Trong khi đó, cộng đồng quốc tế không khỏi hoài nghi về "cành ô liu" của ông Kim Jong-un.
Seoul hôm 17-1 thông báo kế hoạch 2 nước sẽ cùng diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc và cùng thi đấu trong đội tuyển nữ khúc côn cầu trên băng tại sự kiện thể thao lớn diễn ra vào tháng 2 nói trên.
Dư luận Hàn Quốc nhanh chóng phản ứng mạnh mẽ với số đơn kiến nghị phản đối gửi Nhà Xanh đã lên tới hơn 100 đơn trong tuần này, trong đó có kiến nghị thu hút hơn 17.000 chữ ký. "Việc này không giống gắn lại một chiếc đĩa vỡ" - một người ký đơn nhấn mạnh.
Đối với vận động viên (VĐV) Hàn Quốc vốn tự tin mạnh hơn Triều Tiên trong phần lớn các môn thể thao tại thế vận hội sắp tới, việc ghép đội cũng không khỏi gây bất an. "Chúng tôi chỉ được chọn 23 VĐV cho Olympic, thế nên nhiều người ngại sẽ mất chỗ vì các VĐV Triều Tiên" - HLV trưởng đội khúc côn cầu Hàn Quốc Sarah Murray nói với Reuters.
Khẳng định đã biết rõ những tâm tư này song Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung - người đứng đầu phái đoàn đàm phán phía Hàn Quốc - cho rằng nên nhìn vào mặt khác của việc này, đó là nó có thể đóng góp tích cực vào hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong (Hàn Quốc), ông Paik Hak-soon, đánh giá việc Bình Nhưỡng định mang tới thế vận hội phái đoàn hơn 400 người, trong đó có đoàn cổ vũ 230 người, thể hiện tinh thần hợp tác rõ ràng của nước này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho rằng thế giới không nên "ngây thơ" trước "chiêu tấn công quyến rũ" của Bình Nhưỡng. Trong một cuộc họp về Triều Tiên tại TP Vancouver - Canada hôm 17-1, ông Kono cho rằng việc Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội mùa đông có thể chỉ là một chiêu đánh lạc hướng.
Trong nỗ lực trấn an cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha hôm 18-1 nói với BBC rằng Hàn Quốc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Triều Tiên một cách tỉnh táo. "Chúng tôi phải tận dụng cơ hội tốt nhất" - bà Kang tuyên bố.
Theo The New York Times, sự đồng lòng trên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đang đảo lộn chiến thuật gây sức ép của Mỹ, bao gồm trừng phạt và đe dọa hành động quân sự nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trong khi nổi lên thông tin quân đội Mỹ đang lặng lẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố tại cuộc họp ở Canada rằng Washington sẵn sàng đàm phán nghiêm túc nếu Bình Nhưỡng chứng tỏ là một đối tác tin cậy. Theo trang Stars and Stripes, một số nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng đang thúc đẩy các giải pháp thay thế cho một cuộc tấn công quân sự chống lại Triều Tiên.