Trong khi châu Âu đã bước vào Kỷ Nguyên Phục Hưng cùng những tiến bộ vượt bậc về khoa học, đặc biệt là y học - thì các Sa hoàng Nga vẫn tiếp tục tin tưởng sử dụng các bài thuốc cổ của thầy phù thủy và pháp sư, theo RBTH.
Là những tín đồ của Chính thống Giáo, các Sa hoàng thường không tin tưởng vào các loại thuốc và phương pháp chữa bệnh của những người theo đạo Thiên Chúa hay Tin lành. Ngay cả trong tình huống nguy cấp nhất, thì họ cũng sẽ lựa chọn tin tưởng một thầy thuốc (hoặc thầy phù thủy) của Nga.
Sau đây là những loại "thần dược" kì lạ nhất mà các Sa hoàng Nga từng sử dụng:
Trích máu tĩnh mạch - sử dụng chim săn mồi
Trích máu tĩnh mạch là một trong những phương pháp chữa bệnh thông dụng nhất từ thời cổ đại đến cuối thế kỷ 19 - tức trong vòng 2000 năm. Khi các phương thức chữa chứng tăng huyết áp chưa được phát minh, việc trích máu từ tĩnh mạch đã được sử dụng để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: RBTH/H. Humphrey
Vị Sa hoàng đầu tiên sử dụng phương thức chữa bệnh này là Sa hoàng Michael (Mikhail Fyodorovich; 1596 – 1645), vị hoàng đế đầu tiên trong dòng họ Romanov. Con trai Sa hoàng Michael, Sa hoàng Alexis (1629 - 1676), là một người yêu thích chim ưng, nên ông đã để loài chim này mổ vào tay để trích máu cho mình.
Sa hoàng Alexis còn ra lệnh cho các boyar (tước hiệu cao cấp nhất trong tầng lớp quý tộc của Nga) phải cùng trích máu với mình.
Nam tước Đức Augustin Meyerberg từng kể lại rằng, có lần Sa hoàng Alexis đã yêu cầu một nhà quý tộc có tên Rodion Streshnev cùng trích máu, nhưng người này đã từ chối với lý do sức khỏe và tuổi tác không cho phép. Khi ấy, Sa hoàng Alexis đã tát và đá ngã nhà quý tộc này, đồng thời hét lớn: "Tên nô lệ vô dụng, nhà ngươi dám khinh thường hoàng đế tối cao ư? Lẽ nào dòng máu của nhà ngươi lại quý giá hơn của ta?" Cuối cùng, Streshnev đã phải tuân lệnh.
Ngọc quý - "Tình yêu" của Sa hoàng "Ivan Bạo chúa"
Sa hoàng "Ivan Bạo chúa" (1530 - 1584) tin rằng ngọc quý có năng lực chữa bệnh. Mặt vòng cổ của Sa hoàng Ivan có đính các loại ngọc "chữa bệnh" như ngọc trai và sapphire. Trong chuyến công tác tại Moskva, nhà Ngoại giao Anh Jerome Horsey từng nghe Sa hoàng Ivan kể về công năng "chữa bệnh" của từng loại ngọc quý này.
Sa hoàng "Ivan Bạo chúa" khoe số châu báu của mình với Đại sứ Anh Jerome Horsey. Tranh: Alexander Litovchenko/The Mikhailovsky Palace
Sa hoàng Ivan từng chia sẻ với ông Horsey rằng: "kim cương sẽ kiềm chế cơn giận dữ và niềm vui sướng. Đeo ngọc ruby thì không chỉ tim, não thấy dễ chịu, mà trí nhớ và sinh lực của người đàn ông cũng được tăng cường. Ngọc lục bảo có tính chất như cầu vồng, loại đá quý này sẽ thanh tẩy mọi ô uế. Ta thích nhất là sapphire, nó bảo vệ, tăng cường lòng dũng cảm và niềm vui trong trái tim mỗi người. Tất cả chúng đều là những món quà tuyệt vời của Chúa..."
Các loại đồ uống có cồn
Ban đầu, các loại đồ uống có nồng độ cồn cao được giới thiệu ở Nga với công dụng là... thuốc chữa bệnh. Vào khoảng thế kỷ 14-15, một loại "vodka" đã được thương nhân châu Âu dâng cho hoàng tử Nga, và từ "vodka" sau đó đã được sử dụng để gọi tên loại rượu thảo dược có nồng độ cồn cao trong thế kỷ 16.
Các bình rượu vodka cổ. Ảnh: George Shuklin
Cũng trong giai đoạn này, các đầy tớ của Sa hoàng bắt đầu chưng cất được một lượng nhỏ rượu nồng độ cao từ rượu vang châu Âu, sau đó các loại "vodka" này được bán trong các cửa hàng thuốc gần Quảng trường Đỏ. Khi ấy, chỉ có những người Moskva giàu nhất mới có thể mua được "vodka", bởi giá bán của chúng có thể bằng cả một gia tài.
Trước khi có Vodka, rượu vang cũng từng được sử dụng như một loại thuốc để làm ấm cơ thể và giúp người nhanh ra mồ hôi. Khi Sa hoàng Michael đang hấp hối, thầy thuốc đã nỗ lực "làm sạch gan" của ông bằng rượu vang sông Rhine. Nhưng cuối cùng Sa hoàng Michael vẫn không qua khỏi.
Sừng kỳ lân
Vào thời Trung Cổ, người ta tin rằng kỳ lân đã từng đi qua những vùng đất chưa ai đặt chân tới. Đối với những Sa hoàng đời đầu, kỳ lân là biểu tượng của thần thánh thiêng liêng. Hình ảnh kỳ lân đã được Sa hoàng "Ivan Bạo chúa" sử dụng trên dấu triện hoàng gia của mình.
Những tài liệu về năng lực thần thánh của kỳ lân và đặc biệt là sừng kỳ lân đã được lưu truyền tại Nga từ trước thế kỷ 16, và Sa hoàng "Ivan Bạo chúa" từng có một chiếc quyền trượng làm bằng "sừng kỳ lân", nhưng thực chất là ngà kỳ lân biển, một loài động vật biển thuộc bộ cá voi.
Ảnh: RBTH
"Sừng kỳ lân" (và bột sừng kỳ lân) được tin là một loài thuốc trừ tà và giải độc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1654, Sa hoàng Alexis đã đặt mua một chiếc "sừng kỳ lân" từ Lübeck, Đức. Một năm sau, người bán lại tiếp tục chào mời Sa hoàng Alexis mua 3 chiếc "sừng kỳ lân" với giá 11.000 rúp, đắt hơn gần 50 lần so với giá vàng vào thời điểm đó.
Và đó có phải "hàng thật" hay không? Tiến sĩ Clare Griffin, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Cambridge, cho biết các Sa hoàng đã sử dụng bồ câu để thử nghiệm công dụng của "sừng kỳ lân". Con đầu tiên được cho ăn chất độc arsen, con thứ hai ăn hỗn hợp bột arsen và bột "sừng kỳ lân", còn con thứ ba thì ăn bột "sừng kỳ lân" trước khi ăn arsen.
Đầu tiên, cả 3 con chim bồ câu đều sống, tuy nhiên sau khi lặp lại nhiều lần thử nghiệm, chỉ có con thứ 3 sống sót. Khi đó, các thầy thuốc của Sa hoàng đã kết luận rằng "sừng kỳ lân" thực sự có hiệu nghiệm.
Tuy nhiên, đến năm 1669, họ đã bác bỏ kết quả nghiên cứu của những năm trước do phát hiện rằng "sừng kỳ lân" thực chất là ngà kỳ lân biển. Tới thế kỷ 18, thì những quan niệm lỗi thời về y học đã dần biến mất.
Arsen
Ảnh: RBTH
Khi tầng lớp quý tộc Nga - các hoàng tử và boyar của dòng họ Rurikid - muốn lật đổ Sa hoàng "Ivan Bạo chúa", hoàng đế này đã chủ động sử dụng chất độc để trừ khử những kẻ thù của mình. Năm 1570, Sa hoàng "Ivan Bạo chúa" đã mời nhà vật lý học Đức Eliseus Bomelius tới giúp ông chuẩn bị chất chất độc để thực hiện kế hoạch ấy.
Tuy nhiên, "Ivan Bạo chúa" luôn sợ hãi rằng mình cũng bị đối phương bỏ độc, nên ông ta đã quyết định uống một lượng nhỏ arsen - chất độc dễ kiếm nhất vào thời điểm đó - mỗi ngày, với niềm tin rằng cơ thể sẽ sản sinh cơ chế kháng độc.
Các Sa hoàng của thế kỷ 16-17 rất cẩn trọng trong khâu ăn uống, họ đều có đầy tớ hoặc thầy thuốc thử đồ ăn trước, nên nguy cơ bị bỏ độc được giảm thiểu tối đa. Thế nhưng, khi các nhà khoa học khám nghiệm hài cốt của Sa hoàng Ivan vào năm 1965, họ đã phát hiện ra ông ta đã chết vì ngộ độ thủy ngân.