Hồi cuối tuần vừa rồi, Cố vấn An ninh Quốc gia của Mỹ - ông John Bolton thông báo nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln cùng với một lực lượng đánh bom đã được triển khai đến Trung Đông khi chính quyền của Tổng thống Trump nhìn thấy “những dấu hiệu rõ ràng” về mối nguy hiểm từ Iran đối với các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Quân đội Mỹ hôm qua (7/5) cho biết, Mỹ sẽ phái thêm các máy bay ném bom B-52 đến bổ sung cho lực lượng đang được triển khai ở Trung Đông.
Thông báo trên được đưa ra bởi ông Bill Urban – một phát ngôn viên của Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ. Theo lời ông Urban, Tướng Thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương của Mỹ, đã yêu cầu bổ sung thêm lực lượng đến cho khu vực Trung Đông để “bảo vệ các lực lượng cũng như lợi ích của Mỹ trong khu vực và ngăn chặn bất kỳ hành động gây hấn nào” sau khi nhận được tin về một mối đe dọa thực sự, tờ Washington Post đưa tin.
"Chúng tôi tiếp tục giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của chính quyền ở Iran, quân đội Iran, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cũng như tay chân của họ. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ”, ông Bill Urban nhấn mạnh.
4 chiếc máy bay chiến lược B-52 Stratofortress dự kiến sẽ được triển khai đến Trung Đông nhằm đáp trả cái mà Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ miêu tả là “những dấu hiệu của mối đe dọa thực sự từ chính quyền Iran."
Hai trong số các máy bay ném bom hạt nhân được cho là đã rời Căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana từ ngày hôm qua để đến Căn cứ Không quân Al Udeid Air ở Qatar trong ngày hôm nay (8/5).
Việc Mỹ triển khai nhóm tàu sân bay tấn công Lincoln cùng với nhóm máy bay ném bom B-52 "được xem là những bước đi thận trọng để bảo vệ các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực đồng thời ngăn chặn bất kỳ hành vi gây hấn nào”, ông Urban phát biểu.
Bước đi của Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Tehran đang căng thẳng ở mức cao độ. Mỹ đang ra sức gây sức ép đối với Iran sau khi năm ngoái bất ngờ rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Ngay khi còn đang tranh cử, ông Trump đã phản đối thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc.
Ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng, ông này sẽ xé nát thỏa thuận hạt nhân mà 6 cường quốc ký với Iran năm 2015, miêu tả đó là “thảm họa”, là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán từ trước đến nay”. Ông Trump nhấn mạnh, “ưu tiên số 1” của ông khi lên cầm quyền là hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng cao độ sau khi Iran tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm 2017. Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo. Tổng thống Trump từng cảnh báo: “Iran đang đùa với lửa. Họ không trân trọng việc Tổng thống Obama đã tử tế với họ như vậy. Tôi thì không”. Tehran cũng phản ứng lại một cách cứng rắn không kém. Giới chức Iran liên tục cảnh báo sẽ “đáp trả Mỹ một cách thích đáng”.
Trong diễn biến đẩy tình hình căng thẳng leo thang lên một cấp độ mới, Tổng thống Trump hồi tháng Năm năm ngoái cuối cùng cũng đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử và cũng được coi là di sản của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng và làm gia tăng nguy cơ đụng độ quân sự giữa hai nước này. Tehran lâu nay vẫn luôn giữ lập trường thách thức và không ngại đối đầu với Mỹ dù Mỹ là siêu cường quân sự hàng đầu thế giới.