Mỹ chính thức mở cửa ĐSQ tại Jerusalem: "Người mừng, kẻ khóc" giữa hai bờ chiến tuyến

Tất Đạt |

Sau khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền Palestine đã đóng băng quan hệ với chính quyền Mỹ.

Điểm nóng tôn giáo Jerusalem

Là thánh địa của ba tôn giáo lớn với hàng loạt các công trình lịch sử, Jerusalem đã là điểm nóng căng thẳng trong hàng trăm năm qua. Những vùng đất linh thiêng là những khu vực đặc biệt nhạy cảm về mặt tôn giáo, và Jerusalem là một trong những nơi như vậy.

Vây quanh bởi những bức tường hơn 700 năm tuổi, Thành Cổ Jerusalem chứng kiến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong lịch sử tồn tại và phát triển của Trung Đông. Sắp tới, khi Washington chính thức thực hiện quyết định như đã công bố về Jerusalem, công trình được lựa chọn làm Đại sứ quán Mỹ ở Israel sẽ trở thành một điểm nóng mới trong lịch sử khu vực.

Nằm trên một ngọn đồi về phía nam của Jerusalem, đại sứ quán dự kiến của Mỹ được vây quanh bởi một cánh đồng nhỏ, những căn hộ dân cư địa phương và một khách sạn ngoại giao - từ lâu đã được cải tạo thành nhà dưỡng lao cho người Nga nhập cư.

Mỹ chính thức mở cửa ĐSQ tại Jerusalem: Người mừng, kẻ khóc giữa hai bờ chiến tuyến - Ảnh 1.

Hoa được trồng thành hình cờ Mỹ trước cửa đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.

Khó có thể tin đây sẽ là tâm điểm chính trị - ngoại giao trong vấn đề mâu thuẫn Israel - Palestine trong giai đoạn tới.

Trong vòng 8 năm, công trình nói trên được sử dụng làm lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, phục vụ nhu cầu visa và làm mới hộ chiếu cho người dân. Vào ngày thứ Hai (14/5), nơi này sẽ chính thức trở thành đại sứ quán Mỹ ở Israel theo như những gì tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết trong quá trình tranh cử.

Việc ông Trump quyết định tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới đây đã đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỉ gần đây.

Động thái của Mỹ được cho là đã "động chạm" tới một trong những mâu thuẫn khó giải quyết nhất thế giới giữa Israel và Palestine, kích động các cuộc biểu tình khắp Trung Đông và hàng loạt hành động tiêu cực khác nhằm vào đại sứ quán của Mỹ ở nước ngoài.

Shimon Aviv, một thợ làm vườn 45 tuổi người Israel sống gần đại sứ quán, tỏ ra hào hứng về sự kiện sắp tới.

"Việc dời đại sứ quán đáng nhẽ nên được làm từ lâu mới phải. Nhưng thà muộn còn hơn không. Tôi rất thích làm vườn, đặc biệt khi có những dịp trọng đại như thế này. Tôi hi vọng các lãnh đạo thế giới sẽ ủng hộ quyết định của ông Trump."

Cho tới nay, chỉ có Guatemala và Paraguay, hai quốc gia có một lượng lớn dân số theo đạo Tin Lành, tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem. Tới nay, ông Trump không hề "nao núng" trước phản đối của cộng đồng quốc tế, và Israel cũng vậy.

Mỹ chính thức mở cửa ĐSQ tại Jerusalem: Người mừng, kẻ khóc giữa hai bờ chiến tuyến - Ảnh 2.

Riki Turjeman, một phụ nữ 52 tuổi người Israel. Ảnh: CNN

"Đó là quyết định vĩ đại," Riki Turjeman, một phụ nữ 52 tuổi người Israel sống gần đại sứ quán tương lai nói. "Tôi rất hồi hộp khi cuối cùng Jerusalem chính thức trở thành thủ đô của chúng tôi. Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất từng đến với Israel."

Dù thường xuyên phải chứng kiến cảnh người biểu tình xung quanh và an ninh thắt chặt, bà Turjerman vẫn nhiệt tình nói: "Tuyệt lắm tổng thống Trump!"

Thời điểm mở đại sứ quán làm hài lòng người Israel và làm người Palestine tức giận.

Một ngày trước khi mở cửa đại sứ quán mới, Israel đã kỉ niệm Ngày Jerusalem, ngày mà người Israel cho là ngày thống nhất thành phố. Ngày mở cửa cũng trùng với lễ kỉ niệm 70 năm thành lập quốc gia Israel.

Trong khi đó, ngày 15/5 lại là ngày người Palestine gọi là "Nakba", hay ngày thảm họa. Đây là ngày kỉ niệm sự kiện 700.000 người Palestine phải sơ tán trong chiến tranh Ả Rập - Israel mà sau đó dẫn tới sự ra đời của Israel vào năm 1948.

Phản ứng của người Palestine

Mỹ chính thức mở cửa ĐSQ tại Jerusalem: Người mừng, kẻ khóc giữa hai bờ chiến tuyến - Ảnh 3.

Khader Yousef, tài xế taxi và chuyên chở hoa quả ở thành phố Bethlehem. Ảnh: CNN

Thành phố Bethlehem chỉ cách đại sứ quán mới tầm 8 km, nhưng không khí ở đây khác biệt hẳn.

Khader Yousef, tài xế taxi và chuyên chở hoa quả trong thành phố, nói: "Không người Palestine nào chấp nhận đại sứ quán ở Jerusalem".

"Mỹ đang cố nói rằng chúng tôi chẳng có gì ngoài Jerusalem. Họ nghĩ rằng Palestine không bao giờ có cơ hội lấy lại được 'thủ đô' Jerusalem", người đàn ông 53 tuổi nói.

"Không có chiến tranh thì không có hòa bình, và thứ bị tước đoạt bằng vũ lực không thể được lấy lại mà không thông qua vũ lực".

Ông Trump đã cam kết sẽ thực hiện "thỏa thuận cuối cùng" để đem lại hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine, nhưng viễn cảnh đó dường như sẽ không bao giờ tới.

Mặc dù tổng thống Palestine Mahmoud Abbas rất kì vọng vào ông Trump, sự lạc quan ấy không thể thay thế được sự thật rất khác biệt trong quyết định của Mỹ.

Sau khi ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào hồi tháng 12 năm ngoái, chính quyền Palestine đã đóng băng quan hệ với chính quyền Mỹ. Mối quan hệ này sẽ không bao giờ nồng ấm trở lại, bởi ông Abbas đã tuyên bố sẽ gạt bỏ mọi đề nghị từ phía Mỹ.

Sự tức giận đang lan tỏa giữa những người Palestine.

"Ông Trump đã cho người Do Thái quyền pháp lí để chiếm đoạt Jerusalem. Ông ấy ủng hộ họ chiếm Palestine," al-Mashni, một người bán hàng sống gần Bethlehem nói.

Trong khi đó, một vài người Palestine khác bày tỏ quan điểm khác về vấn đề này. Yahia al Khatib, một huấn luyện viên bóng rổ người Palestine, nói: "Chuyển đại sứ quán Mỹ về đó chẳng có ảnh hưởng gì tới lãnh thổ cả. Nó đã ở sẵn đó rồi. Vấn đề nằm ở chính quyền. Các nhà lãnh đạo Palestine nên tìm cách khác nếu họ thực sự muốn đạt được giấc mơ của quốc gia này."

Chính quyền ông Trump đã cam kết sẽ thúc đẩy kế hoạch hòa bình Israel - Palestine, nhưng cả hai phía đều không muốn hợp tác với bên còn lại.

Người Israel hài lòng với ông Trump; người Palestine tức giận với vị tổng thống Mỹ. Nhưng trong ngày 14/5, đại sứ quán của Mỹ vẫn sẽ "tiên phong" mở cửa trên lãnh thổ Jerusalem và trở thành điểm nóng chính trị - ngoại giao lớn của Trung Đông.

Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel gây bạo động khắp thế giới Hồi giáo. Nguồn: RT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại