QĐND Online - Ngày 5-9, theo thông tin từ Lầu Năm góc, công ty Dynetics Technical Solutions đã nhận được hợp đồng trị giá 351,6 triệu USD để chế tạo lô vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới Common-Hypersonic Glide Body (C-HGB) đầu tiên.
Đại diện Dynetics Technical Solutions cho biết, công ty này sẽ phải sản xuất ít nhất 20 đầu đạn siêu vượt âm C-HGB cung cấp cho hải-lục-không quân Mỹ và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật do Lầu Năm góc đề ra.
Tham gia vào quá trình chế tạo các C-HGB, ngoài công ty Dynetics Technical Solutions, còn có General Atomics (thiết kế, chế tạo hệ thống điện tử tích hợp trong khoang), Raytheon (hệ thống điều khiển) và Lockheed Martin (tích hợp hệ thống và phương tiện mang phóng).
Để phát triển thiết bị mang vác đặc biệt cho C-HGB, Lầu Năm góc phối hợp với Lockheed Martin phát triển dòng tên lửa siêu vượt âm mới Long-Range Hypersonic Weapon (LRHW) với gói hợp đồng trị giá hơn 400 triệu USD.
“Chúng tôi đã chọn các đối tác tin cậy để giúp Quân đội Mỹ chống lại mối đe dọa từ vũ khí siêu vượt âm mới của Nga và Trung Quốc”, Tổng giám đốc Dynetics Technical Solutions, Steve Cook nhấn mạnh.
Trong tháng 7-2019, Tạp chí Aviation Week đã đăng tải thông tin về việc Mỹ tiến hành cùng lúc 7 chương trình vũ khí siêu vượt âm mới, trong đó có C-HGB và LRHW.
Công nghệ C-HGB đã được Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia thử nghiệm thành công trong các năm 2011 và 2017.
Công nghệ này khi được áp dụng trong các chương trình vũ khí của Quân đội Mỹ được mang nhiều tên gọi khác nhau, như: LRHW của Lục quân, Vũ khí siêu vượt âm tấn công nhanh của Hải quân và Vũ khí tấn công siêu vượt âm đa dụng của Không quân.
Giới chuyên gia quân sự đánh giá, công nghệ C-HGB chính là câu trả lời của Mỹ đối với thiết bị lượn siêu vượt âm Avangard được Nga giới thiệu năm 2018. Khi được công bố, Avangard đã khiến giới chức quân sự Mỹ sửng sốt và không có vũ khí đối trọng.
Thiết bị lượn siêu vượt âm mới của Nga có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân bay tới mục tiêu giống như một mảnh thiên thạch với vận tốc đạt tới Mach 20, tương đương tốc độ vũ trụ cấp 1.
Khi đạt vận tốc bay tối đa, bề mặt của Avangard bị ma sát nung nóng tới gần 2.000 độ C, nhưng các nhà khoa học Nga đã phát triển công nghệ vật liệu đặc biệt giúp thiết bị lượn siêu vượt âm này không chỉ giữ nguyên hình dạng khí động, mà còn có thể cơ động trong khi bay với hệ thống cánh lái đặc biệt. Đây là công nghệ phía Mỹ chưa sở hữu.