Theo Quảng Châu Nhật báo, cô Leng (Quảng Đông, Trung Quốc) đâm đơn kiện vợ của người tình quá cố để đòi một phần tài sản thừa kế. Anh Wen, người tình của cô, qua đời tháng 1/2021 do tai nạn giao thông.
Trước khi Wen chết, Leng đã trữ đông tinh trùng của anh tại một phòng khám tư nhân. Tháng 12/2021, Leng hạ sinh một bé trai Xiaowen.
Tin rằng Xiaowen có quyền thừa kế một phần tài sản của người cha đã khuất, tháng 8/2023, Leng thay mặt con đệ đơn kiện lên toà án. Cô yêu cầu vợ của Wen chia tài sản thừa kế cho Xiaowen, bao gồm quyền lợi bảo hiểm và cổ phần công ty. Có vẻ như vợ anh Wen không biết rằng Leng đã sinh ra Xiaowen bằng cách dùng tinh trùng đông lạnh của chồng mình.
Trong phiên tòa, Leng không thể chứng minh rằng tinh trùng được trữ đông là của Wen, cô cũng không chứng minh được Wen cho phép cô sử dụng tinh trùng của anh để sinh con. Kết quả, tòa án đã bác bỏ yêu cầu của Leng, không chấp thuận quyền thừa kế của đứa trẻ cô sinh ra.
Feng Qinjuan, luật sư tại Công ty luật Tahota ở Bắc Kinh cho biết, Bộ luật Dân sự Trung Quốc ban hành năm 2021 quy định, mọi bào thai còn sống trong cơ thể người mẹ đều được hưởng quyền thừa kế. Tuy nhiên, việc đứa trẻ sinh ra từ phôi trữ đông có được hưởng các quyền thừa kế hay không vẫn chưa rõ ràng vì không có luật nào quy định điều đó.
Còn theo luật sư Huang Dehao của Công ty luật Zhonglun W&D ở Zhengzhou, sinh con bằng tinh trùng trữ đông tại các phòng khám tư nhân đủ tiêu chuẩn là hợp pháp, nhưng cần phải được sự đồng ý của chủ nhân tinh trùng.
Âm mưu của cô "tiểu tam" họ Leng gây sự bức xúc lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Người dùng Weibo phẫn nộ chỉ trích Lưng về hành vi bất chấp đạo đức để tranh đoạt tài sản thừa kế với vợ con người tình đã khuất: "Người phụ nữ này có thể làm bất cứ điều gì vì tiền"; “Đứa bé tội nghiệp được mẹ đưa đến thế giới như một con bài thương lượng"; “Tôi hy vọng người vợ sẽ tố cáo lại hành vi sai trái của tiểu tam kia”...