Chưa đúng tinh thần Đạo Mẫu?
Sau 5 ngày đăng tải, MV "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh đạt gần 5 triệu lượt xem Youtube, đứng ở vị trí 2 trên top thịnh hành. MV là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm hưởng dân gian, được xem là một bước đi táo bạo và đầy phá cách của Hoàng Thùy Linh trong âm nhạc. Đây là ca khúc được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa trên phần lời của nhà thơ Ngân Vi.
Không chỉ thế, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh còn bất ngờ góp giọng trong phần cuối MV - trong khi trước đó, anh chủ yếu được biết đến với vai trò sáng tác và sản xuất âm nhạc. Sự kết hợp giữa Hoàng Thùy Linh với nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng được xem là cái bắt tay đầy thú vị giữa hai tư duy âm nhạc rất riêng và cá tính.
Hoàng Thùy Linh chia sẻ, việc thực hiện MV "Tứ phủ" được cô ấp ủ gần một năm qua. Trong đó, cô hóa thân vào nhân vật Cô Bơ - một trong những vị Thánh nổi tiếng thuộc hàng Tứ phủ Thánh cô với mong muốn mang vào trong âm nhạc không gian hùng tráng và linh thiêng của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nếu đem so sánh với những MV trước đó của Hoàng Thùy Linh như "Để Mị nói cho mà nghe" hay "Bánh trôi nước" thì MV "Tứ phủ" lần này đơn giản hơn rất nhiều. Bối cảnh chính chủ yếu được thực hiện trên sân khấu, cộng hưởng cùng âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo hình ảnh để tạo hiệu ứng thị giác về một không gian huyền ảo, ma mị.
Đúng như chia sẻ trước đó, Hoàng Thùy Linh xuất hiện trong MV với bộ trang phục màu trắng, đầu đội chiếc mấn cách điệu có khăn trùm, tất cả đều màu trắng - gam màu tượng trưng cho vị Thánh cô thuộc về miền Thoải phủ.
Về vũ đạo, từ đầu đến cuối MV, nữ ca sĩ 8X chỉ thực hiện một vài động tác múa đơn giản, điểm nhấn chủ yếu là biểu cảm qua ánh mắt. Đến cuối Hoàng Thùy Linh mới thể hiện một số vũ đạo nhảy mang màu sắc đương đại.
Tuy nhiên bên cạnh những người bày tỏ sự thích thú và ủng hộ cách Hoàng Thùy Linh đưa tín ngưỡng dân gian vào âm nhạc một cách vừa truyền thống, vừa đương đại thì cũng có một số người cho rằng, cách làm này của cô là chưa phù hợp, chưa đúng về đạo Mẫu, làm chưa tới và có những sáng tạo không thích hợp về mặt hình ảnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù mục đích của Hoàng Thuỳ Linh là góp phần đưa tín ngưỡng văn hóa đạo Mẫu đến gần hơn với mọi người thông qua âm nhạc nhưng từ ca từ đến các động tác vũ đạo của kiểu nhạc EDM (nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử) được sử dụng trong MV là thể hiện sự không hiểu gì về đạo Mẫu tứ phủ.
Và vô tình hình ảnh vị Thánh Cô trong đạo Mẫu mà dân gian tôn kính trở nên phàm tục.
Về phần mình, Hoàng Thùy Linh chia sẻ: "Tôi là người tin vào tâm linh và tôi muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa. Chính vì thế tôi quyết định đưa một nét văn hoá, tín ngưỡng vốn chỉ được thờ trong đền đài để mang vào MV một cách nghệ thuật nhất".
Ngoài ra Hoàng Thuỳ Linh cũng cho biết cô chỉ đem những hình ảnh tinh túy nhất, đẹp nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng Cô Bơ để thêu dệt nên bức tranh biến ảo của "Tứ phủ" thông qua âm nhạc và hình ảnh. Mọi suy đoán và sự tưởng tượng sẽ thuộc về ý kiến của khán giả.
Nhìn nhận "Tứ phủ" là sản phẩm giải trí
MV của Hoàng Thùy Linh có nhiều hình ảnh ma mị.Ảnh: TL
Bàn về MV này, ca sĩ Quế Vân bày tỏ cô cảm thấy có gì đó "hơi sai" khi đưa đạo Mẫu linh thiêng vào âm nhạc giải trí. Hơn nữa, theo quan niệm, "Tứ phủ" bao gồm Thiên Phủ - đại diện cho tầng trời, Thoải Phủ - đại diện cho nước, Nhạc Phủ - đại diện cho rừng núi và Địa Phủ - đại diện cho đất.
Còn MV của Hoàng Thùy Linh mới chỉ nói lên được "một Phủ", đó là Thoải Phủ và ở đây có sự hiện diện của Cô Bơ.
Quế Vân phân tích, Cô Bơ Thoải Cung đứng hàng thứ ba trong tứ phủ Thánh cô. Đó là một thánh nhân. Và trong truyền thuyết, Cô Bơ luôn chung thủy chờ một bóng hình chưa kịp trở về chứ không phải phụ tình hay oán hận. Nhưng trong lời ca "Tứ phủ" lại có mang hàm ý trách móc: "Người phụ, người bạc tình, phận này chua cay…".
Nữ ca sĩ nhấn mạnh: "Đạo Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể.
Với tư cách của một Thanh đồng, cũng không sân si, không đố kỵ, thậm chí cũng không ghét hay thù oán gì Hoàng Thuỳ Linh và ê-kíp thực hiện ca khúc này, tôi chỉ thấy nó hơi sai khi đưa đạo Mẫu linh thiêng vào giải trí. Hãy đặt sự linh thiêng nơi chúng ta cần tôn kính".
Dưới góc độ của một nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Sỹ Luân bày tỏ: "Sau khi xem MV "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh, điều tôi cảm nhận đầu tiên đó là một sản phẩm âm nhạc ma mị, đưa người nghe vào cảm giác tâm linh bởi hình ảnh và giai điệu.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy ca từ lại là "điểm trừ" vì có sự khập khiễng, hơi "tham" về nội dung khi đề cập đến cả đạo giáo, tình yêu…" .
Sỹ Luân cho rằng, không phải tự nhiên mà lại có nhiều khán giả lên tiếng về việc MV đang hiểu không đúng về đạo Mẫu, hay đi sai tư tưởng.
Tất nhiên, mỗi tác phẩm nghệ thuật được sáng tác thì luôn nhận những đánh giá trái chiều, đặc biệt sáng tạo dựa trên đạo Mẫu thì càng khó khăn và thử thách hơn rất nhiều. Dù đúng dù sai thì là nghệ sĩ vẫn nên lưu tâm những đóng góp.
"Là một ca sĩ, nhạc sĩ, cá nhân tôi nghĩ về mặt tín ngưỡng dân gian thì không nên sáng tạo vì tín ngưỡng là nằm trong trái tim mỗi người và đều có chuẩn. Nếu sáng tạo trên tôn giáo mà đi ngược lại điều tín ngưỡng thì chắc chắn sẽ khiến người nghe không hài lòng.
Về mục đích như Hoàng Thùy Linh chia sẻ là tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa là đáng khen nhưng thiết nghĩ rằng nên làm nguyên bản sẽ tốt hơn. Chứ tín ngưỡng dân gian, văn hoá truyền thống đặc biệt là đạo Mẫu mà kết hợp với EDM sáng tạo dựa trên truyền thống, thì không phù hợp.
Chưa nói đến các nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống lên tiếng mà ngay chính khán giả cũng nhận ra rằng không phù hợp", nhạc sĩ Sỹ Luân bày tỏ.
Đặt câu hỏi, có nên nhìn nhận MV "Tứ phủ" dưới góc nhìn truyền bá văn hóa dân gian hay chỉ là một sản phẩm giải trí, nhạc sĩ Sỹ Luân cho rằng: "Tôi nghĩ chỉ nên nhìn là sản phẩm giải trí, đừng "khoác" cho nó mục đích to lớn rằng truyền bá văn hoá dân gian bằng âm nhạc.
Vì nếu như thế chúng ta cần sự tỉ mỉ sắp xếp từ nội dung đến hình ảnh và không cần có sáng tạo hiện đại quá nhiều. Văn hoá tiêu chuẩn rồi, mà sáng tạo thì rất nguy hiểm, đôi khi là con dao hai lưỡi. Tôi nghĩ, chỉ nên thể hiện văn hoá truyền thống theo cách truyền thống, còn sáng tạo dựa trên âm nhạc không liên quan đến tôn giáo là an toàn nhất".