Với Việt Nam, chúng ta thường nói, trong chiến tranh con người mang tính quyết định, vũ khí là quan trọng là không sai, bởi thực tế được chứng minh, Việt Nam đã chiến thắng trong 2 cuộc chiến tranh mà vũ khí trang bị yếu kém so với Pháp và Mỹ
Tuy nhiên, vũ khí, tùy thuộc vào tính chất, chiến trường, phương thức cuộc chiến tiến hành, có khi lại mang yếu tố quyết định sự thành bại của cuộc chiến tranh mà những cuộc chiến gần đây do Mỹ, Nga tiến hành đã chứng minh điều đó.
Như vậy, có thể nói vũ khí làm nên sức mạnh dễ thấy, cho nên nhiều tướng lĩnh, chuyên gia quân sự lấy đó làm nền tảng cho sự chiến thắng, họ thần thánh hóa vũ khí trong chiến tranh.
Hơn ai hết Việt Nam hiểu được sự quan trọng của vũ khí, cái giá phải trả khi vũ khí lạc hậu so với kẻ thù, cho nên Việt Nam phải mua sắm vũ khí là điều tất yếu.
Mua thứ mình cần, không mua thứ mình muốn
Sức hấp dẫn, quyến rũ của vũ khí là vậy nên cũng còn nhiều người có quan điểm hễ thấy trên thế giới có loại vũ khí nào hiện đại, tiên tiến là mong muốn Việt Nam mua sắm bằng được để bảo vệ Tổ quốc dù phải “thắt lưng buộc bụng”.
Nào là tên lửa BrahMos, S-400, Su-30MS của Nga, Ấn; rồi các loại tên lửa phòng không hiện đại của Israel, máy bay tiêm kích Mỹ, tàu Sigma Hà Lan, xe tăng T-90…vì nó quá tuyệt vời, có nó thì bức tranh vũ khí phòng thủ, tấn công sẽ hoàn thiện…
Trong tình hình kinh tế đất nước còn nghèo, nền CNQP chưa phát triển, để bảo vệ tổ quốc, nhất định Việt Nam phải mua sắm trang bị, vũ khí hiện đại của nước ngoài trang bị cho quân đội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ là bắt buộc, nhưng phải trên nguyên tắc “cần và đủ” tức là chỉ mua thứ mình cần mà không mua thứ mình muốn.
Nhưng, thực hiện đúng nguyên tắc mua này là không đơn giản một tý nào, nói cách khác đây là một bài toán cực kỳ phức tạp.
Đó là phải xác định đối tượng tác chiến là ai, hướng tấn công chính là đâu, phương thức tác chiến chủ yếu của địch là gì...
Đó là phải từ cơ sở phương châm tác chiến của ta, lối đánh sở trường của ta, lợi dụng thế địa lý của ta để bố trí lực lượng ra sao...
Từ 2 cơ sở “địch-ta” trên, thì mua loại vũ khí nào để phục vụ cho tư tưởng quân sự, nhiệm vụ chiến thuật, chiến lược…tức là làm sao “dụng lực” để tạo ra sự đột biến về thế, trận, đủ khả năng phòng thủ, răn đe mạnh mà không chạy đua vũ trang làm gãy lưng nền kinh tế.
Tại sao vũ khí Nga và Israel được giới quân sự Việt Nam quan tâm?
Ngoài tính năng kỹ chiến thuật thì độ tin cậy của vũ khí là yếu tố quyết định để mua nó hay không.
Một loại vũ khí được coi là tin cậy khi được khảo nghiệm qua thực chiến và độ tin cậy cao hơn nữa khi chính người mua trực tiếp sử dụng nó trên chiến trường. Chiến trường là môi trường khắc nghiệt nhất để người lính bộc lộ hoàn toàn bản chất và vũ khí bộc lộ hoàn toàn độ tin cậy.
Với tinh thần đó thì không ai so sánh, đánh giá chính xác độ tin cậy của vũ khí Nga, Mỹ hơn quân đội Việt Nam.
Có lẽ chúng ta không cần phải nói nhiều về vũ khí Nga đã, đang có trong tay quân đội Việt Nam trên 2 góc độ “vì sao” và “như thế nào”. Chúng ta dành điều này để quan tâm đến vũ khí của Israel.
Tổ hợp tên lửa Spyder-SR của Israel có thể có mặt ở Việt Nam
Israel là một đất nước có diện tích nhỏ bé, chỉ 20.770 km vuông, dân số ít lại nằm trong vòng vây liên minh thù địch của các nước Ả Rập giàu mạnh, đông người. Bởi vậy, tư tưởng, nghệ thuật quân sự của Israel là "lấy ít địch nhiều" như Việt Nam.
Cũng như Việt Nam, Israel xảy ra chiến tranh, xung đột quân sự liên miên, nhưng bằng trí thông minh và với sự giúp đỡ của Mỹ, Israel đã xây dựng cho mình một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại nhằm mục tiêu trước mắt là bảo vệ tổ quốc và xuất khẩu vũ khí khi cần thiết.
Có thể nói quân đội Israel cùng với vũ khí của mình đã làm cho các quốc gia Ả Rập nếm mùi thất bại khi cậy đông, cậy giàu mạnh, muốn tiêu diệt nhà nước Do Thái Israel….
Chính vì thế, vũ khí Israel ra đời trong hoàn cảnh đó đều mang dấu ấn bản sắc, nội dung, tư tưởng nghệ thuật quân sự…riêng, rất tương đồng với ý tưởng Việt Nam.
Điều khiến chúng ta ngạc nhiên nữa là dù Israel có nền CNQP mạnh mẽ như vậy nhưng trang bị vũ khí trong quân đội không phải hoàn toàn do họ sản xuất, chế tạo mà là sự kết hợp, cải biến, nâng cao vũ khí Nga thu được từ các quốc gia Ả Rập do Liên Xô viện trợ. Chứng tỏ, Israel cũng có cách nhìn về vũ khí Nga giống Việt Nam.
Như vậy, tính năng kỹ, chiến thuật, độ tin cậy, độc đáo của vũ khí Israel rất "hợp gu" với ý tưởng quân sự Việt Nam.
"Tư tưởng lớn luôn gặp nhau tại một điểm". Có thể nói vũ khí Israel mà Việt Nam quan tâm, ưa chuộng chính vì đó là những loại vũ khí phi đối xứng chỉ để dành cho tác chiến phi đối xứng.