sóng vô tuyến hay vi sóng có thể gây nhiễu hoặc tấn công đường truyền đến hoặc từ các trạm kiểm soát trên mặt đất.
Với công nghệ hiện nay, các tên lửa chống vệ tinh cũng là một sát thủ ghê gớm đối với các vệ tinh trên quỹ đạo. Không cần dùng đầu đạn nhưng các tên lửa chống vệ tinh hiện đại theo phương pháp động năng cũng đủ sức phá hủy vệ tinh.
Tuy nhiên, các phương pháp này đều không hiệu quả như phương pháp mới nhất mà các cường quốc đang nghiên cứu là cướp quyền điều khiển vệ tinh để phản đòn hoặc điều khiển chúng tự hủy, nếu không chiếm được vệ tinh đối phương thì mới dùng vũ khí hủy diệt.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có vài nước trên thế giới như Nga, Mỹ và có thể là Trung Quốc có thể làm được. Hơn nữa, chúng chỉ đạt hiệu quả cao nếu đối đầu với các đối thủ có trình động công nghệ thấp kém hơn.
Các chuyên gia nhận định rằng, các đối thủ hiện nay sẽ cố sức dìm nhau vào tình trạng "công nghệ thời Trung cổ", tức là triển khai đầu tiên một cuộc "Chiến tranh giữa các vì sao" nhằm tìm mọi cách phá hủy tất cả các loại vệ tinh của đối phương, kể cả quân sự và dân sự.
Cuộc sống của con người hiện đại phần nhiều phụ thuộc vào công nghệ vệ tinh, mà hiện nay các cường quốc đều có khả năng hủy diệt những vệ tinh đó, như Trung Quốc từng phô trương trong năm 2013, khi phá hủy vệ tinh trên quĩ đạo địa tĩnh - Sarah Nepton viết trong bài báo trên Daily Telegraph.
Với thiệt hại của các bên về vệ tinh do thám, định vị và thông tin liên lạc, cuộc chiến trên Trái đất sẽ quay trở lại thời kỳ tiền kỹ thuật số, "các nước sẽ giao tranh y như trong Thế chiến I hoặc Thế chiến II" - chuyên viên Peter Singer từ Quỹ New America dự báo.