Đi làm, ai chẳng khó chịu khi làm quần quật 8 tiếng đồng hồ bỗng phải ở lại tăng ca đến tối. Chưa kể, ngày nghỉ cuối tuần sếp vẫn réo gọi liên tục để chỉnh sửa theo feedback của khách hàng. Không có thời gian nghỉ ngơi, lúc nào cũng cắm mặt vào máy tính, stress đến muốn bỏ việc là tâm lý chung của đa số dân văn phòng.
Tuy nhiên thực tế lúc nào cũng phũ phàng. Khái niệm “sáng xách cặp đi, chiều sách cặp về” hay văn hóa làm việc “9-to-5” giờ không còn tồn tại ở nhiều công ty nữa. Tùy theo quan điểm, người cho rằng đó là “bóc lột”, người lại nghĩ đó là điều tất yếu và hợp thời đại.
Hay như mới đây, trong một hội nhóm tâm sự chuyện công sở, một bài đăng than vãn Over time - tăng ca) nhận nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo đó, chủ nhân bài đăng cho biết đang làm tại một agency lớn được khoảng 4 tháng nhưng muốn nghỉ việc vì khối lượng công việc quá nhiều, thường xuyên phải tăng ca, làm ngày làm đêm không hết việc.
Ảnh minh họa
"Ngày nào cũng OT tới 8h - 9h, xong về nhà OT tiếp vì "sáng 9h trả bài cho chị nha em", thêm đó là OT cuối tuần liên tục mấy tháng. Ban đầu em vào đây chỉ muốn học hỏi vì trước đó kinh nghiệm làm việc của em cũng nhiều nhưng toàn ở agency và client nhỏ, em cảm giác không phát triển nhanh được. Tuy nhiên vào đây được thời gian em bị sốc vì môi trường quá nhanh và khối lượng công việc siêu nhiều", chủ nhân bài đăng chia sẻ.
Tâm sự này của cô gái khiến dân tình đưa ra nhiều ý kiến trái chiều, đồng tình có mà phản đối, khuyên răn cũng có đủ.
Làm chỗ nhàn thì không phát triển, sang chỗ cực sốc
Nhiều người cho rằng, tăng ca, làm thêm giờ hiện nay không còn là vấn đề quá xa lạ. Thậm chí, phần đông dân công sở, đặc biệt trong những lĩnh vực đặc thù đều xác định tăng ca như “ăn cơm” thường ngày. Tức là họ chấp nhận đó như một yêu cầu cần thiết trong công việc và không cảm thấy phiền hà.
Ngoài ra, một số người cũng bày tỏ quan điểm nếu còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thì nên chăm chỉ và không ngại khó, ngại khổ. Bởi quãng thời gian làm tăng ca chính là cơ hội tốt để học các “mánh nghề” từ đồng nghiệp đi trước, sếp hay bất cứ nhân tài nào trong công ty. Bên cạnh đó, không nên đòi hỏi, đứng núi này trông núi nọ vì thực tế ở đâu cũng giống nhau, chẳng ai giàu nếu chỉ làm vỏn vẹn 8 tiếng giờ hành chính.
- “Làm chỗ nhàn thì thấy không phát triển nhanh được, thử chỗ lớn lại thấy sốc. Vậy rốt cuộc bạn muốn gì? Xin khẳng định không có chỗ nào như ý bạn: Vẫn được học hỏi, phát triển nhưng không dính với OT hay deadline dí cả đâu. Hoặc nếu có, bạn phải là người trả công đào tạo cho công ty chứ không phải ngược lại”.
Ảnh minh họa
- “Còn trẻ phải xác định muốn giỏi cái gì đó thì phải bắt cho bản thân làm cho được. Vạch ra kế hoạch cố gắng từ năm bao nhiêu tuổi đến chừng nào thành công. Sau khoảng thời gian đó có kinh nghiệm dày dặn rồi hẵng mong nhàn”.
- “Agency nào cũng vậy em ạ. Ngành nghề nó vậy, những bạn không chịu được OT hay tính sẵn sàng thấp thì thường không chịu được nhiệt. Nhưng không OT, không theo anh chị lớn làm dự án, trẻ mà mong đợi cân bằng cuộc sống và công việc sớm quá thì càng về sau càng vất vả vì áp lực đồng trang lứa và đào thải đó”.
- “OT nhưng được học, có người chịu chỉ dạy, cho mình trải nghiệm thì nên theo chứ đừng sợ. Các sếp họ cũng có quy hoạch nhân sự sẵn trong đầu. Hơn nữa, kể cả sau này không thăng tiến được thêm ở đó, thì với kinh nghiệm tích luỹ được, ở đâu cũng sống khoẻ. Yên tâm”.
- “Giới trẻ giờ ngộ, muốn học hỏi nhưng lại không thích chịu cực. Ở chỗ nhàn thì học cái gì nhỉ? Mà thời buổi này chỗ nào nhàn là nguy hiểm”.
Không ai thích "dày vò" nhau, hãy thoả thuận từ khi phỏng vấn
Không quá gay gắt như những quan điểm phía trên, số khác cho rằng các bạn trẻ chưa có nhiều trải nghiệm nên còn non nớt. Hơn nữa, cũng vì chưa từng chịu khổ nên chỉ cần va vấp một chút sẽ thấy nản và muốn bỏ cuộc. Nếu vượt qua giai đoạn này, chắc chắn sẽ cứng cáp và thay đổi suy nghĩ về công việc.
Những đàn anh, đàn chị đi trước bày tỏ việc tăng ca hay nhắn tin vào cuối tuần, đòi deadline là điều mà đôi khi các sếp cũng chẳng muốn làm. Thế nhưng vì công việc cả thôi… không “ốp” nhân viên tích cực lại sinh ra nhiều trường hợp chểnh mảng, ảnh hưởng đến tiến độ chung. Và đương nhiên, lúc đó chẳng ai “cứu” được.
Dẫu vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng OT là một trong những “chiêu bài” của các công ty. Gia tăng khối lượng công việc khiến nhân viên kiệt sức tự bỏ cuộc như một cách âm thầm sa thải sau đó tuyển nhân tố mới và lặp đi, lặp lại như vậy.
Ảnh minh họa
- “Giờ đúng là nhiều người không thích OT. Các công việc chỉ cần tuyển làm ngày thứ 7 thôi đã nhiều người nản rồi. Nhưng không ai có thể bắt ép cả đâu, nếu thấy quá tải nên trao đổi với cấp trên để giải quyết thay vì đùng đùng nghỉ việc”.
- “Làm 9h sáng đến 9h tối mình nghĩ có phần hơi bóc lột. Có thể đây là cách nhà tuyển dụng áp dụng để bạn tự thấy chán và bỏ ngang. Khi đó, họ sẽ tuyển người mới, mức lương thấp hơn một chút và nhiệt huyết hơn. Cách làm thế nào cũng có thể giàu nhưng nếu không thoải mái tốt nhất nên nghỉ sớm tìm nơi phù hợp hơn”.
- “Mình thì may mắn vì cuộc đời đã được trải qua những chỗ như vậy. Càng đi làm nhiều càng than ít đi. Cái vui nhất là sau này mình nhìn lại thời gian này bạn sẽ thấy bản thân đã tiến bộ thế nào”.
- “Quản lý hay sếp mà giỏi thì OT liên tục đúng là quý giá đó. Không phải trả học phí là lời quá rồi. Chịu cực một thời gian, cứng lên là mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.
- “Thực tế không ai thích “dày vò” nhau cả đâu. Tuy nhiên nếu bạn không muốn có thể thẳng thắn thỏa thuận từ đầu. Tức là có thể tăng ca trong một khoảng thời gian nhất định, không phải lúc nào cũng sẵn sàng với công việc. Hoặc tăng ca cần đảm bảo đủ chế độ cho nhân sự nữa”.