NỖI LO CHO U22 VIỆT NAM VÀ MONG MUỐN CỦA THẦY PARK
"Họ (những cầu thủ trẻ) không có cơ hội để thể hiện ở giải quốc nội, hầu như không tìm được ra nhân tố mới ở các CLB nên tôi phải có đợt tập trung này.
Hai năm trước khi tôi nhậm chức, lứa 1995 của Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh… có rất nhiều cầu thủ tài năng. Còn bây giờ chúng ta không có cầu thủ trẻ thể hiện tốt, trụ cột ở CLB hầu hết là những ngoại binh và những cầu thủ lớn tuổi đã thể hiện được mình.
Vì thế tôi rất mong có những cơ chế tạo thêm điều kiện ra sân cho cầu thủ trẻ, như hạn chế ngoại binh hay một cách nào đó. Ở đội tuyển giờ hầu hết đều là những gương mặt cũ, còn nhân tố mới gần như không có. Đó thực sự là điều tôi cảm thấy lo lắng".
Đó là phát biểu của HLV Park Hang-seo vào chiều 2/7, thể hiện rõ sự lo lắng của ông trong đợt tập trung ngắn ngày đầu tiên của U22 Việt Nam ở năm 2020.
Không phải tự nhiên mà phải 1 năm rưỡi nữa SEA Games 31 mới diễn ra nhưng thầy Park đã cho hội quân để chuẩn bị ngay từ lúc này. Ông thực sự đang gặp khó trong việc xây dựng bộ khung mới cho U22 Việt Nam, khi thế hệ sinh năm 1999 trở về sau đang tỏ ra khan hiếm tài năng.
Do những gương mặt nổi bật trong độ tuổi này đều đang thi đấu tại V.League và giải hạng Nhất 2020 với cường độ khá dày, nên HLV Park Hang-seo đã quyết định triệu tập các cầu thủ được đánh giá có tiềm năng nhưng chưa có nhiều cơ hội được ra sân thi đấu tại các CLB. Nhưng khổ nỗi ở cuộc đấu nội bộ, rất nhiều cầu thủ đuối sức và chuột rút (ngay từ hiệp 1 đã xảy ra tình trạng này). Đến cuối hiệp 2, hai bên phải đá 9 đấu 9 vì hết người.
Quan sát trận đấu tập nội bộ của U22 Việt Nam vào chiều 2/7, nỗi lo của HLV Park Hang-seo càng thể hiện rõ khi cả đội tỏ ra đuối sức, liên tục chuột rút và nhiều tuyển thủ không thể đá hết được 90 phút, khiến trận đấu rơi vào cảnh thiếu người ở cuối trận.
Cũng bởi sự lo lắng này mà ông thầy người Hàn Quốc đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn có thêm cơ chế để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn ở cấp CLB. Thậm chí phương án hạn chế ngoại binh cũng được nhắc tới.
Tuy nhiên trên thực tế đây lại là điều không dễ để thực hiện được bởi rất dễ dẫn đến sự xung đột lợi ích giữa đội tuyển và CLB. Không cần phải nhìn đâu xa, người hàng xóm Trung Quốc có thể cho chúng ta một bài học nhãn tiền về việc này.
HLV Park Hang-seo thừa nhận gần như không tìm ra được nhân tố mới nào cho đội tuyển.
QUY ĐỊNH CLB BẮT BUỘC PHẢI DÙNG CẦU THỦ U23 TRỞ THÀNH TRÒ HỀ Ở TRUNG QUỐC
Trước khi bước vào mùa giải 2017, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đưa ra nhiều quyết định táo bạo với mong muốn vực dậy nền bóng đá nước này sau quãng thời gian dài các đội tuyển quốc gia gây thất vọng. Đáng chú ý nhất chính là việc CFA hạn chế số ngoại binh được sử dụng và yêu cầu các CLB phải tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu.
Cụ thể, mỗi đội bóng chỉ được phép đăng ký 5 ngoại binh cho mỗi trận đấu và cũng chỉ có thể sử dụng cùng lúc tối đa 3 cầu thủ ngoại trên sân. Đồng thời ở danh sách đăng ký thi đấu gồm 18 người, bắt buộc phải có 2 cầu thủ Trung Quốc ở lứa tuổi U23 và 1 trong số đó đá chính ngay từ đầu.
Về mục đích, có thể thấy rõ sự nỗ lực của CFA trong việc phát triển nguồn lực cho bóng đá Trung Quốc trong tương lai, với mong muốn cầu thủ trẻ có thể được thi đấu nhiều hơn để tích lũy kinh nghiệm và phát triển năng lực. Tuy nhiên điều này lại dẫn đến sự xung đột lợi ích với các CLB.
Guangzhou Evergrande từng làm rạng danh Chinese Super League với chức vô địch AFC Champions League 2013 và 2015. Tuy nhiên việc các CLB thành công nhờ vung tiền ra chiêu mộ các ngôi sao nước ngoài khiến dư luận Trung Quốc có nhiều tranh cãi, bởi nội lực của bóng đá nước này thực tế không hề mạnh lên với minh chứng rõ nhất là thành tích thất vọng ở nhiều cấp độ ĐTQG trong những năm qua.
Với nền bóng đá được những ông chủ đầu tư cả "núi" tiền để xây dựng CLB của mình lớn mạnh một cách nhanh chóng như Trung Quốc, HLV trưởng luôn phải chịu áp lực lớn về thành tích. CFA muốn Chinese Super League không còn phụ thuộc vào ngoại binh, nhưng các HLV lại chẳng muốn bị mất việc. Và thế là họ nghĩ ra cách để lách luật.
Cầu thủ Trung Quốc ở độ tuổi U23 vẫn được đăng ký và đá chính đúng theo quy định, nhưng khổ nỗi chỉ chạy trên sân được vài phút họ đã bị thay ra.
Ví dụ như ở trận đấu gặp Guangzhou Evergrande, HLV Andre Villas-Boas của Shanghai SIPG xếp Zhang Huachen vào đội hình xuất phát và rồi rút cầu thủ 19 tuổi này ra sân chỉ sau 15 phút. Điều này cứ thế lặp lại khiến cho dù có được đá chính bao nhiêu lần thì số phút thi đấu trung bình mỗi trận của Zhang Huachen cũng chỉ dao động trong khoảng 15-20 phút.
Mọi chuyện càng trở nên chua chát khi HLV Villas-Boas sau đó thẳng thắn thừa nhận rằng ông để Zhang Huachen đá 15 phút bởi trận đấu bắt đầu được 1 phút mà đã cho cầu thủ này ra nghỉ thì hơi buồn cười. Cuối cùng CFA đành phải "chào thua" và chỉnh sửa quy định về việc sử dụng cầu thủ U23.
Trận đấu mới diễn ra được 15 phút, Zhang Huachen đã nhìn thấy số áo của mình hiện lên trên bảng thay người.
Nhìn từ bài học của Trung Quốc, rõ ràng mong muốn của HLV Park Hang-seo về một cơ chế giúp các cầu thủ trẻ Việt Nam được CLB cho ra sân nhiều hơn là điều không dễ để thực hiện được.
Trong quá khứ, ông Park từng không ít lần nhấn mạnh việc đội tuyển Việt Nam không có được tiền đạo tốt vì các đội bóng V.League chỉ thích dùng ngoại binh trên hàng công. Nhưng nhìn ra vấn đề là một chuyện, còn giải quyết vấn đề ra sao lại là chuyện hoàn toàn khác.
Ngay cả bài toán tìm tiền đạo cho đội tuyển đã được nhắc nhiều lần suốt thời gian qua mà vẫn chưa tìm được hướng giải quyết, thì câu chuyện của các cầu thủ trẻ e rằng cũng thật khó để có được lời giải trong một sớm một chiều.