Vị trí này cũng khiến cho Djibouti là trung tâm tập hợp nhiều lực lượng quân sự nước ngoài. Trước năm 2017, Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Italy đã thành lập các căn cứ quân sự ở quốc gia này. Sau đó, Trung Quốc cũng tới và xây dựng cái gọi là cơ sở hậu cần cho các tàu thuyền Trung Quốc thực hiện sứ mệnh nhân đạo và gìn giữ hòa bình.
Cơ sở này là nơi đồn trú của khoảng 1.000 - 2.000 lính hải quân Trung Quốc. Cách đó 12km, căn cứ quân sự Camp Lemonnier của Mỹ có khoảng 3.400 quân nhân.
Các nhà phân tích cho biết trong khi Mỹ luôn hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và chống cướp biển ở châu Phi thì Washington cũng lo ngại Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng quyền thành lập các căn cứ quân sự và sử dụng chúng để mở rộng khả năng tiếp cận quân sự, cũng như tăng cường bán vũ khí cho các nước châu Phi.
Luke Patey, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch cho biết, dù ở châu Phi hay Bắc cực, Mỹ không muốn chứng kiến có một đối thủ thách thức sự hiện diện quân sự trên toàn cầu của nước này.
"Sự tham gia của Trung Quốc trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình có lẽ không khiến nhiều quan chức trong Lầu Năm Góc thay đổi thái độ như vậy nhưng căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti có khả năng quân sự vượt xa nhu cầu hậu cần của bất kỳ sứ mệnh hòa bình hay nhân đạo nào", chuyên gia Patey đánh giá.
Tướng Lục quân Mỹ Stephen Townsend, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ nhận định tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 20/4 rằng, Trung Quốc "tiếp tục mở rộng căn cứ ở Djibouti thành một nền tảng để thúc đẩy quyền lực trên khắp châu lục và vùng biển này qua việc hoàn thiện một bến tàu hải quân lớn vào năm nay".
Ông cũng cho biết bến tàu được hoàn thành gần đây ở căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Djibouti đủ lớn để hỗ trợ cho một tàu sân bay.
Tướng Townsend cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách mở nhiều căn cứ hơn, gắn kết đầu tư cảng biển thương mại ở Đông, Tây và Nam Phi với sự tham dự của các lực lượng quân đội Trung Quốc nhằm thúc đẩy các lợi ích địa chiến lược của mình.
Bày tỏ những mối lo ngại này, Thượng nghị sĩ Mỹ Robert Menendez đã đề xuất một dự luật khuyến nghị các chính phủ từ chối cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự.
Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về những nhận định gần đây của Mỹ. Tuy nhiên, năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ trong một báo cáo thường niên trước Quốc hội cho biết Bắc Kinh đang có kế hoạch thiết lập nhiều căn cứ quân sự hơn ở châu Phi, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ báo cáo này và hối thúc Mỹ "từ bỏ tinh thần Chiến tranh Lạnh lỗi thời và tư duy trò chơi có tổng bằng 0, cũng như dừng đưa ra các báo cáo vô trách nhiệm hết năm này đến năm khác".
Cái cớ để tăng cường quân sự ở châu Phi
Jeffrey Becker, giám đốc Chương trình An ninh Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Trung tâm Phân tích Hải quân cho biết, việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự thứ hai ở châu Phi chắc chắn sẽ khiến các lợi ích của Bắc Kinh ở châu lục này và các khu vực xung quanh tiếp tục tăng lên.
"Những nơi như Kenya và Tanzania ở bờ biển phía Đông châu Phi hoặc Namibia dọc Đại Tây Dương được nhắc tới là những địa điểm có khả năng thực hiện việc này", ông Becker cho hay.
"Một căn cứ thứ hai ở châu Phi sẽ cải thiện khả năng của Trung Quốc khi tiến hành hàng loạt các chiến dịch, trong đó có việc sơ tán các công dân Trung Quốc vào những thời điểm khủng hoảng và bảo vệ sự tiếp cận của Trung Quốc tới những vị trí án ngữ trên biển quan trọng trong khu vực, vốn có vai trò quan trọng với thương mại và nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc”.
Thậm chí nếu Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở các quốc gia này, ông Patey cho rằng "những kế hoạch này vẫn chưa là gì so với hàng trăm căn cứ của Mỹ nhưng nếu được xây dựng, chúng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận của quân đội Trung Quốc ở những khu vực xa đất liền và gần các vùng biển này".
Ông Samuel Ramani, giảng viên về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford, Anh nhận định, Trung Quốc và Mỹ ủng hộ trật tự ổn định ở châu Phi và đều không muốn lực lượng nổi dậy hay chủ nghĩa khủng bố khiến khu vực này rối ren.
Tuy nhiên, những bình luận của Tướng Townsend đã phán ánh sự đối đầu về địa chính trị của Mỹ với Trung Quốc và những lo ngại vuột mất ảnh hưởng vào Bắc Kinh.
Những lo ngại này gồm mất đi việc tiếp cận các nguồn tài nguyên dầu mỏ, làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như nguy cơ Trung Quốc giành được nhiều ảnh hưởng hơn khi hợp tác với Nga về an ninh ở Ấn Độ Dương, chuyên gia Ramani nhận định.
Ông cũng cho rằng Bắc Kinh rất thận trọng về những bước đi tiếp theo liên quan đến các căn cứ hải quân ở châu Phi.
David Shinn, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và là giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliot thuộc Đại học George Washington cho hay Mỹ luôn lo ngại về sự mở rộng toàn cầu của Hải quân Trung Quốc, bao gồm cả ở căn cứ của nước này ở Djibouti.
"Về mặt ngắn và trung hạn, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển các cơ sở cảng biển lưỡng dụng ở vùng biển châu Phi thay vì xây dựng các căn cứ quân sự mới. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang đầu tư nhiều như vậy vào các cảng biển ở châu Phi", ông Shinn nói.
John Calabrese, giám đốc Dự án Trung Đông - châu Á cho biết việc Trung Quốc đột nhiên cần sơ tán hàng nghìn công nhân ở Libya vào thời điểm mùa xuân Arab đã thúc đẩy nhu cầu cần phát triển các khả năng để bảo vệ lợi ích và tài sản của nước này ở nước ngoài.
Ngoài ra, theo nhà phân tích Calabrese, việc thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường đã mở rộng và làm sâu sắc thêm các hoạt động thương mại của Trung Quốc ở khu vực quanh Vịnh Aden và Sừng châu phi ở Đông Âu, hợp lý hóa nhu cầu hiện diện quân sự trong và quanh các vùng biển, cũng như các vị trí quan trọng ở điểm xa nhất về phía Tây của Con đường Tơ lụa trên biển.
Ngoài lực lượng hải quân biển xanh (Blue-water Navy - Đây là một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà - ND), Trung Quốc còn là nhân tố quan trọng trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở châu Phi. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc ở châu Phi đạt đỉnh vào năm 2015 với 2.620 binh lính, sau đó giảm xuống còn 2.100.
Giám đốc Nhóm Xử lý Khủng hoảng Quốc tế của Liên Hợp Quốc Richard Gowan nhận định: "Có một mối lo ngại dài hạn là Bắc Kinh có thể sử dụng việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình như một cái cớ để tăng cường các căn cứ quân sự tại châu Phi"./.