Tuần trước, con trai tôi vừa có chuyến đi dã ngoại "bí mật". Nhà trẻ của thằng bé cứ thế đưa học sinh đi mà không nói trước địa điểm cho chúng tôi.
Khi biết về kế hoạch này, tôi và các phụ huynh người Mỹ đều không tin nổi vào tai mình. "Điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra ở Mỹ," chúng tôi thì thầm với nhau, nghĩ ngay đến những tờ đơn phản đối mà cha mẹ ở Mỹ sẽ viết.
Tuy nhiên, chúng tôi không hề hoảng hốt chút nào. Chúng tôi thấy háo hức với chuyến đi này.
Lý do cho những chuyến dã ngoại "bí mật" thật ra khá đơn giản: Đây là chuyến đi đầu tiên của trẻ mà không có cha mẹ bên cạnh.
Nhà trẻ không muốn các bà mẹ xuất hiện bất ngờ. Họ lo sợ 1-2 người chúng tôi sẽ lẻn vào công viên để quan sát chuyến đi dã ngoại một mình đầu tiên của con.
Đối với cha mẹ Nhật, đây là bước quan trọng trong quá trình rèn cho con tính tự lập.
Năm tới, con tôi sẽ được 3 tuổi, và thằng bé sẽ phải tự mình đi xe buýt đến trường. Ở Nhật, hầu hết trẻ con 5-6 tuổi đều đến trường bằng các phương tiện công cộng mà không có cha mẹ.
Mẹ tôi ở Mỹ đã hoảng hốt khi nghe điều này: "Chúng tự đi ư? Cả quãng đường sao? Thằng bé còn quá nhỏ để làm như thế," bà nói.
Dù vậy, là người một người nước ngoài, tôi thấy Nhật Bản đã làm rất tốt trong việc rèn cho con cái tính tự lập. Phụ huynh ở Mỹ sẽ không dám làm như vậy bởi họ quá bao bọc con mình.
Học cách buông tay
Quá trình này diễn ra hết sức từ từ. Ban đầu, nhà trẻ cho phép chúng tôi tới trường cùng con, cho dù bọn trẻ chỉ đi học 1-2 ngày/tuần.
Các bà mẹ sẽ được tham gia một vài tiết học và các buổi dã ngoại. Thời gian này chỉ kéo dài khoảng 1 tháng, cho tới khi trẻ có chuyến đi dã ngoại một mình đầu tiên.
Bằng cách này, trẻ em Nhật Bản được rèn tính tự lập từng chút một. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đến trường an toàn Quốc gia (SRTS), chỉ có khoảng 1,7% số trẻ đi xe buýt đến trường mỗi ngày.
Ngoài ra, một số nơi còn cấm cha mẹ thả con ở trước cổng trường. Vì vậy, việc tự đi bộ đến trường là điều cần thiết phải làm ở đất nước "Mặt trời mọc".
Tuy nhiên, trẻ em không thể cứ thế đi bộ tới trường ngay được. Tự lập là một kỹ năng cần được rèn luyện qua nhiều tuần. Trước tiên, trẻ sẽ được dắt đi để học thuộc lộ trình.
Sau đó, chúng sẽ gặp các chủ cửa hàng dọc đường và tự xác định các địa điểm nhận biết với sự quan sát âm thầm của phụ huynh cách đó 1 tòa nhà. Điều này nhằm đảm bảo trẻ có thể tự mình đến trường một cách an toàn nhất.
Tin tưởng cộng đồng
Ở Nhật, cả cộng đồng sẽ chung tay hỗ trợ cha mẹ trong quá trình rèn cho trẻ tính tự lập. Mỗi khi nhìn thấy trẻ con đi hoặc chơi một mình trên đường, thay vì gọi cảnh sát, họ sẽ tiến tới giúp.
Có thể nói, sự tham gia của cộng đồng là yếu tố cần thiết để giúp hệ thống này vận hành quy củ và giúp cha mẹ tự tin hơn trong việc buông tay con cái.
Khi trẻ em Nhật Bản đến trường, sẽ có tình nguyện viên giúp trẻ sang đường và biển báo các điểm lánh nạn an toàn cho các bé trong trường hợp khẩn cấp.
Thậm chí, có khu vực còn trang bị chuông để nhắc nhở các bé về nhà trước khi trời tối. Bằng cách này, trẻ rèn được tính tự lập một cách an toàn.
Dạy cho trẻ về trách nhiệm
Không chỉ được rèn tính tự lập, trẻ còn được học cách sống có trách nhiệm. Trong ngày đầu tiên con tôi đến trường, cô giáo đã nhắc tên một vài bé gặp khó khăn trong việc dọn dẹp sau giờ sinh hoạt.
Chúng tôi đã cười khi cô giáo kể rằng các bé đều được mẹ làm hộ hết ở nhà. Đây là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng.
Là cha mẹ, chúng tôi có nghĩa vụ dạy con con trẻ biết tự mình dọn dẹp khi ở nhà, còn nhà trẻ sẽ củng cố trách nhiệm đó bằng cách dạy chúng lau dọn ở lớp.
Nhờ vậy, các bé được học những kỹ năng tự lập từ sớm, thậm chí có thể tự mình dọn dẹp cả trường khi lên tiểu học.
Tự lập là bài học cả đời
Tự lập là cả một cuộc hành trình. Bằng cách dạy con kỹ năng này từ sớm, cha mẹ sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Nhờ vậy, các bé sẽ không chỉ hoàn thành được các nhiệm vụ đơn giản như đi bộ tới trường, mà còn biết cách vượt qua trở ngại trong cuộc sống sau này.
Cha mẹ sẽ giúp các con hoàn thành từng bước một, cho các bé cơ hội và động lực để trở nên tự lập trong suốt cuộc đời.
Tại Nhật, trẻ sẽ được giao làm một việc nhà đơn giản, chẳng hạn như đi mua đồ, khi bắt đầu lên 4. Dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng nó sẽ giúp trẻ trở nên tự lập hơn.
Vậy là, quá trình tự lập này được bắt đầu từ một chuyến đi dã ngoại "bí mật".
Đến tận sau này, tôi mới phát hiện ra, các giáo viên đã đưa lũ trẻ đến sân chơi ở góc khu phố - nơi con trai tôi đã đã ngồi chơi cả ngàn lần… dưới sự giám sát của tôi.