Muốn tái hiện kỳ tích Thường Châu, HLV Park Hang-seo phải giải được "bài toán ngược" hóc búa

Domino |

Đang tồn tại 2 tình trạng vô cùng khác nhau giữa ĐTQG và U23 Việt Nam. Và đó là điều khiến HLV Park Hang-seo phải vắt óc suy tính.

2 cuộc khủng hoảng trái ngược

Cuối tháng 10/2019, HLV Park Hang-seo công bố danh sách 27 cầu thủ chuẩn bị cho 2 trận đấu vòng loại World Cup 2022 gặp UAE và Thái Lan.

Một cuộc "khủng hoảng thừa" khá lớn diễn ra cầu thủ chạy cánh. Trong thầy Park có tới 6 sự lựa chọn chất lượng cho 2 biên, bao gồm Trọng Hoàng, Văn Hậu, Văn Kiên, Văn Thanh, Hồng Duy và Xuân Mạnh. Đó là chưa kể những cái tên như Đức Huy hay Ngân Văn Đại cũng từng thi đấu ở vị trí nay.

Muốn tái hiện kỳ tích Thường Châu, HLV Park Hang-seo phải giải được bài toán ngược hóc búa - Ảnh 1.

ĐT Việt Nam có nhiều hậu vệ cánh chất lượng.

Ngoài Trọng Hoàng và Văn Hậu trội hơn về phong độ, việc giữ ai loại ai đã khiến HLV Park Hang-seo phải đau đầu. Nhưng đó là một cơn đau đầu... dễ chịu. Nó cho thấy sự dồi dào về nhân lực ở ĐT Việt Nam, khi luôn có những phương án dự phòng đáng tin cậy.

Cuối tháng 12, một lần nữa thầy Park lại phải đau đầu. Cũng là một cuộc "khủng hoảng" nho nhỏ, song lần này tình hình trái ngược. Trước thềm VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam đang ngập tràn nỗi lo ở cả 2 biên. Tất cả những tuyển thủ kể trên của ĐTQG đều không thể góp mặt (Văn Hậu ở lại Heerenveen, 5 người còn lại quá 23 tuổi).

Trong tay HLV Park Hang-seo hiện chỉ có Thanh Thịnh, Hồ Tấn Tài từng góp mặt tại SEA Games 30. Những cái tên như Đặng Văn Tới, Dụng Quang Nho, Thiện Đức đều còn khá non kinh nghiệm và chưa đem tới sự yên tâm cho người hâm mộ.

Trong tay HLV Park Hang-seo có gì?

Xét về kinh nghiệm thi đấu tại V.League cũng như trong màu áo các cấp độ đội tuyển, Thanh Thịnh và Hồ Tấn Tài là 2 sự lựa chọn cho 2 biên U23 Việt Nam. Tuy nhiên, cả 2 đều cũng đều có những vấn đề nhất định.

Thanh Thịnh leo biên tốt, tạt bóng hay. Anh chính là người kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn rút ngắn tỉ số rất quan trọng trong trận hòa 2-2 U22 Thái Lan ở SEA Games. 

Song về mặt phòng ngự, hậu vệ thuộc biên chế Đà Nẵng không phải lúc nào cũng đảm bảo được sự chắc chắn cho hành lang cánh trái. Ngoài ra, chấn thương từng khiến Thanh Thịnh vắng mặt ở chung kết SEA Games cũng là vết gợn không nhỏ.

Hồ Tấn Tài thể hình tốt, tranh chấp mạnh mẽ, lại khá ăn ý với Tiến Linh vì cùng chơi cho Bình Dương. Dù vậy, đôi khi Tấn Tài lại mất tập trung và mắc sai sót khi phòng ngự. Ngoài ra, khả năng hỗ trợ tấn công của anh cũng không thực sự đa dạng.

Muốn tái hiện kỳ tích Thường Châu, HLV Park Hang-seo phải giải được bài toán ngược hóc búa - Ảnh 2.

Hồ Tấn Tài sẽ kế thừa vị trí từng thuộc về Vũ Văn Thanh bên cánh phải U23 Việt Nam.

Đặng Văn Tới đã bỏ lỡ nhiều giải đấu vì chấn thương nặng khiến anh phải sang Hàn Quốc chữa trị dài hạn. Trở lại trong màu áo U21 Hà Nội và U21 Việt Nam, Văn Tới nhanh chóng lấy lại phong độ. Giàu sức mạnh, quyết đoán, Văn Tới được so sánh với trung vệ thép một thời Huy Hoàng.

Vị trí sở trường là trung vệ, nhưng cầu thủ thuộc biên chế Hà Nội FC hoàn toàn có thể đảm đương biên phải. Chỉ có điều, sức tấn công của Văn Tới ở vị trí này vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Thiện Đức và Dụng Quang Nho đều đã những trận đấu ở V.League cùng Bình Dương và HAGL. Điểm chung của Đức và Nho là hỗ trợ tấn công tương đối tốt, song bị thua thiệt về thể hình, làm ảnh hưởng tới khả năng phòng ngự. Cả 2 cũng có quá ít kinh nghiệm ở các trận đấu quốc tế.

Một cái tên khác tuy không nằm ở hàng thủ song cũng có thể được thầy Park cân nhắc là Trương Văn Thái Quý. Thái Quý từng được xếp chạy cánh phải và không loại trừ khả năng anh sẽ đóng vai trò này ở tuyển U23 Việt Nam thời gian tới. Phong độ của Thái Quý thời gian gần đây không quá tấn tượng. Điểm mạnh lớn nhất của anh là từng chinh chiến tại nhiều giải đấu cùng các cấp độ đội tuyển.

Thời thế tạo anh hùng?

Tự tin, đó là thông điệp mà HLV Park Hang-seo nhắc đi nhắc lại với các cầu thủ Việt Nam, kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2017. Nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng luôn chuẩn bị một cách kỹ càng trước mọi giải đấu, với hàng loạt phương án sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh.

Trên đường tiến đến trận chung kết U23 châu Á 2018 tại Thường Châu, Phạm Xuân Mạnh là phát hiện lớn khi Văn Hậu chấn thương. Phan Văn Đức cũng vụt sáng để trở thành cầu thủ đá chính.

Tại AFF Cup 2018, Trọng Hoàng thi đấu hiệu quả đến khó tin ở vai trò hậu vệ cánh, sau nhiều năm quen với vị trí trên hàng công. SEA Games 30 vừa qua, U22 Việt Nam không hề hoảng loạn khi Quang Hải chấn thương mà vẫn vững vàng tiến đến tấm HCV. Thành Chung, Văn Toản cũng cho thấy sự trưởng thành đáng kinh ngạc.

Muốn tái hiện kỳ tích Thường Châu, HLV Park Hang-seo phải giải được bài toán ngược hóc búa - Ảnh 3.

HLV Park Hang-seo sẽ một lần nữa tìm ra nhân tố đột biến cho U23 Việt Nam?

Thách thức ở giải U23 châu Á 2020 rất lớn, với các đối thủ tầm cỡ châu lục như UAE, Triều Tiên và Jordan. Yếu tố bất ngờ cũng không còn nữa, khi mà U23 Việt Nam đã bị đưa vào "tầm ngắm" như một kẻ cạnh tranh tấm vé Olympic.

Một giải đấu khó khăn đi kèm với cơ hội để tiến thêm một bước dài trong sự nghiệp cho các cầu thủ. Bản thân HLV Park Hang-seo cũng sẽ thu được nhiều thành công nếu giải thành công bài toán khó, từ việc giúp U23 Việt Nam tiến xa cho đến tìm ra thêm các nhân tố bổ sung cho ĐTQG trong tương lai.

2 cầu thủ chạy cánh quan trọng thế nào với HLV Park Hang-seo?

Trong sơ đồ 3 trung vệ mà thầy Park áp dụng, 2 cầu thủ chạy cánh tăng cường đáng kể sự chắc chắn nơi hàng thủ, giảm thiếu các pha tấn công biên của đối phương, ngăn chặn những tình huống tạt bóng vào vòng cấm địa.

Ngoài ra, họ còn đóng góp lớn trong mặt trận tấn công với những pha tạt bóng hoặc các tình huống phối hợp đập nhả với tiền vệ và tiền đạo. Trọng Hoàng, Văn Hậu, Hồng Duy, Văn Kiên, Văn Thanh, Hồ Tấn Tài... đều đã trực tiếp ghi bàn hoặc kiến tạo cho đồng đội lập công dưới thời HLV Park Hang-seo.

Chung kết bóng đá nam SEA Games 30: U22 Việt Nam 3-0 U22 Indonesia (nguồn: HTV)


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại