Muốn sở hữu cổ phiếu "hàng hot" này, các nhà đầu tư ngoại sẽ phải tranh giành nhau "sứt đầu, mẻ trán"?

Pha Lê |

Hiện, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này đã gần chạm ngưỡng tối đa, không còn nhiều dư địa cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài tích cực săn cổ phiếu MWG

Giữa tháng 4 vừa qua, trong danh mục thành phần do Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) công bố, cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đã bị loại khỏi danh mục VNDiamond kỳ quý 2/2024.

Cứ ngỡ rằng, với động thái này, cổ phiếu MWG sẽ bị các nhà đầu tư thờ ơ. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ đó, trong thời gian gần đây, mã cổ phiếu này bỗng chốc trở thành "hàng hot", được nhiều nhà đầu tư săn đón và lùng mua, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại.

Theo thống kê, trong khoảng hơn 10 phiên giao dịch trở lại đây, mã cổ phiếu này đều đặn được các nhà đầu tư ngoại mua ròng, mỗi phiên trung bình khoảng 2 triệu đơn vị. Đặc biệt, tại phiên giao dịch hôm qua, ngày 15/5, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng hơn 4 triệu cổ phiếu MWG. Điều này đã kéo theo "room ngoại" tại doanh nghiệp ngành bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam tiến lên mốc 48,73%.

Muốn sở hữu cổ phiếu "hàng hot" này, các nhà đầu tư ngoại sẽ phải tranh giành nhau "sứt đầu, mẻ trán"?- Ảnh 1.

Đồ họa: PL

Trước đó, một quỹ ngoại đã âm thầm gom đến 22,2 triệu cổ phiếu MWG trong vòng nửa tháng là nhóm Dragon Capital. 7 quỹ thành viên của đơn vị này bao gồm DC Developing Markets Staregies Public Limited Company, KB Vietnam Focus Balanced Fund, Norges Bank, Saigon Investments Limited, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Wereham Group Limited. Và để thực hiện được những giao dịch này, ước tính nhóm quỹ đã phải chi đến gần 1.200 tỷ đồng. Tính tới thời điềm hiện tại, nhóm Dragon Capital tăng sở hữu tại MWG lên mức 7,46% vốn tương ứng lượng cổ phiếu nắm giữ là hơn 109 triệu đơn vị.

Theo quy định tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP về Luật Chứng khoán, đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Như vậy, chiếu theo quy định này, số lượng cổ phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ/mua thêm tại Thế giới Di động chỉ có thể lên gần 4 triệu cổ phiếu.

Thế giới Di động kinh doanh ra sao?

Thế giới Di động là nền tảng bán lẻ đa ngành nghề số 1 Việt Nam. Công ty hiện đang vận hành mạng lưới hàng ngàn cửa hàng trên toàn quốc.

Trong hệ sinh thái của MWG, ngoài các công ty con chuyên vận hành chuỗi bán lẻ (thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, nhà thuốc An Khang, Avakids..) còn có các công ty chuyên cung cấp dịch vụ có liên quan như dịch vụ hậu mãi - bảo trì - lắp đặt, dịch vụ giao hàng chặng cuối, dịch vụ quản lý kho vận logistics... Công ty cũng mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài với liên doanh bán lẻ điện máy tại Indonesia.

Muốn sở hữu cổ phiếu "hàng hot" này, các nhà đầu tư ngoại sẽ phải tranh giành nhau "sứt đầu, mẻ trán"?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2024, MWG ghi nhận doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ đạt 31.500 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ Điện máy xanh và Thế giới di động tăng 10% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu cả năm.

Lợi nhuận ròng của Thế giới Di động trong 3 tháng đầu năm cũng tăng gấp 43 lần cùng kỳ 2023 lên 902 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 6 quý kể từ quý 3/2022 và hoàn thành 38% mục tiêu cả năm đề ra.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024 của công ty theo ban lãnh đạo MWG chia sẻ, sức mua chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng, do đó trong năm 2024 công ty sẽ tập trung vào việc tăng trưởng thị phần và tối ưu chi phí. Thêm vào đó, cuộc chiến về giá sẽ không còn căng thẳng như trong năm 2023 và công ty sẽ đưa ra giá bán sản phầm hợp lý hơn nhằm cải thiện doanh thu và lợi nhuận ròng.

Đối với Era Blue, MWG có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối (nhiều nhất là 100 cửa hàng). Điện Máy xanh và Thế giới Di động, công ty không có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng trong 2 - 3 năm tới, thậm chí có thể đóng cửa bớt các cửa hàng kém hiệu quả để vận hành tốt hơn.

Dư địa để hai chuỗi tăng doanh thu và lợi nhuận các năm tới là tập trung khai thác thêm 40% thị phần còn lại của thị trường (hiện hai chuỗi đã chiếm 50 - 70% thị phần tùy ngành hàng) thông qua các giải pháp tài chính, giao nhận hay bảo trì cho khách hàng.

MWG đang trong lộ trình để thực hiện mục tiêu đạt doanh thu 550 triệu đồng/cửa hàng – điểm hòa vốn, cho đến đó thì công ty sẽ chưa có kế hoạch mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang.

Đối với Bách hóa Xanh, hiện doanh thu và lợi nhuận ròng của Bách hóa Xanh vẫn đi đúng hướng và ban lãnh đạo tự tin sẽ tiệm cận lợi nhuận ròng vào năm 2024. Sau giao dịch bán 5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của Bách hóa Xanh, MWG cho hay, công ty chưa có nhu cầu thêm vốn cho Bách hóa Xanh trong thời gian tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại