Mỹ bắn hạ UAV của Iran để "tự vệ" hay trả đũa?
Theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump, lực lượng quân đội Mỹ hôm thứ 5 (18/7) vừa qua đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Iran để "phòng vệ". Tương tự như vụ UAV Mỹ bị bắn hạ lần trước, ông Trump cũng cáo buộc phía Iran đã phớt lờ nhiều lần cảnh cáo của Mỹ trước khi bị phá hủy.
Điều đáng lưu ý là hành động trên được thực hiện chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Iran xuống nước đề xuất một lộ trình giảm căng thẳng với Mỹ.
Các quan chức Mỹ cho biết chiếc UAV của Iran đã bị quân đội nước này bắn hạ trong vùng biển quốc tế khi đang bay ở cách tàu tấn công đổ bộ Boxer của Mỹ khoảng 915m.
Hiện chưa có thông tin về việc chiếc UAV của Iran được trang bị vũ khí, tuy nhiên phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman khẳng định rằng nó đã hoạt động trong khoảng cách đe dọa đối với tàu Mỹ.
Tổng thống Trump đã cáo buộc rằng việc UAV của Iran hoạt động ở khoảng cách gần tàu chiến của Mỹ là "động thái mới nhất trong số những hành động khiêu khích và thù địch của Iran".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã bác bỏ những lời cáo buộc dồn dập từ phía Mỹ. "Chúng tôi đang điều tra vụ UAV bị bắn hạ, tuy nhiên dựa trên những thông tin mới nhất mà chúng tôi thu thập được từ Tehran, thì chúng tôi vẫn chưa có thông tin nào về việc mất một chiếc UAV", ông Zarif phát biểu trước báo giới tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Cây muốn lặng...
Trước khi Tổng thống Mỹ thông báo về việc UAV của Iran bị bắn hạ, ông Zarif đã đưa ra một tuyên bố khá khiêm nhường tại trụ sở LHQ. Theo đó, Ngoại trưởng Iran khẳng định ông sẵn sàng ngồi xuống thảo luận về những biện pháp khả thi nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nổ ra kể từ năm ngoái, sau khi ông Trump tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Những sự kiện diễn ra dồn dập trong ngày 18/7 đã thể hiện rõ con đường gập ghềnh trong mối quan hệ của hai quốc gia thù địch này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc Tehran "liên tục gây hấn với các tàu thuyền" lưu thông qua eo biển Hormuz, sau khi truyền thông Iran đưa tin về vụ bắt giữ một con tàu chở dầu mà theo lời họ là đang thực hiện hoạt động buôn lậu.
Chính quyền Tổng thống Trump và một bộ phận trong chính phủ Iran dường như đang tuyệt vọng tìm kiếm một lối đi nhằm giải quyết xung đột, vì họ nhận thức được rằng bất cứ hành động xung đột công khai nào đều có thể biến thành thảm họa.
Tuy nhiên, cả hai bên có vẻ như đã tự "đào hố", khoét sâu thêm xung đột, The New York Times nhận định.
Tại New York, Ngoại trưởng Iran Zarif ban đầu cũng bày tỏ quyết tâm xoa dịu xung đột với Mỹ. Lần đầu tiên trong một thời gian dài, ông này đã có thái độ xuống nước khi đề xuất những bước đi mà Tehran sẵn sàng thực hiện để tiến đến đối thoại với Mỹ.
Đề xuất này sẽ đẩy nhanh thời hạn được gọi là "ngày chuyển tiếp" trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo dự định là vào năm 2023. Đó là thời điểm Iran sẽ chính thức phê chuẩn một thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - cho phép cơ quan này thực hiện các cuộc kiểm tra vi phạm thỏa thuận tại Iran, bao gồm cả các địa điểm mà Tehran chưa bao giờ tuyên bố là có liên quan đến hạt nhân.
Đổi lại, theo thỏa thuận trên, thì Quốc hội Mỹ sẽ phải phê chuẩn việc dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt mà nước này đang áp đặt đối với Iran.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AP.
...Mà gió chẳng dừng!
Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn là chính quyền ông Trump sẽ bác bỏ đề xuất trên, vì họ muốn Iran phải chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân, hạn chế chương trình tên lửa về mức vũ khí phòng vệ, và chấm dứt hỗ trợ các nhóm khủng bố - để đổi lại quyết định dỡ bỏ trừng phạt.
Về các yêu cầu trên, thì Ngoại trưởng Iran hôm thứ 5 vừa qua đã tái khẳng định rằng nước này sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình tên lửa cửa mình, một khi Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp cho đối thủ thuộc khối Ả Rập của Tehran những loại vũ khí tương tự.
Tuy nhiên, ông Zarif cho biết mỗi bước vượt ngưỡng làm giàu uranium của Tehran gần đây đều được tính toán kĩ lưỡng, và hoàn toàn "có thể đảo ngược", nếu như Mỹ cũng đảo ngược các lệnh trừng phạt của mình từ sau khi rút khỏi thỏa thuận.
Trong trường hợp những nỗ lực xuống nước nhằm tái khởi động đàm phán không mang lại hiệu quả, thì Iran vẫn sẽ "sống sót", theo ông Zarif:
"Chúng tôi sẽ sống sót, chúng tôi sẽ trở nên thịnh vượng, trong thời gian rất dài sau khi ông Trump mãn nhiệm".
Nói về nguy cơ chiến tranh, nhà ngoại giao của Iran cho biết "chúng tôi chỉ còn cách chiến tranh vài phút" hồi tháng trước, sau khi Tehran bắn hạ một UAV trinh sát của Mỹ.
"Sự khôn ngoan đã thắng thế", ông Zarif kết luận.
Trong vụ UAV Mỹ bị quân đội Iran bắn hạ, giữa Washington và Tehran đã có bất đồng về chuyện thiết bị này bay trên vùng biển quốc tế hay trọng không phận của Iran, và sau đó chính quyền ông Trump đã dự định không kích đáp trả nhằm vào một số mục tiêu quân sự của Iran.
Tuy nhiên, khi đòn không kích sắp được thực hiện, thì ông Trump đã bất ngờ rút lại ý định trên với lí do không muốn 150 công dân Iran thiệt mạng vì đòn trả đũa này, và con số đó cũng không hợp lý khi so với một chiếc máy bay không người lái bị bắn hạ.
Căng thẳng giữa Iran với Mỹ và phương Tây ngày càng leo thang trong những ngày gần đây, đặc biệt là sau một số vụ tàu dầu bị bắt giữ tại vùng Vịnh. Gần đây nhất là vụ một tàu dầu nhỏ treo cờ Panama có tên là Riah đột nhiên mất tích bí ẩn gần eo biển Hormuz. Mỹ đã nhanh chóng "quy tội" cho Iran, tuy nhiên ban đầu Tehran khẳng định họ chỉ "giúp đỡ" khi nhận được tín hiệu cầu cứu của tàu dầu.
Đến ngày hôm qua (18/7), truyền thông Iran bất ngờ đưa tin rằng tàu dầu Riah đã bị bắt giữ vì đang vận chuyển hàng lậu. Phía Washington đã yêu cầu Tehran lập tức thả tàu dầu Riah và những người có mặt trên con tàu ấy.
Cũng trong ngày 18/7, Bộ Tài chính Mỹ đã ban bố lệnh trừng phạt mới đối với 5 cá nhân và 7 doanh nghiệp có liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, khiến căng thẳng giữa hai nước này càng leo thang nghiêm trọng.