Mỹ đã bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel bởi các quốc gia còn lại trong Hội đồng đều phản đối động thái này.
Tổng thống Mỹ Donalad Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu giữ sắc lệnh công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel ngày 25/3/2019. Ảnh: Reuters
Trong một bức thư yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn ngày 27/3, Syria đã khẳng định quyết định của Mỹ là một "sự vi phạm trắng trợn" nghị quyết của Hội đồng. Trong khi đó, Triều Tiên cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ "sự đấu tranh của chính phủ và người dân Syria trong việc giành lại Cao nguyên Golan bị chiếm giữ".
Israel đã chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước này năm 1981 - một động thái mà Hội đồng Bảo an 15 thành viên đều tuyên bố là "vô ích, không có hiệu lực và không có giá trị pháp lý quốc tế".
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Karen Pierce đã khẳng định tại Hội đồng rằng quyết định của Mỹ đã vi phạm nghị quyết năm 1981, trong khi Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov tuyên bố Washington vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đồng thời cảnh báo động thái này có thể châm ngòi cho sự bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Các thành viên EU trong Hội đồng Bảo an gồm Pháp, Anh, Đức, Bỉ và Ba Lan ngày 26/3 cũng bày tỏ lo ngại về các "hậu quả của sự công nhận chủ quyền bất hợp pháp này cũng như những tác động đối với khu vực".
Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh ngày 25/3, chính thức công nhận chủ quyền của Cao nguyên Golan thuộc lãnh thổ Israel.
Ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định rằng quyết định của Washington sẽ giúp giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine bằng cách loại bỏ những vấn đề không chắc chắn giữa 2 bên.
Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 26/3 đều chỉ trích quyết định công nhận Cao nguyên Golan của Mỹ và khẳng định lãnh thổ này là vùng đất của Arab bị chiếm giữ. Iran cũng có những quan điểm tương tự về vấn đề này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình, còn được gọi là Lực lượng giám sát không can dự (UNDOF) vào năm 1974 ở đây để giám sát thỏa thuận ngừng bắn giữa Syria và Israel tại Cao nguyên Golan. Có hơn 880 quân lính của Liên Hợp Quốc trên thực địa này.
Nhà ngoại giao Mỹ Rodney Hunter khẳng định tại Hội đồng rằng quyết định của Mỹ đối với Cao nguyên Golan không ảnh hưởng tới hiệp định đình chiến hay cũng không gián đoạn nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây.
"UNDOF vẫn duy trì vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định giữa Israel và Syria, cũng như đảm bảo vấn đề quan trọng nhất rằng Khu vực Ngăn cách sẽ là một vùng đệm không có hiện diện quân sự hay bất kỳ hành động quân sự nào"./.