Trên con đường phát triển, nếu gặp được quý nhân phù trợ, chúng ta có thể tiết kiệm công sức, bỏ qua những con đường cong cong vòng vòng, có cơ hội được dẫn dắt thẳng tới mục tiêu cuối cùng.
Nhưng duyên phận quý giá đó không phải điều chúng ta có thể tự quyết định, hễ đi là tới, hễ muốn là gặp.
Giống như thành ngữ "Bá Nhạc tướng mã" của Trung Quốc, dùng để nói về người có thể nhận ra tài năng và trao cơ hội cho người khác thể hiện bản lĩnh.
Thiên lý mã, một giống ngựa rất tốt và quý, chạy ngàn dặm không biết mệt và chảy mồ hôi màu đỏ như máu nên còn được gọi là "hãn huyết bảo mã", may mà được Bá Nhạc phát hiện để đề cử cho vua chúa trọng dụng.
Nếu không, nó sẽ muôn kiếp chỉ làm một con ngựa kéo xe tầm thường.
Từ xưa đến nay, trong tay người thợ tài ba thì đá cũng trở thành ngọc quý, ngược lại ngọc quý trong tay kẻ bất tài kém tâm cũng chỉ là đá.
Nhưng nếu tìm hiểu theo một khía cạnh khác, liệu Bá Nhạc có dám mang đi tiến vua chú ngựa đó nếu nó không phải hạt giống thực sự tốt?
Một người thợ có bàn tay tinh xảo đến mấy cũng có thể đẽo đá thành ngọc được không? Câu trả lời đương nhiên là không thể.
Chỉ khi chính bản thân chúng ta có năng lực, có giá trị của riêng mình, chúng ta mới có cơ hội chờ đợi người khác khai thác tiềm năng.
Một viên ngọc sáng sở hữu những đặc điểm sau đây mới có thể thu hút quý nhân tới gần:
1. Người có lòng biết ơn sâu sắc
Một người có tiềm thức học được cách biết ơn mới hiểu được cách trân trọng sự giúp đỡ của người khác. Như vậy, quý nhân vươn tay giúp đỡ mới cảm thấy hành động của mình có giá trị.
Không một ai mong muốn mình sẽ trở thành bác nông dân trong câu truyện ngụ ngôn "Bác nông dân và con rắn", liều mạng cứu sống con rắn đang hấp hối dọc đường để rồi bị chính nó phản bội, cắn một phát mất mạng.
Với người thật sự biết ơn, họ không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà thực sự đặt cảm xúc vào trong đáy lòng, dùng hành động chân thành để báo đáp.
Không như những kẻ tiểu nhân, giả nhân giả nghĩa, luôn miệng tươi cười nhưng âm thầm che giấu sự ích kỷ bên trong.
Những năng lượng tiêu cực như vậy sẽ khiến người ta cảm thấy không thoải mái, cũng chẳng ai muốn đặt tiềm năng "đầu tư" vào con người họ cả.
2. Những người có chí hướng và tham vọng lớn
Quý nhân không phải nhà từ thiện, họ giúp đỡ bạn 10 phần thì ít nhất cũng mong có thể nhận về sự hồi báo gặp 10 phần đó.
Họ cũng cần bạn nuôi dưỡng tham vọng, phát triển chí hướng để có thể đi càng xa, tới càng cao, đạt được càng nhiều thì giá trị sự giúp đỡ của quý nhân lại càng lớn.
Giống như trong chương trình Shark Tank, các "cá mập" không đầu tư cho startups nhằm mục đích chơi cho vui, mà chắc chắn là họ có nhắm tới mục đích thương mại.
Nhưng chính việc họ sẵn sàng giao ra một số tiền lớn để chúng ta có thể tự tay phát triển ý tưởng của mình, đạt được những thành tựu sau này, cũng đã là sự hỗ trợ quý giá.
Do đó, chí hướng và tham vọng của startups càng lớn, kết hợp với việc sở hữu một tài năng thích hợp để xây dựng chí hướng đó, càng thu hút được sự chú ý của các quý nhân.
3. Người thông minh và hào sảng
Sự thông minh và tỉnh táo chắc chắn là yếu tố hàng đầu để có thể phát triển sự nghiệp.
Họ không chỉ thông minh trong tư duy, xây dựng ý tưởng, còn cần thông minh trong giao tiếp, ứng xử, xây dựng những mạng lưới quan hệ cần thiết, để tích lũy nguồn lực cho chính thành công sau này.
Người nhỏ nhen thường thích chi ly tính toán, chỉ có người hào sảng, tính tình rộng rãi mới dễ đạt được thiện cảm của mọi người xung quanh.
Tâm thái của họ cũng bình tĩnh, vững vàng hơn so với nhiều người, không đặt nặng sĩ diện, mặt mũi. Đó mới là nhân tố tiềm năng mà các quý nhân coi trọng.
Nghiên cứu The Strength of Weak Ties của nhà xã hội học Mark Granovetter ở Stanford đã chỉ ra rằng mọi người có đến 58% cơ hội sự nghiệp có được thông qua các mối quan hệ xã giao.
Câu hỏi ông đặt ra là, tại sao các mối quan hệ xã giao lại hiệu quả hơn bạn bè thân thiết?
Câu trả lời là các mối quan hệ xã giao thường thuộc về nhiều hội nhóm xã hội khác với bạn, họ biết nhiều thứ khác với bạn, và do đó có thể cho phép bạn tiếp cận với nhiều thông tin mới lạ, như những cơ hội làm việc mà bản thân bạn không biết.
Andrew Carnegie, ông vua thép của Mỹ cũng công nhận rằng: "Tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội".