Trong 10 năm tới, hải quân Trung Quốc sẽ có 650 tàu chiến có thể bao vây chặt Biển Đông và biển Hoa Đông, không cho Mỹ có quyền đưa quân đến bảo vệ Đài Loan, là lời báo động của một cựu quan chức tình báo Mỹ.
Báo Washington Times ngày 15.5 dẫn lời cựu đại úy hải quân Mỹ James Fanell, người từng chỉ huy các hoạt động tình báo của Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM) cho đến khi nghỉ hưu hồi năm 2015, rằng Bắc Kinh đã qua mặt Mỹ trong khâu đóng tàu chiến với tỷ lệ Mỹ có 1 chiếc thì Trung Quốc có 4 chiếc, kể từ năm 2015 đến 2018.
Với tỷ lệ này, đến năm 2030 thì Trung Quốc có 450 tàu chiến và 110 tàu ngầm, một lực lượng đủ lớn để thống trị các vùng biển trong và quanh eo biển Đài Loan, một tiền đề cho bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh trong việc thu hồi Đài Loan.
Đại úy Fanell nói: “Nếu mục tiêu của Trung Quốc là chiếm Đài Loan, họ sẽ phải có khả năng hoạt động tự do ở Biển Đông, biển Hoa Đông, phía nam Nhật Bản”. Và nếu PLAN có 560 tàu chiến và tàu ngầm trong 10 năm tới, họ sẽ có đủ sức mạnh hải quân ở khắp Biển Đông và biển Hoa Đông để “khóa chặt” các tuyến tăng viện quân sự của Mỹ và đồng minh.
Ông nhấn mạnh: “Bằng cách bao vây Biển Đông, các tài sản Mỹ ở Philippines, Việt Nam và các nơi khác sẽ không thể đến eo biển Đài Loan từ phía nam, trong một sự cố tấn công. Tương tự, hải quân Mỹ và đồng minh ở Nhật và ở các căn cứ ở phía bắc sẽ không thể đi qua biển Hoa Đông để đến eo biển Đài Loan”.
Trong một phát biểu ngày 2.1.2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói Trung Quốc có quyền dùng vũ lực để kiểm soát Đài Loan. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh hải ngoại cần sáp nhập về Hoa lục, nếu cần thiết thì sử dụng vũ lực.
Từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan năm 2016, Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động quân sự gần Đài Loan. Bà Thái thuộc đảng Dân tiến, đòi độc lập khỏi Trung Quốc.
So với số liệu của đại úy Fanell, báo cáo của Lầu Năm Góc về sự phát triển quân sự-an ninh Trung Quốc trong năm 2019 đã nêu sự phát triển của quân đội Trung Quốc ở cấp độ nhỏ hơn. Báo cáo trình Quốc hội Mỹ ngày 3.5 nêu khả năng Bắc Kinh dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, đồng thời tìm cách trì hoãn, ngăn chặn bên thứ 3 nhảy vào can thiệp nhân danh Đài Loan.
Báo cáo này đề cập Bắc Kinh có nhiều lựa chọn, gồm vây eo biển Đài Loan để cắt dòng hàng hóa nhập khẩu vào Đài Loan, hoặc tấn công tên lửa và chiếm các đảo Quemoy và Matsu (Trung Quốc gọi là đảo Kim Môn và Mã Tổ).
Theo báo cáo, một cuộc tấn công tên lửa cùng các cuộc đánh bom nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng liên lạc và quân sự của Đài Loan, trong khi một cuộc tấn công đổ bộ tổng lực có thể phát động ở phía nam hoặc phía bắc dọc vùng biển phía tây của Đài Loan.
Báo cáo viết: “Trung Quốc có thể tấn công tên lửa và không kích chính xác vào hệ thống phòng không, các căn cứ không quân, trạm radar, tên lửa, tài sản không gian, và các cơ sở liên lạc nhằm làm suy yếu khả năng phòng vệ của Đài Loan, cô lập lãnh đạo Đài Loan hoặc bẻ gãy ý chí của dân Đài Loan”.
Báo cáo còn nêu các lợi thế của Đài Loan tiếp tục suy giảm, do có những vấn đề đáng kể trong khâu tuyển quân, “đối mặt với những thách thức về khả năng sẵn sàng chiến đấu và thiếu phương tiện vũ khí’, còn quân Trung Quốc đã được hiện đại hóa.
Các nhà phân tích viết trong báo cáo: “Bắc Kinh đã nhanh chóng thay thế các tàu chiến cũ, bằng những phương tiện chiến đấu đa năng và lớn hơn, cùng các thiết bị cảm ứng và vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không”.
Gần đây, ảnh vệ tinh chụp các xưởng đóng tàu Trung Quốc cho thấy nước này đang đóng tàu sân bay thứ 3 ở Thượng Hải, các quan chức Trung Quốc gọi nó là Type 002. Các nhà phân tích nói chiếc này nhỏ hơn các tàu sân bay Mỹ có thể thực hiện chiến tranh ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương.
Khi hải quân Mỹ tính phục hồi một hạm đội 350 tàu, đại úy Fanell cũng khẳng định quân đội Trung Quốc sẽ kiểm soát tất cả các tuyến hàng hải quốc tế ở Thái Bình Dương, đến năm 2049 sẽ chiếm đoạt sức mạnh thống trị toàn cầu của hải quân Mỹ.