1. Xuân Trường đã thất bại thảm hại trên đất Hàn, trong màu áo của cả Gangwon FC lẫn Incheon United - đội bóng mà Công Phượng mùa này khoác áo. Có nhiều lý do biện hộ cho thất bại ấy, nhưng lớn nhất vẫn nằm ở nhận định thể lực của Xuân Trường không thể đáp ứng nổi với lối chơi thiên về sức mạnh, tốc độ của K.League. Nên nhớ, Xuân Trường cao hơn Công Phượng đến 10cm.
Chẳng lạ khi trong buổi họp báo mới đây, báo chí Hàn Quốc đã xoáy sâu vào việc chiều cao là điểm yếu của Công Phượng. Đáp lại, cầu thủ con cưng của bầu Đức thẳng thắn trả lời rằng chiều cao không phải là tất cả trong bóng đá, thay vào đó, tốc độ, kỹ thuật và kinh nghiệm là thứ quan trọng hơn đối với một tiền đạo.
Công Phượng nói: "Tôi tự tin vào tốc độ và kỹ thuật trong không gian hẹp của mình. Tôi thường chơi tốt trong không gian hẹp nên sẽ sử dụng nó làm vũ khí. Các hậu vệ Hàn Quốc cao to, nhưng tôi biết họ hơi yếu trong việc bít các khoảng trống".
Tiền đạo người Nghệ An nói không sai, khi tự tin rằng một có bóng, lối chơi bóng kỹ thuật, lắt léo từng khiến người hâm mộ đặt cho anh biệt danh "Messi Việt Nam" sẽ giúp anh xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương để ghi bàn, khẳng định tài năng và khát khao của mình trên đất Hàn.
Nhưng có một điều mà không chỉ Công Phượng, mà còn cả Xuân Trường đều quên mất, đấy là trong bóng đá, việc làm gì khi cầm bóng đôi khi không quan trong bằng việc làm gì khi không có bóng, chưa có bóng, và khi tranh chấp bóng.
Ở Nhật Bản - nền bóng đá mà Công Phượng 3 năm về trước từng thử sức và thất bại, Chanathip Songkrasin là cầu thủ Đông Nam Á đang được nhắc đến nhiều nhất. Mới đây nhất, sự xuất sắc của "Messi Thái" đã khiến CLB Nhật Bản Hokkaido Consadole Sapporo phải bỏ ra 2,4 triệu euro để mua đứt anh từ Muathong United - đội bóng mà Đặng Văn Lâm đang đầu quân.
Lớn hơn Công Phượng 1 tuổi, tuyển thủ Thái Lan này đang được định giá gấp 10 lần chân sút thuộc quyền sở hữu của CLB HAGL (theo transfermarkt.com). Nhưng đáng chú ý nhất không phải là điều đó, hay từ 3 năm trước, giá trị của chân sút người Thái đã gấp đôi giá trị hiện tại của Công Phượng. Điều quan trọng nhất là Chanathip cao có 1m58, thấp hơn Công Phượng đến 10cm.
2. Thấp bé như thế, làm thế nào để Chanathip có thể tồn tại ở J.League khắc nghiệt đến nhường ấy?
Trận đấu đầu tiên ra mắt trên đất Nhật Bản, trong màu áo Consadole Sapporo, Chanathip chỉ mất có chưa đầy 5 phút để... ăn thẻ vàng. Đấy là một pha tranh chấp cực kỳ mạnh mẽ "một đối một" với đối thủ cao to hơn nhiều để ngăn cản một tình huống phản công nguy hiểm của đối phương. Ngay những phút đầu trên đất Nhật, thông điệp của "Messi Thái" rất rõ ràng: anh sẵn sàng va chạm, tranh chấp, dù thể hình thiệt thòi hơn rất nhiều. Anh không sợ.
Những màn trình diễn xuất sắc của Chanathip Songkrasin
Công Phượng từng làm người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải say lòng, vỡ òa với những pha đi bóng qua người lắt léo, những pha kết thúc kỹ thuật "như làm xiếc" trước các đối thủ to cao hơn rất nhiều. Chanathip cũng thế, cũng từng khiến nhiều cầu thủ châu Âu, Australia, Tây Á phải "nếm cỏ" bởi những pha đi bóng đậm chất Messi của mình.
Khả năng rê dắt bóng tuyệt vời là "tấm vé thông hành" đưa "Messi Thái" đến Nhật Bản, bởi cũng như Công Phượng, hợp đồng cho mượn đưa Chanathip đến Nhật Bản chứa không ít yếu tố thương mại, nhưng nhãn quan chiến thuật xuất sắc, cú chạm bóng "first touch" cực kỳ tinh tế, giúp cho thời gian xử lý bóng được rút ngắn, và nhất là lối chơi quả cảm, chịu va chạm mới là thứ khiến Chanathip được thừa nhận, rồi được tôn vinh ở J.League.
Những thứ ấy, tạm thời Công Phượng chưa thể có được. Như rất nhiều cầu thủ lứa U19 HAGL 5 năm về trước, tranh cướp, va chạm không phải là thế mạnh của Công Phượng, nhãn quan chiến thuật, cùng những pha chạm bóng nhịp 1 đầy tinh tế, tính toán càng không phải là điểm mạnh của Công Phượng.
Ngày mới sang Nhật Bản, Theerathon Bunmathan - một trong những cầu thủ Thái Lan đang tỏa sáng trên đất Nhật, tưởng chừng không thể trụ lại được ở J.League khi ngay ở trận đầu tiên ra sân, hai chân anh tê cứng, mỏi nhừ chỉ sau có 60 phút thi đấu. Đòi hỏi thể lực, cộng với lối chơi di chuyển không bóng khá lạ lẫm với bóng đá Đông Nam Á khiến 90 phút trên sân cỏ tưởng như kéo dài vô tận.
Mất không ít thời gian, Theerathon Bunmathan với tư duy mới, lối chơi mới, cộng với sự miệt mài với những bài tập bổ trợ sức mạnh, sức bền, tốc độ cuối cùng đã hòa nhập thành công.
Tất cả những điều ấy, với Công Phượng không còn là khái niệm mới. Ai cũng biết để thành công ở Hàn Quốc, tiền đạo Nghệ An phải làm được điều đó. Nhưng để thực hiện được nó, với gánh nặng quảng bá hình ảnh, làm truyền thông nặng trên vai, đây sẽ là một thử thách thực sự với Công Phượng.
Ở đó, Công Phượng không chỉ phải quên đi mình nhỏ bé thế nào, để chiến đấu như một chiến binh - thay vì một siêu sao, mà còn phải hi sinh nhiều thứ, và vứt cái danh hão "Messi Việt Nam" sang một bên, để nhìn vào tấm gương gần gụi nhất - Chanathip Songkrasin, mà phấn đấu.