Nói vốn rất dễ nhưng nói thế nào cho phải, cho hay thì lại là một câu hỏi hóc búa. Vận mệnh và phúc khí của đời người thường bắt nguồn từ cái miệng. Muốn thay đổi số phận thì đầu tiên, chúng ta phải thay đổi cách giao tiếp của bản thân.
1. Tích khẩu đức chính là tích phước lành
Người xưa có câu: “Dao cắt dễ lành, lời ác khó tiêu.”
Làm người phải có khẩu đức, đừng nói những điều không nên nói và phải dũng cảm nói ra những điều nên nói. Lời này bắt nguồn từ thuật “bãi hạp” của Quỷ Cốc Tử. Bãi hạp tức là đóng mở, còn hiểu là mở miệng và ngậm miệng, tức khi nào nên nói và khi nào không nên nói, khi mở miệng thì nói như thế nào, khi ngậm miệng thì ngậm như thế nào.
Từ xưa, bậc thầy mưu trí Quỷ Cốc Tử, người được mệnh danh là Bách Khoa Toàn Thư của Trung Quốc, đã từng đúc rút nhiều bí quyết trong giao tiếp. Ông chính là người khai sáng ra thuật du thuyết, đã được Trương Nghi, Tô Tần, Bàng Quyên, Tôn Tẫn ứng dụng thiết thực, thay đổi thế cục Chiến quốc chỉ bằng lời nói của bản thân.
Giao tiếp là cả một nghệ thuật. Với người khôn ngoan, phước lành sẽ đến. Với người nói chuyện không biết kiêng kỵ, tai ương sẽ bắt đầu, vì cửa miệng là con đường tạo nghiệp nhanh nhất. Chỉ cần một câu vô ý đã có thể mích lòng người khác. Trên đường đời, kẻ không giỏi giao tiếp thì rất dễ gây thù chuốc oán, càng đi càng khó khăn.
Cho nên, muốn giàu thì miệng phải sang, gia đình muốn có phúc thì trước hết miệng phải có vận.
Miệng giống như chiếc ống đựng tiền, miệng phú quý thì phúc khí tự đến, lời nói như hoa thì phú quý cả đời.
Quỷ Cốc Tử nói: “Muốn có được tình cảm của người khác, lời nói phải bắt nguồn từ cái tình.”
Khi nói chuyện với người khác, để tăng tính thuyết phục, bạn phải thể hiện được sự đồng cảm và đưa ra luận điểm từ quan điểm của người nghe. Như vậy, họ mới có thể dễ dàng tiếp nhận cái lý và cái tâm trong lời nói, sinh ra thiện cảm và sẵn sàng lắng nghe bạn.
Có câu chuyện kể rằng:
Một bác tài xế taxi da đen chở một cặp mẹ con da trắng, đứa trẻ hỏi: "Tại sao nước da của chú tài xế lại khác với cháu?"
Người mẹ mỉm cười và trả lời: "Vì Chúa muốn làm cho thế giới trở nên đầy màu sắc nên đã tạo ra những con người có nhiều màu sắc khác nhau!".
Đến nơi, tài xế kiên quyết từ chối tính tiền: "Lúc nhỏ, tôi cũng hỏi mẹ một câu như vậy. Nếu hôm đó bà ấy có thể trả lời tôi như vậy, có lẽ bây giờ tôi đã trở thành một phiên bản hoàn toàn khác."
Nói lời thiện chính là gieo duyên lành, tạo thiện nghiệp. Miệng phú quý thì dễ dàng kết bạn, gia đình thuận hòa, phúc lộc tự nhiên sẽ đến.
2. Năm điều cấm kỵ mà người khôn không bao giờ nói
Quỷ Cốc Tử nói: “Miệng dùng để ăn chứ không phải để nói, nói ắt phải có kỵ húy”.
Trong “Mưu thiên”, 5 điều kiêng kỵ phải chú ý khi giao tiếp đã được nhắc đến chính là: Không nói lời Bệnh, không nói lời Oán, không nói lời Ưu, không nói lời Nộ và không nói lời Hỷ.
Có thể hiểu rằng:
Không nói lời Bệnh tức là tránh nói chuyện uể oải, thiếu tinh thần, làm gì cũng không có sức sống, không có nhiệt tình, thiếu chí tiến thủ.
Không nói lời Oán tức là tránh nói những điều oán giận, nhiều năng lượng tiêu cực, suy diễn bi quan, gặp vấn đề thì không tìm cách giải quyết, thiếu chủ kiến riêng.
Không nói lời Ưu tức là tránh đa sầu đa cảm, chìm đắm vào thế giới cảm xúc của riêng mình.
Không nói lời Nộ là tránh nói năng bốc đồng, bừa bãi khi giận dữ, không kiểm soát được cảm xúc cá nhân.
Không nói lời Hỷ là tránh nói điều đắc chí vênh váo, hành động kiêu ngạo, nói không lựa lời, dễ khiến người ta ghen ghét.
Một người hay buôn lời phàn nàn, than nghèo kể khổ, làm gì cũng thiếu sự nhiệt tình, luôn bất mãn với chính mình thì phúc khí tự biến mất. Năng lượng tiêu cực xung quanh họ cũng khiến bạn bè và người thân mệt mỏi, dần dần xa lánh. Cuối cùng, nhân duyên và sự nghiệp đều bị ảnh hưởng xấu.
Với những điều bản thân không biết, hoặc khó nói, cách phản ứng khôn ngoan nhất chính là im lặng và mỉm cười. Một nụ cười tự tin có thể giải quyết tất cả những tình huống khó xử mà bạn phải đối mặt trong giao tiếp xã hội. Chúng ta thà không nói gì chứ không nên phát ngôn bừa bãi.
3. Khi nói chuyện, hãy luôn chân thành
Quỷ Cốc Tử đúc kết rằng, với mỗi kiểu người, cần lựa cách giao tiếp cho thích hợp.
Chẳng hạn như, nói chuyện với người trí tuệ thì phải dựa vào sự hiểu biết rộng. Nói chuyện với người hiểu biết rộng nên dựa vào phân tích phân biệt. Nói chuyện với người giỏi phân tích phân biệt nên dựa vào điều cốt yếu. Nói chuyện với người hiển quý nên dựa vào thế thời. Nói chuyện với người giàu có nên dựa vào sự cao thượng. Nói chuyện với người nghèo khó nên dựa vào lợi ích. Nói chuyện với người thấp kém nên dựa vào khiêm hạ. Nói chuyện với người dũng cảm nên dựa vào can đảm. Nói chuyện với người có sai lầm nên dùng lòng tin và sự khuyến khích.
Ông cũng không quên nguyên tắc: “Chớ đem điều mình không muốn áp đặt lên người khác.”
Người giỏi giao tiếp không có nghĩa là dùng ba tấc lưỡi để nói đủ mọi đường hay “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Mà quan trọng là người dùng nội tâm chân thành, đứng ở vị thế của đối phương mà suy nghĩ và nói chuyện. Khi cả hai cùng hướng tới một mục tiêu lợi ích chung thì cuộc nói chuyện mới trở nên thông suốt, sáng tỏ.
Nhờ có những nguyên tắc quan trọng này, Quỷ Cốc Tử đã truyền dạy nghệ thuật giao tiếp, đưa thuật “bãi hạp” đi lên đỉnh cao. Dùng chân thành để tương tác với mọi người, đó là chìa khóa mở cửa mọi trái tim. Dù tài hùng biện xuất sắc đến đâu cũng không ấn tượng bằng cảm xúc thật.
Cho nên, hãy nhớ rằng, nói chuyện chân thành, đường đời càng đi càng rộng mở, càng tiến càng thuận lợi, càng bước càng thênh thang.