Cuối năm ngoái, lực lượng Houthi ở Yemen tuyên bố sẽ tấn công các tàu có liên hệ với Israel để đoàn kết với phong trào Hamas và trả đũa các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Các hãng vận tải quốc tế lớn nhất đã phải thay đổi lộ trình.
Ngày 18/12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố thành lập liên minh "Người bảo vệ thịnh vượng" với sự tham gia của 10 nước gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Ý, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Seychelles. Mục tiêu được công bố là nhằm "đảm bảo tự do hàng hải cho tất cả các quốc gia" và "tăng cường an ninh và thịnh vượng" ở khu vực Biển Đỏ.
Đêm 12/1/2024, liên quân Mỹ - Anh đã mở cuộc tấn công vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Các vũ khí hiện đại nhất gồm: tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình Tomahawk... đã được sử dụng để tấn công vào hơn 60 mục tiêu trong lãnh thổ Yemen, trong đó có các trung tâm sản xuất máy bay không người lái, các kho vũ khí ở thủ đô Sanaa, cảng Hodeidah, Saada, Taiz và Dhamar.
Đáp trả, quân Houthi đã tăng cường tấn công vào các tàu của Mỹ, Anh và các tàu chở hàng đến Israel. Đến nay, Biển Đỏ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình hình leo thang căng thẳng chưa từng có.
Houthi là ai?
Houthi là một nhóm vũ trang ở Yemen đại diện cho cộng đồng người Hồi giáo theo dòng Shia. Có thể coi đây là một quân đội chính quy với quân số lên tới 100-120 nghìn người, được trang bị các vũ khí hạng nặng như: xe tăng, xe bọc thép, máy bay trực thăng, đại bác, tên lửa đạn đạo... Họ có hàng chục nghìn tên lửa tầm trung và một khối lượng lớn máy bay không người lái.
Iran là quốc gia Shia đông dân nhất, tự coi mình là người bảo vệ cho các cộng đồng Shia ở Trung Đông. Iran đã hỗ trợ người Houthi trong nhiều thập kỷ. Sau khi Houthi chiếm được các cảng ở phía Bắc Yemen, Iran đã tăng cường giúp đỡ họ hiện đại hóa vũ khí. Houthi cũng tự sản xuất được nhiều loại vũ khí.
Houthi có tên lửa đạn đạo có thể bắn tới Israel. Vừa qua Houthi đã phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái UAV vào Israel để ủng hộ Hamas. Houthi coi mình là một bộ phận của "trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo gồm Hamas, Hezbollah và các tổ chức kháng chiến Hồi giáo khác chống lại Israel, Mỹ và phương Tây.
Trong cuộc nội chiến Yemen, Liên minh Ả Rập và Hồi giáo gồm hơn 10 nước do Ả Rập Saudi và UAE đứng đầu được Mỹ ủng hộ đưa quân vào Yemen, nhưng không tiêu diệt được Houthi, buộc phải rút quân, chấm dứt sự tham gia vào cuộc chiến năm 2022. Lực lượng Houthi nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ miền Bắc Yemen, thủ đô Sana'a và kiểm soát một phần đáng kể bờ biển Biển Đỏ.
Trước đây, Mỹ coi Houthi là khủng bố; nhưng năm 2021, Mỹ chấm dứt sự can thiệp vào Yemen, và đưa Houthi ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Do Houthi tấn công các tàu ở Biển Đỏ, mới đây Mỹ lại đưa Houthi trở lại danh sách các tổ chức khủng bố.
Ngày 19/11, lực lượng này đã tấn công tàu hàng Galaxy của Israel, đưa về cảng Yemen và bắt 25 thủy thủ trên tàu làm con tin. Tiếp đến, ngày 24/11, họ tấn công một tàu khác thuộc sở hữu của Israel là SMA CGM Symi.
Vì sao Houthi tấn công các tàu hàng ở Biển Đỏ?
Biển Đỏ là một trong những tuyến vận tải biển nhiều tàu bè qua lại nhất trên thế giới, nằm ở phía nam kênh đào Suez và là tuyến đường thủy quan trọng nối châu Âu với châu Á và Đông Phi. Yemen là nước nằm dọc theo bờ Biển Đỏ.
Ngay sau khi bùng nổ xung đột giữa Israel và Hamas vào ngày 7/10/2023, cùng với các phong trào trong "trục kháng chiến" do Iran lãnh đạo, gồm Hezbollah ở Lebanon và các tổ chức Hồi giáo khác ở Trung Đông chống Israel, Mỹ và phương Tây, người Houthi ở Yemen đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Hamas và người dân ở Dải Gaza.
Từ giữa tháng 11/2023, Houthi đã phóng tên lửa và máy bay không người lái vào Israel, nhưng không thành công, tất cả đều bị hệ thống phòng không "Vòm sắt" của Israel bắn hạ. Họ chuyển sang tấn công các tàu Israel hoặc bất cứ tàu nào chở hàng đến các hải cảng của Israel ở Biển Đỏ.
Mục tiêu là để thể hiện sự ủng hộ đối với Hamas, gây sức ép buộc Tel Aviv phải ngừng cuộc chiến ở Gaza, tạo điều kiện đưa thuốc men, lương thực và hàng nhân đạo vào cứu trợ người dân Gaza. Người dân ở Gaza và Bờ Tây đánh giá cao phản ứng của Yemen đối với cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" không ngăn cản được Houthi tấn công
Tuy nhiên, chiến dịch quân sự này của Mỹ và Anh đã không ngăn cản được Houthi tấn công vào các tàu chở hàng ở Biển Đỏ, trong đó có cả tàu của Mỹ và Anh. Thủ lĩnh nhóm Houthi Abdul Malik al-Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục đáp trả quyết liệt và cảnh báo cuộc đối đầu sẽ kéo dài. Ngày 18/1 vừa qua, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận các cuộc tấn công của liên quân đến nay ít hiệu quả, không ngăn chặn được Houthi đánh vào các tàu ở Biển Đỏ. Thậm chí các tàu chiến của Mỹ và Anh cũng đã bị tấn công.
Yếu tố địa hình tại Yemen là một trong những thách thức chính đối với liên minh. Khác với nhiều nước Trung Đông có địa hình bằng phẳng, sa mạc; lãnh thổ Yemen hầu hết là núi và cao nguyên. Khu vực miền tây và miền trung có nhiều núi cao từ vài trăm mét trở lên, trong đó có núi Nabi Shu'ayb cao gần 3.700 m. Đây là nơi ẩn náu tốt cho các lực lượng của Houthi.
Mỹ và đồng minh đã sử dụng các vũ khí hết sức hiện đại và chính xác, nhưng đến nay mới chỉ phá hủy được một phần nhỏ tên lửa và máy bay không người lái UAV của Houthi. Còn các trung tâm chỉ huy và hệ thống radar dẫn đường vẫn hoạt động tốt.
Một yếu tố hết sức quan trọng khác là đồng minh Iran cung cấp vũ khí và các thông tin tình báo cho Houthi. Hiện nay Houthi có hàng chục nghìn tên lửa tầm ngắn, tầm trung và một khối lượng lớn máy bay không người lái được cất giấu ở các vùng đồi núi hiểm trở không dễ gì phát hiện, sẵn sàng tấn công vào các tàu Israel, Mỹ và Anh.
Cuộc chiến Yemen kéo dài từ năm 2014 đến nay. Một liên quân hùng mạnh hơn 10 nước tham gia do Ả Rập Saudi đứng đầu, được Mỹ ủng hộ đã không đè bẹp được Houthi, không thể ngăn cản được Houthi phóng tên lửa và máy bay không người lái sang Ả Rập Saudi; và cuối cùng năm 2022 phải rút quân.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, nếu chiến dịch kéo dài, liên minh sẽ phải trả giá đắt.
Một máy bay không người lái của Houthi có giá khoảng 20.000 USD. Tên lửa Sea Viper được trang bị cho tàu khu trục Diamond của Anh có giá khoảng 1,2 triệu USD. Ngoài ra, việc duy trì một hạm đội tàu chiến đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo ở Biển Đỏ đòi hỏi khá nhiều tiền cho nhiên liệu, nước, thực phẩm và sửa chữa...
Chuẩn Đô đốc Hải quân Hoàng gia Anh John Gower cho biết: "Về lâu dài, rõ ràng dùng các tên lửa đánh chặn hiện đại đắt tiền để chống lại các tên lửa và máy bay không người lái rẻ tiền của Houthi là không khả thi về mặt hậu cần và kinh tế."
Về mặt dư luận, rất ít nước ủng hộ chiến dịch quân sự của liên minh Mỹ - Anh chống lại Houthi. Phần lớn các nước trong cộng đồng quốc tế cho rằng hành động này là vi phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen. Ả Rập Saudi lo ngại việc Mỹ, Anh tấn công Yemen có thể làm sụp đổ thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen, vốn là ưu tiên thực sự của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh bầu cử tại Mỹ đang đến gần.
Xung đột Biển Đỏ chỉ có thể giải quyết bằng hòa bình
Cuộc chiến Israel - Hamas tại Gaza đang lôi kéo sự tham gia của nhiều bên, trong đó có Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, các tổ chức kháng chiến Hồi giáo ở Iraq và Syria. Mỹ, Anh và một số nước phương Tây cũng tham gia trực tiếp, đứng về phía Israel.
Xung đột leo thang trên Biển Đỏ và cuộc chiến lan rộng tại Trung Đông chỉ có thể được giải quyết trong khuôn khổ một giải pháp toàn diện cho cuộc chiến ở Gaza. Trước mắt, các bên liên quan cần kiềm chế, ngăn chặn xung đột để duy trì an ninh và ổn định ở Biển Đỏ, đây là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Israel phải chấm dứt ngay cuộc chiến tại Gaza. Houthi tuyên bố nếu Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Gaza thì họ cũng sẽ ngừng tấn công các tàu ở Biển Đỏ ngay lập tức.
Chiến sự tại Gaza đã bước sang tháng thứ tư, chứng tỏ mục tiêu của Israel tiêu diệt Hamas và giải thoát con tin bằng quân sự là bất khả thi. Các mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán. Giải pháp duy nhất là các bên trở lại bàn đàm phán. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 8/12/2023, của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 12/12/2023 yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật pháp quốc tế, luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường cùng các cơ sở hạ tầng dân sự, thiết lập hành lang nhân đạo và thả ngay lập tức các con tin đang bị giam giữ cần phải được thực hiện.
Về lâu dài, cuộc xung đột Israel - Hamas cần phải được giải quyết trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Chỉ khi thành lập được một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh nhà nước Israel mới có thể bảo đảm an ninh cho Israel và lập lại hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông.