Tiến sĩ - chuyên gia tâm lý nổi tiếng người Mỹ Donna Housman đã thực hiện một số nghiên cứu và nhận thấy trí thông minh cảm xúc (EQ) giúp trẻ rất nhiều trong việc giải quyết mâu thuẫn, xung đột với người xung quanh.
Khả năng quản lý cảm xúc của bản thân và nhận biết cảm xúc của đối phương giúp trẻ phát triển được sự đồng cảm, lòng trắc ẩn, chấp nhận sự khác biệt giữa mỗi cá nhân - từ đó có lòng bao dung hơn.
Bên cạnh đó, EQ cũng liên quan đến thành tích học tập, kỹ năng giao tiếp, nền móng cho các mối quan hệ, sức khỏe tinh thần và nhiều vấn đề khác.
Có thể nói, EQ chính là tiền đề để trẻ thành công trong cuộc sống sau này. Do đó, bố mẹ cần có biện pháp giúp con bồi dưỡng EQ. Dưới đây là một số cách đơn giản mà bố mẹ có thể thực hành hàng ngày:
Giúp con xác định cảm xúc của bản thân
Việc xác định được chính xác cảm xúc của bản thân sẽ giúp trẻ thoải mái hơn khi đối diện với chúng.
Để rèn điều này cho con, bố mẹ có thể bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản mỗi ngày như: "Hôm nay con có cảm xúc/cảm nhận gì?".
Nếu hỏi chung chung: "Hôm này con thế nào?" - thì trẻ thường sẽ trả lời: "Con ổn", dù thực tế đôi khi không phải vậy.
Một câu hỏi cụ thể, mang tính chất gợi mở sẽ giúp trẻ dễ bộc lộ cảm xúc của mình hơn, từ đó có thêm nhận thức và sự tự tin.
Một cách nữa để dạy trẻ xác định cảm xúc của mình, đó là giúp trẻ nhận biết cảm xúc của những nhân vật trong sách báo, phim ảnh,... Chẳng hạn như hỏi trẻ: "Con nghĩ nhân vật này đang vui hay buồn?".
Vẽ tranh hoặc viết nhật ký
Các hoạt động như vẽ tranh và viết nhật ký cũng giúp ích rất nhiều cho việc phát triển EQ của con.
Vào cuối ngày, bố mẹ có thể dành thời gian chơi đùa cùng và khuyến khích con viết nhật ký về những điều đã xảy ra trong ngày, cảm xúc của con ra sao trước những điều đó.
Bố mẹ sau đó có thể yêu cầu con xem lại những dòng nhật ký của mình vào các mốc thời gian định kỳ để nhìn nhận lại xem mình có những hành vi, cảm xúc thái quá nào hay không?
Những điều khiến con cảm thấy hối hận sau đó. Bằng cách này, bố mẹ giúp con xác định và điều chỉnh được cảm xúc của mình.
Bố mẹ tự nói về cảm xúc của mình
Muốn con xác định được cảm xúc của mình thì chính bố mẹ phải làm gương trước. Bắt đầu bằng việc bố mẹ cũng thoải mái thảo luận về cảm xúc của mình với con.
Hàng ngày, bạn có thể mô tả, gọi tên cảm xúc của mình với con bằng những việc làm đơn giản.
Chẳng hạn khi đăng gặp một vấn đề khó giải quyết nào đó, bố mẹ có thể nói: "Chà mẹ bực mình quá. Có lẽ mẹ sẽ dừng việc này lại, nghỉ ngơi một lúc rồi tiếp tục làm sau".
Cố gắng bình thường hóa các cảm xúc tiêu cực
Không một bậc cha mẹ nào mong muốn có những trải nghiệm, cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên việc cố gắng bảo vệ con khỏi những cảm xúc này đôi khi lại gây hại.
Thay vì che giấu, bố mẹ hãy dạy con biết, tất cả các cảm xúc là tự nhiên và bình thường. Quan trọng nhất là cách chúng ta đối phó với nó.
Dạy con cách bày tỏ và quản lý cảm xúc đúng đắn
Một trong những khía cạnh quan trọng của EQ là biết cách giải quyết vấn đề. Theo đó, các bước phát triển toàn diện trí tuệ cảm xúc bao gồm: nhận biết cảm xúc, gọi tên cảm xúc và biết giải quyết vấn đề như thế nào.
Ví dụ khi con tức giận, bố mẹ nên hỏi xem con định làm gì để giải tỏa cảm xúc. Sau đó, bố mẹ hướng dẫn con những cách lành mạnh để giải tỏa như nghe một bản nhạc, đi dạo ngoài vườn, chơi thể thao,...
Bố mẹ thẳng thắn thừa nhận sai lầm
Bốn mẹ cần thẳng thắn thừa nhận, chính bản thân mình cũng có những lúc bộc phát cơn giận và xử lý cảm xúc căng thẳng một cách không lành mạnh.
Bên cạnh đó, hãy cho con biết, bạn đã làm gì để sửa chữa sai lầm của mình. Điều này giúp con hiểu được việc trau dồi EQ cần có nhiều thời gian và là cả một quá trình.
Ngoài ra, việc bố mẹ thằng thắn thừa nhận sai lầm cũng là cách tốt để khuyến khích con không trốn tránh khi mắc lỗi. Bên cạnh đó, khi con quản lý tốt cảm xúc của mình, bố mẹ đừng ngại dành những lời khen hay phần thưởng.
Cho con tham gia các hoạt động và tiếp xúc thêm với nhiều người
Bố mẹ nên tạo điều kiện để con tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và tiếp xúc với những môi trường mới, con người mới.
Có thể bắt đầu bằng những hoạt động đơn giản như cùng nhau đọc sách, xem phim tài liệu, thử một môn thể thao mới,...
Dần dần các hoạt động được nâng cấp rộng hơn như cùng đi làm tình nguyện,... Những trải nghiệm này sẽ giúp con có thêm nhiều kỹ năng sống và mở rộng tư duy, quan điểm.
Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích con đặt mình vào vị trí của người khác, khuyến khích con nói chuyện với mọi người theo cách cởi mở, bình đẳng và không phán xét.
Bố mẹ cũng cần làm gương cho con. Khi bố mẹ đối tốt với những người xung quanh, con cũng sẽ tự giác học theo đức tính tốt này.