Muốn chiến thắng, trước hết mỗi người lính phải... sống đã

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Để vượt qua những hiểm họa, để sống và chiến thắng, người lính cần có bản lĩnh vững vàng cùng những kiến thức, kinh nghiệm... mà nhiều thứ trong số đó đã phải đổi bằng máu.

Mỗi người lính khi ra trận đều hướng tới một mục tiêu tối thượng là chiến thắng. Tuy nhiên, ở chiến trường, không chỉ có bom đạn mà còn có bao nhiêu hiểm họa muôn hình vạn trạng luôn rình rập để cướp đi sinh mạng con người. Vì vậy, muốn chiến thắng trước hết người lính phải sống đã.

Chiến thắng đói khát

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần nghe đến câu: "Thực túc binh cường", "Có thực mới vực được đạo"... Đó chính là những tổng kết rất thực tế về công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội mà trước hết là bảo đảm cái ăn.

Có ăn no, ăn đủ mới có đủ sức khỏe để hoàn thành những công việc khác. Ấy thế nhưng, cái việc tưởng như đơn giản, tự nhiên đó lại không hề đơn giản trong chiến trường.

Lý do ư? Cũng rất là đơn giản! Con đường tiếp vận từ hậu phương ra tiền tuyến thì dài, lại thường xuyên bị đối phương ngăn trở.

Cùng với những khó khăn về thời tiết, khí hậu, phương tiện... nên việc vận chuyển lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến không hề dễ dàng và sự thiếu đói của những người lính trực tiếp cầm súng ở tuyến đầu trở thành ... chuyện thường ngày ở huyện.

Thời kháng chiến chống Mỹ, nơi thiếu đói nổi tiếng nhất là chiến trường B3 - Tây Nguyên. Cũng ở xa miền Bắc, nhưng B2, B1 còn dựa vào nguồn tiếp tế từ đồng bằng. Còn B3 cheo veo trên cao nguyên chẳng biết trông chờ vào đâu ngoài sự chi viện của con đường tiếp vận không mấy khi thông suốt.

Có những lúc mà tiêu chuẩn của lính trực tiếp chiến đấu tụt xuống chỉ còn 2-3 lạng gạo mỗi ngày, còn ở hậu cứ thì không có gạo. Vì vậy, không còn cách nào khác, cán bộ chiến sĩ B3 chỉ còn biết trông chờ vào sức lực của chính mình.

Muốn chiến thắng, trước hết mỗi người lính phải... sống đã - Ảnh 1.

Tập huấn sử dụng tên lửa B72 trên xe BMP-1 toàn quân năm 2017. Ảnh minh họa.

Gần đây, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã phát hành cuốn tiểu thuyết phi hư cấu "Rừng đói" của nhà văn lính Nguyễn Trọng Luân kể về một phần nhỏ công cuộc chống đói của chiến trường B3.

Đó là chuyện cả một tiểu đoàn lính sinh viên vừa từ ngoài Bắc vào và nhiệm vụ đầu tiên mà họ nhận được là trồng sắn, thu hoạch sắn, chế biến sắn... gửi ra tiền tuyến cho đồng đội có cái ăn và đánh giặc.

Còn ở chiến trường K, để tiếp tế lương thực cho một trung đoàn tác chiến ở rừng sâu biên giới, Bộ Tư lệnh mặt trận đã phải sử dụng một trung đoàn khác chỉ làm nhiệm vụ tải gạo mà thôi. Và chỉ tải gạo nhưng không phải không có những hy sinh mất mát.

Nhưng đấy là chuyện của cả mặt trận, của cả chiến trường. Còn đối với mỗi người lính cũng có vô vàn sáng kiến để chiến thắng cái đói cho chính mình và đồng đội.

Một khóm rau rừng, một chùm quả dại, một mớ cá suối, một con chuột rừng... cũng đủ nguyên liệu cho một bữa "ca cóng"* để người lính bổ sung thêm chút ca-lo ít ỏi cho mình và đồng đội, để có sức mà chiến đấu.

Không chỉ bị cái đói giày vò, người lính ở chiến trường nhiều khi còn phải đối mặt với cái khát mỗi khi mùa khô đến- nhất là trên chiến trường Tây Nguyên và chiến trường K sau này. Những cánh rừng khộp mênh mông, những trảng cỏ "chó ngáp" trải dài vô tận... đi mấy ngày không hết mà không có lấy một con sông, con suối nào.

Nếu không có sự chuẩn bị tốt, rất có thể người lính sẽ bị thiếu nước và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong thực tế, đã có những đơn vị trên chiến trường K lâm vào tình trạng đó, bộ đội đã phải uống cả nước tiểu của mình...

Muốn chiến thắng, trước hết mỗi người lính phải... sống đã - Ảnh 2.

Hành quân xa. Ảnh minh họa.

Chiến thắng bệnh tật

Song hành với cái đói triền miên thì bệnh tật cũng là một hiểm họa luôn rình rập cướp đi sinh mạng mỗi người lính chiến. Có gì đâu, "thân cường thì tật nhược". Đằng này, ăn thì đói, mặc thì rách, chỗ ở thì tạm bợ... trong khi muỗi rừng thì như trấu, không bệnh mới là lạ.

Trong các thứ bệnh tật kinh niên đeo bám người chiến sĩ trên các chiến trường thì sốt rét là căn bệnh phổ biến và đáng sợ nhất. Đó là căn bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây ra. Ký sinh trùng sốt rét lây truyền qua vết cắn của muỗi a-nô-phen.

Sau khi khu trú và phát triển trong người, đến một lúc nào đó nó bùng phát tiêu diệt hồng cầu của con người, làm cho con người mất hết sức lực và dẫu có cắt cơn nhưng vẫn để lại di chứng lâu dài về sau. Còn những trường hợp sốt rét ác tính thì hầu như không cứu được. Người bệnh lên cơn co giật dữ dội rồi nhanh chóng bị tử vong.

Mặc dù trước khi vào chiến trường, chiến sĩ nào cũng đã được phổ biến về cách phòng chống sốt rét, đồng thời trong túi quân y cá nhân của mỗi người đều có những viên thuốc phòng. Song những biện pháp đó cũng không thể đảm bảo hoàn toàn việc phòng bệnh. Thực tế cho thấy, có những đơn vị đã từng có lúc quân số sốt rét lên đến 90%- nhất là vào mùa mưa.

Không chỉ sốt rét, khi mà cơ thể yếu đuối, sinh hoạt lại thất thường... hàng loạt bệnh tật khác cũng xúm lại đe dọa con người. Từ những bệnh đơn giản, ngoài da như ghẻ lở, hắc lào đến những căn bệnh đánh vào phủ tạng bên trong cũng hoành hành không kém.

Để chiến thắng bệnh tật, ngoài sự trợ giúp của ngành quân y không còn cách nào hơn là phải huấn luyện cho chiến sĩ những kỹ năng cần thiết nhất cho việc phòng bệnh và giữ gìn sức khỏe cho chính mình.

Muốn chiến thắng, trước hết mỗi người lính phải... sống đã - Ảnh 3.

Vượt qua những hiểm họa của thiên nhiên

Không chỉ có đói khát, bệnh tật, cuộc sống dã ngoại, nay đây mai đó của người chiến sĩ còn bị vô số những hiểm họa khác của thiên nhiên đe dọa. Từ thiếu nước tới lũ cuốn, từ cháy rừng tới lở đất, từ thú dữ tấn công tới rắn cắn bất ngờ v.v... và v.v...

Thiên nhiên là người bạn đồng hành không thể thiếu song nó sẽ trở thành kẻ thù hết sức nguy hiểm nếu con người không biết cách sống chung với nó, tận dụng sức mạnh của nó và khắc chế, giảm thiểu những hiểm nguy do nó gây ra.

Đang khát khô cả cổ vì mấy ngày không có giọt nước nào song chớ chủ quan. Chỉ cần một trận mưa rừng thì mỗi con suối cạn bỗng trở thành một con sông hung dữ, sẵn sàng cuốn trôi bất cứ thứ gì nó gặp trên đường.

Một lùm cây rậm rạp có thể là chỗ trú chân của bạn nhưng hãy cảnh giác. Biết đâu, một chú rắn lục cũng đang rình ở đó.

Muốn chiến thắng, trước hết mỗi người lính phải... sống đã - Ảnh 4.

Một bờ ta-luy hiền lành, vững chãi hoàn toàn có thể đổ sập xuống đầu bạn bất cứ lúc nào một khi đã ngấm đủ nước mưa...

Tóm lại, muốn hướng tới mục tiêu tối thượng là chiến thắng thì trước hết, mỗi người lính trên chiến trường phải sống cái đã.

Ngày nay, trong chương trình giáo dục phổ thông cũng đã có những bổ sung nhất định một số nội dung dạy học về "kỹ năng sống". Đó là một tiến bộ đáng kể nhằm giáo dục toàn diện hơn cho học sinh.

Còn đối với các nhà trường, đơn vị quân đội, nội dung huấn luyện cho bộ đội những kiến thức, kỹ năng để tồn tại và vượt qua những hiểm họa tự nhiên và những khó khăn trong cuộc sống cần được coi như những nội dung bắt buộc bên cạnh các nội dung huấn luyện về kỹ chiến thuật trong chiến đấu.

Và thực tế trong những cuộc chiến tranh vừa qua chính là những bài học kinh nghiệm phong phú cần truyền đạt lại cho các thế hệ chiến sĩ hôm nay cũng như trong tương lai.

*Ca cóng: Thuật ngữ vui chỉ hoạt động tìm kiếm, cải thiện món ăn ngoài tiêu chuẩn của bộ đội trong chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại