Mưu sự của Thủ tướng Anh Theresa May và EU
Việc EU và chính phủ Anh đạt được thoả thuận xử lý chuyện nước Anh ra khỏi EU (Brexit) không gây bất ngờ bởi cho dù tiến trình đàm phán giữa hai bên về Brexit cho tới nay dẫu có trắc trở đến mấy và dễ bị đổ vỡ đã bao lần thì trong thâm tâm cả hai phía đều vẫn ý thức được rằng rồi cuối cùng vẫn phải không chỉ thoả hiệp với nhau mà còn phải đạt kết quả ấy sớm đủ mức để quá trình phê chuẩn thoả thuận ở hai phía kịp hoàn tất trước ngày 29.3.2019.
Trong quá trình đàm phán cho tới nay, bên nào cũng dùng kịch bản không đạt được thoả thuận (còn được gọi là Hard Brexit) và luôn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận kịch bản này để tạo và tăng thế cho mình, cảnh báo và răn đe phía bên kia.
Kịch bản ấy vừa là thảm hoạ vừa là tai họa và họ phải tránh bằng mọi giá. EU không còn ngăn cản được nước Anh ra khỏi liên minh nên cần kết quả đàm phán với tác dụng đủ mức khiến cho Brexit là chuyện chỉ xảy ra một lần chứ không phải tiền lệ và càng không thể trở thành thông lệ trong tương lai của EU.
Thủ tướng Anh Theresa May thừa biết quyền lực của mình đứng hay đổ cùng với thành công hay thất bại trong việc xử lý Brexit với EU. Vì thế, giữa EU và chính phủ của bà May mới đạt được thoả thuận nói trên, chậm và muộn hơn so với lộ trình dự kiến ban đầu, nhưng vẫn còn kịp cho hoàn tất những việc cần thiết tiếp theo trước thời điểm ngày 29.3.2019.
... Đều khó thành
Hai bên cùng mưu sự như thế. Nhưng từ sau đó rồi thì không còn có thể quyết định việc này có thành sự được hay không nữa.
Khúc đoạn cuối này giờ do phía Anh quyết định mà cụ thể ở đây là nội bộ Đảng Bảo thủ của bà May đang cầm quyền và quốc hội Anh. Trên chính trường ở đảo quốc này càng ngày càng có thêm nhiều dấu hiệu cho thấy không phải thoả thuận kia với EU mà số phận chính trị của chính bà May đang được quyết định trước hết.
Hay nói theo cách khác là vì thoả thuận kia mà tương lai chính trị của bà May được định đoạt. Những người vốn không ủng hộ Brexit đã đành mà ngay đến cả những người ủng hộ Brexit cũng không tán đồng thoả thuận được bà May đem về cho đảo quốc từ cuộc đàm phán với EU về Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: Reuters
Bà May coi đấy là kết quả đàm phán tốt nhất đối với nước Anh và EU tuyên bố không thể đòi hỏi ở Anh nhiều hơn thế được nữa. Nhưng đối với những người ở Anh đang muốn hạ bệ quyền lực của bà May thì thoả thuận ấy không phải là không đủ mà không tốt.
Họ cho rằng bà May đã nhượng bộ về chủ quyền quốc gia khi thoả thuận như thế với EU về Bắc Ireland và đã để cho nước Anh lệ thuộc vô thời hạn vào EU khi không cụ thể hoá thời hạn của thời kỳ quá độ.
Kịch bản nào cho Thủ tướng May và chính phủ?
Vậy kịch bản nào rồi sẽ xảy ra đây đối với chính phủ hiện tại ở Anh và đối với bà May ?
Điều có thể chắc chắn được là thoả thuận bà May đạt được với EU về Brexit sẽ không qua được cửa ải phê chuẩn trong quốc hội Anh.
Muốn được phê chuẩn thì bà May phải có chỉnh sửa nội dung nhất định mà lại không thể tự làm một mình được. EU chắc chắn sẽ không sẵn sàng đàm phán lại. Nhưng nếu có một chính phủ mới ở Anh với thủ tướng mới thì tình huống sẽ lại hoàn toàn khác.
Khi ấy, EU có thể dễ dàng sẵn sàng chấp nhận đàm phán lại với phía Anh - với chính phủ mới ở Anh - về Brexit mà không ngại bị tổn hại về thể diện.
Nhưng EU không thể không rút ra được bài học cần thiết từ chuyện số phận của thoả thuận đã đạt được với bà May là sẽ để cho phía Anh xử lý ổn thoả trước đó chuyện nội bộ đã rồi mới tiến hành đàm phán lại.
Vì thế, phía EU đã bắt đầu đề cập đến khả năng kéo dài thêm thời gian nước Anh vẫn ở trong EU chứ không ra khỏi EU vào ngày 29.3.2019.
Bà May hiện đang phải bảo vệ quyền lực của chính mình trước. Nhưng càng bám giữ vào thoả thuận vừa đạt được với EU về Brexit thì quyền lực của bà May càng bị đe doạ nghiêm trọng thêm.
Vì thế, trong những ngày tới ở Anh, nếu bà May không bị lật đổ bởi chính đảng của mình thì trên đảo quốc sẽ không còn tránh khỏi có tổng tuyển cử mới trước thời hạn. Đảo quốc này lại một lần nữa phải "làm bài tập ở nhà" cho xong thật sự đã rồi mới tính được tiếp chuyện Brexit với EU.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại