Với gần 27.000 trường hợp mắc trong tổng số 117.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), hiện TP Hà Nội là địa phương có số người mắc SXH lớn nhất cả nước, tiếp đến là TP HCM. Cùng đó, 7/29 trường hợp tử vong do muỗi SXH đốt ở Hà Nội. So cùng kỳ năm 2016 số mắc SXH tăng trên 50%.
Tại Hà Nội, số mắc tập trung chủ yếu ở một số quận/huyện trọng điểm như Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoài Đức, Tây Hồ, Hà Đông, Thanh Trì, Nam Từ Liêm và có xu hướng lan ra các huyện ngoại thành.
Báo cáo mới nhất về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết trong các tuần gần đây, số ca mắc đã giảm so với thời điểm trước từ 500-1.500 ca so với các tuần của tháng 8-2017.
Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường của thời tiết như hiện nay, và thời gian sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học thì nguy cơ dịch SXH vẫn có thể diễn biến phức tạp với số mắc gia tăng. Từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận gần 4.000 ổ dịch trong đó đã khống chế hơn 3.500 ổ dịch.
Bộ đội được huy động tham gia các đội xung kích diệt muỗi SXH
Các chuyên gia y tế cho biết muỗi truyền bệnh SXH là muỗi vằn Aedes aegypti. Muỗi này nhiễm virus dengue khi chúng đốt người bị bệnh SXH.
Trong thời gian ủ bệnh từ 8-10 ngày, virus dengue nhân lên trong cơ thể muỗi và khi đã đạt được đủ số lượng, chúng có khả năng truyền sang rất nhiều người khác trong cộng đồng thông qua việc muỗi đốt (chích) họ. Khi đó, virus dengue sẽ truyền từ cơ thể muỗi qua tuyến nước bọt của muỗi vào máu của người bị đốt.
Bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân SXH cũng cần phải ngủ màn để hạn chế nguy cơ muỗi đốt và truyền bệnh cho người khác.
Ngoài ra, đường lây truyền thứ hai là muỗi truyền virus sang trứng muỗi khi đẻ. Sau khi muỗi đẻ, trứng nở thành lăng quăng rồi lột xác thành muỗi thế hệ con, lúc này, muỗi đi đốt người sẽ truyền virus SXH cho người khác.
Muỗi cái trưởng thành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sống, muỗi có thể hút máu nhiều lần.
Bên cạnh dịch SXH, trong tuần qua TP Hà Nội cũng ghi nhận 31 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, ghi nhận 2 ca mắc liên cầu khuẩn heo, trong đó 1 trường hợp tử vong. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 12 trường hợp mắc liên cầu khuẩn, trong đó 2 trường hợp tử vong.