Trung Quốc liên tục phát triển nhiều vũ khí mới
Trung Quốc đang phát triển pháo điện từ và vũ khí năng lượng định hướng để tăng cường năng lực quân sự của mình - Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/5 đã chính thức lên tiếng cảnh báo về các loại vũ khí công nghệ mới của Bắc Kinh.
"Trung Quốc đang theo đuổi một số năng lực quân sự tiên tiến như vũ khí siêu vượt âm, pháo điện từ, vũ khí năng lượng định hướng và các biện pháp đối phó trong không gian" - Báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2019 do Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội cho hay.
Cũng theo bản báo cáo này, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công phương tiện bay siêu vượt âm trong năm ngoái.
"Tháng 8/2018, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công XINGKONG-2 (Starry Sky-2) - hệ thống được mô tả như một phương tiện bay siêu vượt âm" - Bản báo cáo viết.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc Trung Quốc sẵn lòng đẩy nhanh tốc độ triển khai các công nghệ mới trên diện rộng sẽ giúp quân đội nước này nhanh chóng thu được nhiều lợi ích từ bất cứ đột phá khoa học nào.
Cơn ác mộng đối với Mỹ
Vũ khí siêu vượt âm Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại.
Quân đội Mỹ đã nhiều lần bày bỏ mối lo ngại về các loại vũ khí mới mà Trung Quốc và Nga đang phát triển.
Tháng 3 năm ngoái, quân đội Mỹ phải lên tiếng thừa nhận rằng, Mỹ đang tụt lại phía sau Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển vũ khí siêu vượt âm.
"Mỹ không những không bắt kịp (với Nga, Trung) trong lĩnh vực phát triển năng lực mới, mà còn thất bại trong việc phát triển các cảm biến và vũ khí cần thiết để bắn hạ khí tài mới của hai nước này" - chuyên gia Thomas Karako tại Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Trước đó, tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, tướng John Hyten - chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ đã thừa nhận rằng, lá chắn tên lửa của Mỹ hiện nay không thể ngăn chặn được các loại vũ khí siêu vượt âm.
"Chúng ta không có bất cứ hệ thống phòng thủ nào có thể ngăn chặn đợt tấn công của một loại vũ khí như vậy nhằm vào chúng ta, vì thế, chúng ta chỉ có thể đáp trả mối đe dọa này bằng lực lượng răn đe, bao gồm bộ 3 hạt nhân và những năng lực hạt nhân khác mà chúng ta có" - ông Hyten nói.
Hình ảnh được cho là tàu đổ bộ tăng Haiyangshan của Trung Quốc ra biển thử nghiệm pháo điện từ.
Về pháo điện từ, trong bài viết đăng hồi tháng 1 năm nay, trang mạng globalnews.ca cho biết, Trung Quốc dường như đang thử nghiệm một loại pháo điện từ lắp đặt trên tàu chiến, có thể "chọc thủng" tàu sân bay của đối phương cách xa tới 150km.
Mức này gần bằng khoảng cách từ Toronto tới Buffalo, bang New York, và bằng một nửa khoảng cách từ Calagry tới Edmonton.
Nếu như mẫu pháo điện từ trên chứng minh được khả năng hoạt động, thì Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể triển khai loại đạn siêu vượt âm với khả năng làm vô hiệu hóa hạm đội của đối phương trước khi cuộc chiến toàn diện nổ ra.
Điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh lợi thế ở nhiều khu vực tranh chấp trên thế giới.
"Về cơ bản, điều này sẽ thay đổi bản chất cuộc chiến" - Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia nói với hãng tin ABC News.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Justin Bronk tại Viện nghiên cứu Royal United Services, đạn pháo điện từ rẻ hơn và dễ tích trữ hơn ngư lôi hoặc tên lửa. Chúng dễ đánh trúng vào các tên lửa của đối phương hơn, điều đó khiến chúng trở nên ưu việt hơn bất cứ loại vũ khí nào đang được lắp đặt trên các tàu tuần dương hoặc tàu khu trục hiện nay.
Ngoài pháo điện từ, Trung Quốc cũng rất tích cực đầu tư vào các loại vũ khí laser, vũ khí viba... Nhiều cuộc thử nghiệm bí mật đã được tiến hành.
Các chuyên gia nước ngoài dự đoán, nỗ lực của Trung Quốc sẽ khiến những đầu tư của Mỹ trong lĩnh vực vũ khí năng lượng định hướng suốt mấy chục năm qua trở nên vô hiệu.