Cụ thể, nguyên mẫu máy bay MV-22 với nhiều bộ phận kết cấu vỏ máy bay được chế tạo bằng hỗn hợp hợp kim titanium được gia công bằng công nghệ in 3D kết hợp với một số phụ gia đặc biệt.
Theo thông tin từ Hải quân Mỹ, việc chế tạo các cấu kiện trên nguyên mẫu chiếc MV-22 không dùng phương thức đúc truyền thống, mà nhờ công nghệ in 3D tạo ra nhiều lớp mỏng vật liệu phủ chồng lên nhau và được liên kết bằng phụ gia. Điều này tạo cho cấu kiện có hình dáng “hoàn hảo tới từng mi-li-mét”.
Trước chuyến bay thử nói trên, nguyên mẫu MV-22 đã thực hiện các bài thử nghiệm kéo dài 18 tháng trên mặt đất.
Máy bay lưỡng thể MV-22. Ảnh minh họa
“Chuyến bay diễn ra rất hoàn hảo. Tôi không nhận ra bất kỳ điều gì bất thường trong quá trình bay”, Thiếu tá Travis Stephenson, phi công lái nguyên mẫu MV-22 cho biết.
Đánh giá về công nghệ sản xuất mới, chuyên gia Liz McMichael thuộc phòng thí nghiệm ứng dụng Lakehurst and Penn khẳng định, công nghệ in 3D có thể tạo ra cuộc cách mạng trong chế tạo hàng không: “Chúng tôi đang cố gắng có thể sản xuất bất kỳ bộ phận nào của máy bay MV-22 bằng công nghệ in 3D”.
Trong tương lai, Bộ Chỉ huy Không quân Hải quân Mỹ (NAVAIR) đang có kế hoạch sản xuất nhiều cấu kiện trên các dòng máy bay trực thăng hải quân H-1 và CH-53K bằng công nghệ in 3D.
Gần đây, Mỹ rất tích cực áp dụng công nghệ in 3D vào lĩnh vực quân sự. Mới đây nhất, hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin đã công bố kế hoạch sản xuất tên lửa bằng công nghệ này.
Đại diện hãng chế tạo Mỹ tuyên bố, bằng công nghệ in 3D đã sản xuất được 80% cấu kiện của một số dòng tên lửa loại nhỏ. Trong khi đó, Boeing đã thử chế tạo lớp vỏ bọc lắp trên tên lửa đạn đạo Trident II bằng công nghệ in 3D.