Mưu sâu kế hiểm, Nga-Syria lấn, lách vây phiến quân, trói chặt căn cứ Thổ: Ngay và luôn!

Lê Ngọc Thống |

KQ Nga với sức mạnh đứng hàng đầu TG đã làm chủ tuyệt đối bầu trời, tạo điều kiện cho Quân đội Nga - Syria lựa chọn những lối đánh cực kỳ hiểm hóc khiến liên quân Thổ vỡ trận.

Lực quyết định thế, thế lấy lực làm cơ sở. Chính tại Idlib do lực lượng hàng không - vũ trụ (VKS) Nga hay gọi tắt là Không quân Nga đã làm chủ tuyệt đối vùng trời với tùy chọn sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào cần thiết mà không thực hiện được mưu, kế, thì… đó không phải là nền nghệ thuật quân sự Nga.

Khi VKS Nga còn làm chủ vùng trời Syria và Idlib thì không có một cuộc phản kích nào, một chiến dịch quân sự nào chống lại Quân đội Syria (SAA) của liên quân Thổ Nhĩ Kỳ thành công.

Chính VKS Nga với sức mạnh đứng hàng đầu thế giới, với sự làm chủ không phận tuyệt đối đã tạo điều kiện cho Bộ tổng Tham mưu Nga – Syria lựa chọn những lối đánh cực kỳ hiểm hóc khiến liên quân Thổ Nhĩ Kỳ bể trận…

Trước khi đi vào vấn đề này, chúng ta tiếp tục nói về mưu, kế của Nga-Syria trong diễn biến mới nhất.

Xử lý điểm quyết chiến chiến lược Nayrab

Nayrab là một làng ngoại ô Tây Nam thành phố Saraqib, nó án ngữ đường cao tốc M4 trước khi gặp M5 không xa.

Kể từ khi quân Assad (SAA) giành quyền kiểm soát ngày 8/2 trong chiến dịch Idlib mở ra đầu tháng 1 năm nay thì liên quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đánh chiếm lại 3 lần.

Lần thứ nhất, liên quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hơn 80 chiến binh và một số xe bọc thép đột kích vào làng Nayrab. Nhưng do trinh sát, quân báo Nga-Syria phát hiện nên đã bị không quân Nga vùi dập ngay trước khi xuất phát tấn công khiến hơn một nữa chiến binh thiệt mạng. Đòn đột kích bị tan từ khi chưa xuất kích.

Lần thứ hai. Đây là một trận phản công tái chiếm của liên quân Thổ Nhĩ Kỳ mang nhiều ý nghĩa quân sự và chính trị, với hơn 500 quân trong đó khoảng 200 là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhiều xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành…được diễn ra trong lúc cuộc đàm phán về Idlib tại Nga thất bại.

Mục tiêu quân sự: Ngăn chặn SAA triển khai tấn công kiểm soát M4 từ hướng Đông- Đông Nam, đồng thời uy hiếp thành phố Saraqib và tuyến M5 của chính phủ.

Mục tiêu chính trị: Thể hiện lời nói có trọng lượng, không đùa của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong mấy ngày qua và quan trọng hơn là kiểm tra phản ứng của Nga đến mức độ nào về sự quyết liệt, sự "ngay và luôn"… để chuẩn bị cho hành động tiếp theo.

Về tính chất, quy mô thì đây là một trận phản công có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Idlib và là trận công khai hợp đồng tác chiến giữa phiến quân và quân chủ lực Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc phản công này vào các vị trí của SAA ở Idlib đã kết thúc trong một thất bại nặng nề cho các chiến binh.

Ngay khi xe tăng và xe bọc thép bắt đầu tiến vào khu vực tấn công, máy bay ném bom và pháo binh Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn, do đó, các chiến binh đã mất ít nhất 8 xe tăng và 12 xe bọc thép, trong khi tổn thất nhân lực có thể lên tới hàng trăm người (theo SANA thì 250 chiến binh bị chết).

Mưu sâu kế hiểm, Nga-Syria lấn, lách vây phiến quân, trói chặt căn cứ Thổ: Ngay và luôn! - Ảnh 2.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai binh lực ở Syria.

Lần thứ ba vào ngày 23/2. Lần này, liên quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố chiếm lại được Nayrab, trận đánh diễn ra rất khốc liệt trong một diễn biến toàn mặt trận đã có sự thay đổi…Đó là, ngay khi trận đánh lớn đang diễn ra tại Nayrab thì Sư 25 đặc nhiệm của SAA đã mở đòn tấn công mạnh vào phía Nam Idlib.

Ở Nam Idlib, SAA tiếp tục phát triển cuộc tấn công, dần dần tiếp cận Kafr Nabl và Khazarin. Sức đề kháng từ các chiến binh đã bị yếu bởi các lực lượng chính hiện đang tham gia hoạt động ở các khu vực trung tâm của tỉnh và Nayrab.

Với diễn biến thế trận này, SAA sẽ cắt con đường giữa Khazarin và Kafr Nabl và dần dần chiếm cả hai thành phố. Và ở đó, qua những ngọn núi SAA có thể đến đồng bằng Al-Gab, và cũng có thể di chuyển về phía bắc đến đường cao tốc M-4. Hiện tại chỉ trong 2 ngày, hơn 20 thành phố, làng mạc Nam Idlib được giải phóng.

Mưu sâu kế hiểm, Nga-Syria lấn, lách vây phiến quân, trói chặt căn cứ Thổ: Ngay và luôn! - Ảnh 3.

Bản đồ tình hình phía Nam Idlib đến ngày 25/2

Như vậy, có thể nói, đối với liên quân Thổ Nhĩ Kỳ, họ chỉ có một thành công chiến thuật khi tái chiếm Nayrab nhưng bị một thảm họa chiến lược tại Nam Idlib.

Bộ tham mưu Nga-Syria đã khôn khéo giữ chặt lực lượng chủ lực, thiện chiến của liên quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Nayrab bằng các đòn đánh cầm chân, tung hỏa mù đe dọa thủ phủ Idilib từ hướng Sarmin- Qminas, nhưng bí mật điều động Sư 25 và một phần Sư 4 cơ giới về Nam Idlib.

Bộ Tham mưu liên quân Thổ Nhĩ Kỳ đã kịp hiểu thảm họa, họ đã đang quyết liệt dứt điểm Nayrab để nhanh chóng điều lực lượng về Nam Idlib hoặc mở rộng hướng tấn công đe dọa Saraqib.

Tuy nhiên cho đến giờ vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn cho phiến quân về việc họ chiếm được Nayrab cũng như của SAA về việc họ đang làm chủ Nayrab, nghĩa là tình hình đang giằng co, quyết liệt.

Nhưng, đây có lẽ là ý đồ Nga muốn, bởi Nga có thể thừa khả năng để bảo vệ Nayrab như trong lần bị phản công thứ 2. Điều chắc chắn là không quân Nga sẽ không bao giờ để liên quân Thổ Nhĩ Kỳ động vào Saraqib và Nga-Syria thừa khả năng làm việc đó.

Như vậy kể từ ngày 20 đến 25/2 Bộ tham mưu liên quân Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa mù tịt về hướng tấn công của Nga-Syria nên đã phạm 2 sai lầm nghiêm trọng:

1. Tập trung lực lượng vào hướng thứ yếu, hướng chiến thuật, bỏ rơi hướng chính, hướng chiến lược nên đã để toang hướng Nam Idlib.

2. Khi hướng Nam Idlib bị toang, thì việc tái chiếm Nayrab và tuyến Nayrab – Saraqib trở nên không có giá trị và không thể giữ được khi đòn tấn công cơ giới – con át chủ bài, của SAA từ hướng M4 ập đến là không thể đảo ngược, đó là nước cờ Maarat al-Numan lặp lại với Nayrab – Saraqib.

Quả thật không thể hiểu nổi sự đánh giá giá trị chiến lược của Nayrab với Nam Idlib của Bộ tham mưu liên quân Thổ Nhĩ Kỳ là thế nào. Đến đây có một câu hỏi mở ra: Không lẽ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thỏa thuận ngầm với TT Putin!?

Đánh lấn vây địch

Thông thường, như tại Ukraine, chúng ta đã thấy dân quân Miền Đông dùng mưu kế để đưa hoặc bắt buộc quân đội Ukraine vào những cái gọi là "nồi hầm" mang tên Debaltsev… Và, trên chiến trường Syria nói chung, phương châm tác chiến của Nga là bao vây để diệt gọn hoặc để "cưỡng bức hòa bình" trong thành phố để tránh đổ máu.

Tuy nhiên, tại chiến dịch Idlib, do điều kiện thế bố trí lực lượng phiến quân, cho nên, sử dụng sức mạnh của VKS, Nga-Syria chỉ đánh lấn mà vẫn chia cắt bao vây được địch để tạo ra những "nồi hầm" có thể… Điều lý thú ở đây là đánh lấn, tức là "mở rộng" vùng giải phóng, mà "vây" được địch, rất không logic… mà lại logic.

Bây giờ chúng ta đã hiểu vì sao sau khi Nga-Syria đã giải phóng tuyến cao tốc chiến lược Hama – Maarat al-Numan – Saraqib – Aleppo thì phiến quân tại Nam và Tây Nam thành phố Aleppo lại nhanh chóng bị vỡ ra từng mảng… khi tại đó, phiến quân có một hệ thống cố thủ rất hiện đại, những hầm ngầm liên hoàn như các thành phố ngầm đã phát hiện sau đó…

Chúng ta hãy xem diễn biến ở Idlib sau ngày 8/2 tức sau khi giải phóng Saraqib và đoạn M5 nối Aleppo như thế nào.

Bắt đầu từ hướng Đông, dọc theo M5, quân Assad cứ đánh lấn về Tây. Điểm đặc biệt là Nga-Syria chọn những điểm tấn công mở rộng vành đai an toàn cho M5 mà khi chiếm được lại trở thành những "vị trí chốt chặn sau lưng phiến quân".

Chẳng hạn, hay nhất là trận đánh vào "Trung tâm hậu cần 46" trên tuyến cao tốc M5 đoạn Saraqib-Aleppo. Sau khi kiểm soát được Trung tâm 46 này, lập tức toàn bộ các vị trí đóng quân, cố thủ của phiến quân tại Nam Aleppo trở thành một "nồi hầm" kinh điển cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Mưu sâu kế hiểm, Nga-Syria lấn, lách vây phiến quân, trói chặt căn cứ Thổ: Ngay và luôn! - Ảnh 5.

Những diễn biến chính ở chiến trường Syria trong ngày 25/02/2020.

Lách để trói chặt căn cứ quân sự Thổ

Thực chất các "điểm quan sát" của Thổ Nhĩ Kỳ là những căn cứ quân sự vừa là cụm phòng ngự kiên cố vừa là mũi tấn công đột kích mạnh. Chừng một đại đội trang bị tăng cường 2-3 xe tăng, thiết giáp, pháo binh tự hành, tên lửa… được bao quanh bằng một hệ thống hầm hào kiên cố và hàng che chắn bê tông chắc chắn…

Nga-SAA không đụng đến những căn cứ này mà chỉ cử một đơn vị nhỏ giám sát chặt chẽ. Chiến thuật đánh lấn của Nga-SAA không chỉ tạo ra "nồi hầm" cho phiến quân mà đưa các căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ vào hoàn cảnh trớ trêu: Nằm trong vùng giải phóng của SAA.

Hiện tại, các căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong vùng SAA quản lý luôn được SAA theo dõi chặt mọi động tĩnh nhưng khâu tiếp tế nước, thực phẩm thì Quân cảnh Nga đảm nhiệm.

Một vài "điểm quan sát" này ở phía Bắc đã tự động rút về nhưng đa số đang ngoan cố ở lỳ trên lãnh thổ Syria.

Sự ngoan cố này có lẽ để phục vụ cho đòn tấn công vào chế độ Damascus như TT Erdogan đã tuyên bố, bởi vì không gì thuận lợi hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ có những điểm xuất phát tấn quân trong lòng địch, nhưng nguy cơ sẽ trở thành con tin của Damascus cũng dễ như trở bàn tay.

Tuy nhiên, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm máy bay quân sự Nga trên không phận Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga cũng đã hạn chế cung cấp cho các điểm quan sát này và không biết lực lượng này sẽ tồn tại bao lâu.

Có thể nói, cái gọi là "điểm quan sát" của Thổ Nhĩ Kỳ là không có tác dụng và ngay cả chỉ huy của "quân đội quốc gia Syria" cũng tuyên bố thẳng thừng là nó không giúp được gì cho họ. Tất nhiên, nó có thể không có ý nghĩa gì về quân sự, nhưng ý nghĩa chính trị thì lớn, nó là cái ung nhọt không thể chấp nhận của chính quyền của TT Assad và Nga.

Rõ ràng là những điểm quan sát này đã vô dụng, không dọa được ai và đã đến lúc thỏa thuận Sochi phải làm mới hoặc thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại