Trong một cuộc họp báo mới đây, đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey cho biết, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ trong chính sách của Washington tại Syria cũng có thể khiến người Nga chìm sâu hơn vào "vũng lầy" xung đột ở Trung Đông.
Cũng theo ông Jeffrey, sự hiện diện của Mỹ tại Syria dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn đến tình hình trong khu vực. Ông này cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ, cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo đuổi chính sách can thiệp vào Syria.
Đặc phái viên này còn cho rằng, Syria không phải là Afghanistan, không phải là Việt Nam, càng không phải là một "vũng lầy" đối với Mỹ.
"Công việc của tôi là biến Syria trở thành "vũng lầy" đối với người Nga", đặc phái viên James Jeffrey nhấn mạnh.
Ông James Jeffrey cũng cam kết Mỹ sẽ tiếp tục ngăn Nga đạt được các mục tiêu chiến lược mà Moscow đang theo đuổi ở Syria. Điển hình như sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết quốc gia Trung Đông này hay vai trò của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad thời hậu chiến.
Ngay sau tuyên bố của ông James Jeffrey, một số nhà quan sát cho rằng Washington đang cố tình đánh bóng hình ảnh của Mỹ tại Syria, thông qua việc hạ thấp vai trò của Nga trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, có thể thấy rõ một thực tế rằng Moscow mới là "người cầm cái" trong cuộc chơi ở Syria.
Xét về tính chính danh, liên quân của Mỹ đang hoạt động bất hợp pháp ở Syria khi không được sự cho phép của chính quyền Damascus hoặc được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền. Trong khi đó, Quân đội Nga đang chiến đấu ở Syria theo yêu cầu của Tổng thống Al-Assad.
Xe bọc thép BTR-80 của Quân cảnh Nga chặn đường một đoàn xe tuần tra của Mỹ tại làng Tannuriyah, Qamishli, tỉnh Hasakah, Syria hôm 2/5. Ảnh: AFP.
Mặt khác, việc Mỹ có thể khiến Nga "sa lầy" trong cuộc xung đột ở Syria là một viễn cảnh khó có thể xảy ra nếu dựa trên tình hình chiến trường hiện tại. Dù còn quá sớm để nói về chiến thắng, nhưng những gì mà Nga đạt được sau 5 năm tham chiến ở Syria thành công hơn nhiều so với Mỹ trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Từ chỗ chỉ kiểm soát được hơn 10% lãnh thổ (9/2015), với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang Nga, Quân đội Syria đã từng bước giải phóng hơn 70% lãnh thổ, đồng thời dồn toàn bộ quân khủng bố về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là minh chứng rõ nhất cho thành công về mặt quân sự của Nga trong cuộc chiến.
Điều đáng nói là Nga biết cách dung hòa lợi ích của các bên ở Syria, đạt được mục tiêu chiến lược lâu dài bằng con đường ngoại giao hơn là chăm chăm sử dụng vũ lực. Đây là điểm khác biệt giữa Moscow và Washington trong các hoạt động quân sự ở Trung Đông.
Về chính trị, Nga ngày càng khẳng định vai trò của một nước lớn trong một loạt vấn đề lớn khác tại Trung Đông, sau những thành công ở Syria. Tiếng nói của Moscow ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều cuộc xung đột trong khu vực như ở Libya và Yemen.
Tựu trung lại, thông qua cuộc chiến ở Syria, chúng ta có thể thấy nước Nga đang dần lấy lại vị thế của mình trên chiến trường quốc tế hơn là "sa lầy" vào xung đột. Trong khi đó Mỹ mất dần vai trò cũng như sức ảnh hưởng tại nhiều điểm nóng trên thế giới, nhất là ở Trung Đông.
Đoàn xe tuần tra chung Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công trên đường M4 hôm 12/5.