Từ thời nhà Minh, nhà Thanh, Bắc Kinh đã trở thành kinh đô của Trung Quốc.
Là thủ đô với bề dày lịch sử văn hóa, cho đến nay, thành phố này vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn của văn hóa, lịch sử, di tích, kiến trúc cổ đại…. Trong số này, chắc hẳn bạn đọc đều đã quen thuộc với địa danh Cố cung Bắc Kinh.
Trước kia, Cố cung còn được gọi bằng cái tên Tử Cấm Thành, là một cung điện Hoàng gia danh xứng với thực. Nếu nói Bắc Kinh là trung tâm của cả nước vậy thì trung tâm của Bắc Kinh không phải nơi nào khác mà chính là Tử Cấm Thành nguy nga tráng lệ này.
MŨI TÊN ĐEN TRÊN CỬA LONG TÔNG MÔN, TỬ CẤM THÀNH
Cố cung là biểu tượng văn hóa không chỉ của riêng Bắc Kinh mà còn của cả Trung Quốc, vang danh khắp trong và ngoài nước.
Mỗi năm, Cố cung đều thu hút rất nhiều lượt khách du lịch cả trong và ngoài nước đến tham quan di sản văn hóa lịch sử vĩ đại này.
Chúng ta đều biết rằng, Cố cung xưa kia là nơi ở của Hoàng đế. Vào thời nhà Minh, nhà Thanh nơi đây được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.
Cho đến hiện tại, Cố cung trở thành một trong những di tích văn hóa lịch sử quan trọng của Trung Quốc, nơi đây cũng vẫn là địa danh quan trọng được Nhà nước Trung Quốc bảo vệ và tu sửa.
Cố cung- Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Và nếu như bạn đi qua Long Tông môn trong Cố cung, sẽ phát hiện ra trên tấm biển nơi đây có điểm khác lạ, nhìn kỹ càng sẽ thấy được bên cạnh tấm biển vào có găm một mũi tên màu đen.
Có thể nhiều người không biết rằng, mũi tên đen kì lạ trên biển Long Tông Môn đã găm ở đó suốt hơn 200 năm và nó cũng được coi là một di sản văn hóa lịch sử của Trung Quốc.
Chỉ cần tinh ý một chút chúng ta đều có thể nhận ra được rằng, mũi tên màu đen này rõ ràng không hề ăn nhập với kiến trúc hùng vĩ tráng lệ của Tử Cấm Thành.
Chắc hẳn sẽ có bạn đọc đặt câu hỏi, người cổ đại xưa rất coi trọng phong thủy, vậy thì mũi tên đen cắm trên cửa Long Tông Môn có ảnh hưởng gì đến phong thủy nơi đây hay không?
Hơn nữa Tử Cấm Thành xưa kia là cung điện Hoàng gia, bình thường ngoại trừ Hoàng đế và những người được sống trong cung ra thì chỉ có Vương công, Đại thần mới có thể ra vào nơi đây, bách tính thường dân có muốn thấy cũng chẳng thấy được.
Như vậy khẳng định mũi tên này có nguồn gốc không hề tầm thường.
Vậy tại sao mũi tên đen kia có thể xuất hiện tại Long Tông Môn trong Cố cung nguy nga này?
SỰ XUẤT HIỆN CỦA MŨI TÊN ĐEN
Theo các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay, mũi tên đen găm trên biển của Long Tông Môn xuất hiện từ những năm Gia Khánh. Chuyện phải bắt đầu từ quãng lịch sử khi ấy.
Mũi tên đen găm trên tấm biển treo ở Long Tông môn, Cố cung.
Bạn đọc có lẽ đều đã biết, Gia Khánh được Càn Long nhường ngôi Hoàng đế ngay từ khi Càn Long chưa qua đời, song trong tay lại chẳng có mấy quyền lực. Bởi vì khi đó Càn Long lựa chọn lui về sau màn, lên làm Thái Thượng Hoàng nhưng quyền lực thực chất vẫn nằm trong tay ông.
Song thực tế là, những năm cuối đời Càn Long, chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Thanh ngày một nghiêm trọng, lại thêm việc trọng dụng nhiều quan tham trong đó có Hòa Thân khiến cho việc trị quốc ngày một nhiều bất cập.
Có thể nói, thời kỳ Khang Càn thịnh thế đến đời của Gia Khánh, tuy bách tính nhân dân vẫn được an cư lạc nghiệp, giang sơn vẫn thái bình thịnh vượng nhưng thực chất sóng ngầm đã bắt đầu trỗi dậy rất mạnh mẽ.
Gia Khánh tuy biết rõ những thiếu sót trong việc trị quốc của cha mình nhưng Càn Long khi ấy vẫn là Thái Thượng Hoàng, bản thân ông cũng không có đủ quyền lực để tiến hành cải cách.
Sau khi Càn Long qua đời, Gia Khánh lên nắm quyền, ông lập tức cho người tịch thu gia sản của Hòa Thân đồng thời bắt giữ một loạt quan tham trong triều.
Gia Khánh còn trọng dụng một số đại thần có tài năng nhưng trước đây không được Càn Long yêu thích.
Hàng loạt các động thái và chính sách cải cách được đưa ra và thực hiện, dần dần cũng bù đắp được những lỗ hổng, thiếu sót trong việc quản lý quốc gia mà Càn Long để lại.
Trong thời gian Gia Khánh trị vì, có rất nhiều tổ chức lấy mác của các giáo phái tôn giáo xuất hiện trong dân gian.
Tranh chân dung Gia Khánh đế.
Năm 1813, vì để thể hiện rõ quyết tâm diệt trừ hậu họa của triều đình, Gia Khánh đế đã đích thân ra tay tiêu diệt Bạch Liên giáo – một giáo phái rất thịnh hành thời bấy giờ.
Sau đó lại bùng nổ khởi nghĩa của tổ chức Thiên Lý giáo. Họ câu kết với một số thái giám trong cung, nội ứng ngoại hợp, mở của Hoàng cung, mục đích xông vào để giết Gia Khánh đế, tình hình khi ấy vô cùng hỗn loạn.
May mắn là Gia Khánh Hoàng đế bấy giờ không có mặt trong Tử Cấm Thành nên thoát được một kiếp.
Chúng giáo của Thiên Lý giáo sau đó đều bị Cấm quân vây đánh rồi tiêu diệt, trong tình thế hỗn loạn, một mũi tên màu đen đã găm trúng tấm biển Long Tông Môn.
Đến khi Gia Khánh đế trở lại trong Hoàng cung, tất cả mọi chuyện đã đều được dọn dẹp ổn thỏa, sạch sẽ, chỉ lưu lại duy nhất một mũi tên màu đen kia không ai dám đi xử lý, cho nên đợi Gia Khánh đế về định đoạt.
QUYẾT ĐỊNH CỦA GIA KHÁNH ĐẾ
Có người đề xuất nên rút mũi tên ra nhưng lại bị Gia Khánh đế bác bỏ.
Ông tự thấy khi mình chưởng quản quyền lực lại để xảy ra chuyện như vậy, quả thực rất mất mặt.
Chính vì thế, ông muốn để nguyên mũi tên ở đó, để răn đe, cảnh cáo bản thân, phải quản lý, chăm lo việc nước tốt hơn nữa, để sau này không có chuyện như vậy tái diễn.
Cố Cung đã trở thành điểm đến nổi tiếng của du khách Trung Quốc và quốc tế.
Sau khi bình định được các cuộc khởi nghĩa, Gia Khánh đế đã tự mình viết một bản thuật tội của chính mình, bố cáo với trời đất, sau đó còn đem dán bên ngoài tường cung, để bách tính nhân dân đều thấy được.
Gia Khánh đế giữ mũi tên trên biển Long Tông Môn, cũng ra lệnh con cháu sau này không được phép nhổ nó đi, xem như vừa cảnh tỉnh bản thân lại vừa đang răn dạy hậu thế.
Đó là lý do mũi tên đen tồn tại trên tấm biển trong Cố cung suốt 200 năm không ai dám động đến.
*Theo Sohu (Trung Quốc)