Donut, hay Doughnut, theo mọi nghĩa, có thể được xem như một món bánh quốc dân gắn liền với văn hóa và lịch sử nước Mỹ.
Donut được bán khắp nơi, từ những cửa hàng chuyên biệt cho đến quán cà phê, tiệm bánh nói chung.
Bánh donut có thể được ăn hầu như vào bất kì thời điểm nào trong ngày với người Mỹ, ăn sáng, ăn trưa, ăn xế hay thậm chí là ăn khuya.
Món bánh kinh điển hay "cameo" trong các bộ phim Mỹ, được tiêu thụ đến hơn 10 tỷ chiếc mỗi năm.
Theo như trang Huffington Post, có hơn 10 tỷ chiếc bánh donut được sản xuất tại Mỹ vào mỗi năm.
Không dừng lại ở đó, trang này cũng cho hay, ngày 7 tháng 6 hằng năm được xem là “Quốc Khánh Donut” của Mỹ, nơi người ta ăn mừng, tận hưởng các chương trình giảm giá và bày tỏ sự yêu mến cho chiếc bánh này.
Theo một thống kê của Hoa Kì thì đến năm 2011, đã có 10 đứa trẻ được đăng kí tên là "Donut" hoặc "Doughnut" trên giấy khai sinh, đủ hiểu sự cuồng của người Mỹ với chiếc bánh này.
Ở Việt Nam, các cửa hàng bán Donut rất ít, và chúng ta chỉ biết donut qua hình dáng một chiếc bánh vòng.
Tuy nhiên trong thực tế, bánh donut có nhiều loại từ hình dạng, cách chế biến đến nhân kem ngọt ngào béo ngậy bên trong.
Sau khi xem qua list này, bạn có khả năng phải thèm donut kiểu Mỹ đến “đấm ngực dậm chân” đấy, nên cẩn thận nhé!
Raised donut - hay sự “trỗi dậy của cục bột”
“Raise” trong tiếng Anh nghĩa là “trồi lên”, “vươn lên”. Đây là loại bánh donut kinh điển nhất và có tần suất phủ sóng rộng khắp nước Mỹ.
Sở dĩ tên “vươn lên” là do chiếc bánh này sử dụng một lượng lớn men, sau một thời gian ủ thì bột bánh sẽ “cao lên”.
Món bánh trỗi dậy này thường được chiên ngập dầu, có vị thơm béo và chua nhẹ, thường hay được lăn trong đường quế hoặc một lớp kem mỏng từ đường cát.
Đây cũng là chiếc bánh hay “cameo” trong các bộ phim Mỹ nhất do sự kinh điển của nó.
French cruller - phiên bản “quý tộc” của donut thường
Người Pháp thích những thứ dễ thương, điều này có thể thấy qua những bộ trang phục cầu kì với ruy băng và ren lụa. Cách họ đối xử với những chiếc bánh cũng không ngoại lệ.
Chiếc French cruller có công thức tương tự donut bình thường, song có điểm nhất là phần bột được vặn xoắn lại tạo thành những nếp gấp rất xinh.
Chiếc bánh này thường được nhúng trong sốt kem đường cát hoặc ăn không.
Boston cream - đứa con của donut và pudding
Đây là chiếc bánh mà ai cũng phải hết sức cẩn thận khi ăn, bởi một nhát cắn sai lầm cũng có thể dẫn đến chiếc váy yêu thích nhất của bạn dính đầy kem pudding!
Chiếc bánh này có vỏ giòn và mỏng, ruột rỗng, bên trong là kem pudding, bên ngoài được phủ một lớp chocolate. Đây cũng là một chiếc bánh khá kinh điển kiểu Mỹ đấy.
Cronut - kết tinh tình yêu của croissant và donut
Như cái tên đã nói, croissant kết hợp với donut đã cho ra một loại bánh tên “cronut” (vâng, người Mỹ lười đặt tên vậy đấy).
Về cơ bản, cronut có cốt bánh tương tự như loại pastry nhiều lớn của croissant, nhưng đặc ruột hơn và thường được nhúng trong sốt kem donut truyền thống.
Món bánh này được một đầu bếp ở New York sáng tạo ra để rồi từ đó gần như luôn “cháy hàng”.
Cinnamon roll - sự mềm mại ngọt ngào tinh tế
Giới trẻ Mỹ khi thích ai, mến ai, hoặc đơn giản thấy người đó đáng yêu quá, thường sẽ hay gọi họ là “cinnamon roll”.
Bởi vì cinnamon roll là chiếc bánh mềm mại, ngọt ngào, có vị ấm nồng của quế và rất được mọi người yêu thích. Và dù trông không giống lắm nhưng chiếc bánh này vẫn được xem là một loại donut đấy.
Cake donut - “thánh” sống ảo chuyên nghiệp
Cake donut thực ra có công thức khá giống với bánh bông lan cake kiểu mỹ, có kết cấu đặc và nặng.
Tuy nhiên loại bánh này rất hay được người ta chọn làm hình tạp chí, hình sống ảo hay các loại hình phục vụ nghệ thuật vì loại bánh này không dễ bị mềm khi để lâu trong không khí, cũng như luôn được trang trí rất bắt mắt.