Mũi dùi Mao Toại

PGS Lê Thanh Bình |

Sau trận thua to ở Trường Bình, nguyên khí nước Triệu bị tổn thương, không thể nào chống đỡ nổi quân Tần.

Vua Triệu bảo chú mình là Bình Nguyên quân Triệu Thắng phải tìm đủ mọi cách cầu cứu với nước Sở. Nhưng người mang đến thành công chuyến đi sứ này lại là tùy tùng của Bình Nguyên quân Triệu Thắng.

Cuối thế kỷ thứ 3 TCN, nhằm thống nhất lãnh thổ Trung Hoa, nước Tần mạnh nhất trong 7 nước (Thất hùng) trong thời kỳ Chiến Quốc tập trung binh lực thực hiện mục tiêu diệt 6 nước còn lại là Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Sở, Tề.

Năm 262 TCN, thành Thượng Đảng nước Hàn bị quân Tần đánh gấp sắp vỡ, đe dọa cắt đứt vùng đệm của nước Triệu, nếu mất Thượng Đảng, Tần có thể đánh tràn vào nước Triệu.

Tướng giữ Thượng Đảng là Phùng Đình bèn viết thư xin nộp đất này cho nước Triệu để Triệu cứu Hàn. Vua Triệu nghe theo lời khuyên của Tể tướng Bình Nguyên quân Triệu Thắng (em trai của Triệu Huệ Văn vương nước Triệu) thu nhận Phùng Đình và nhận đất Thượng Đảng.

Vì việc này, nước Triệu trở thành đối tượng tấn công của nước Tần. Năm 260 TCN, Tần đánh nước Triệu đại bại ở trận Trường Bình, giết chết tướng Triệu Quát và chôn sống 40 vạn quân Triệu. Năm 258 TCN, quân Tần bao vây Hàm Đan, định diệt nước Triệu.

Vua Triệu lo lắm, sai Bình Nguyên quân đi sứ nước Sở - nước lớn mạnh chỉ sau Tần, cầu cứu vua Sở đem quân cứu trợ. Bình Nguyên quân dự kiến nếu vua Sở không chịu giúp thì phải uy hiếp vua Sở uống máu ăn thề, nên muốn mang theo đủ 20 người môn hạ có đủ tài văn võ để cùng đi.

Nhà Bình Nguyên quân là gia đình quyền quý bậc nhất nước Triệu. Ông thường nuôi hàng ngàn môn khách có tiếng và thực lực tài giỏi, họ chờ dịp được tiến cử và trọng dụng.

Nhận được chiếu chỉ, Bình Nguyên quân họp bàn, muốn tìm được 20 người tài giỏi trong đám môn khách, nhưng tìm mãi chỉ có 19 người đủ tiêu chuẩn. Lúc ấy, có một vị khách đứng lên tự tiến cử mình tên là Mao Toại. Bình Nguyên quân và mọi người nhìn ra thấy một người có vẻ ngoài bình thường lấy làm ngạc nhiên.

Mũi dùi Mao Toại - Ảnh 1.

Bình Nguyên quân Triệu Thắng. Ảnh: Sohu.

Bình Nguyên quân hỏi: “Mao tiên sinh ở nhà Thắng này được bao lâu? Người tài giống như mũi dùi để trong túi thế nào cũng chọc thủng túi lộ mũi nhọn ra ngoài. Sao ta không biết và không thấy ai nói về ngài?”, Mao Toại thưa: “Cái dùi đó như tôi đã 3 năm ở nhà ngài không lộ ra vì chưa có dịp, nay gặp việc thì không chỉ lộ mũi nhọn mà thoát hết cả dùi ra ngoài túi đấy!”.

Mọi người chưa tin lắm, nhưng Bình Nguyên quân chẳng có ai hơn bèn lấy vào cho đủ số. Thực ra, về tướng mạo, Mao Toại thuộc loại ngũ trường (đầu, mặt, chân, tay, lưng đều dài) là diện dị tướng kỳ hình; tài ẩn nhưng khi thời cơ đến thì phát rất mạnh.

Ngoài ra, người ta nói “Bệnh tòng khẩu nhập” (Bệnh đi theo miệng); “Họa tùng khẩu xuất” (Họa theo tiếng nói), Mao Toại có môi trên mỏng, to hơn môi dưới, nhân trung sâu, đó là người có mưu, trung chính; miệng ông hơi rộng, tiếng nói vang như phát ra từ huyệt đan điền. Tổng hợp lại ông là người có khí lực, chinh phục được người khác và sang.

Thế rồi, cả đoàn người lên đường sang nước Sở hội nghị về việc liên minh đánh Tần.

Nơi hội nghị là một cái đàn cao, chung quanh vua Sở bố trí hơn 2.000 tướng sĩ xếp hàng, gươm giáo chỉnh tề để thị uy. Khi Bình Nguyên quân dẫn tùy tùng đến, lính Sở mời ông lên đài còn ngăn mọi người đứng dưới.

Ngồi trên đài cao đã hơn nửa ngày mà vua Sở cứ dùng dằng không quyết. Lúc đó, Mao Toại mới trợn mắt, gạt lính Sở ra xông lên đài nghị bàn 2 nước, nói lớn: “Nước Sở có một nghìn cỗ xe và hơn trăm vạn hùng binh, nay nước Tần giả vờ đem quân đánh Triệu thực là muốn xem thái độ của Sở ra sao để đánh Sở vì Sở là nước lớn là kẻ thù chiến lược của Tần chứ không phải Triệu. Nay liên hợp là vì Sở nhiều chứ phải đâu chỉ vì Triệu?”.

Vua Sở đầu tiên còn quát nạt Mao Toại, nhưng Mao Toại bình tĩnh nói: “Nay trong vòng 5 bước chân thì tính mạng đại vương tùy thuộc vào tôi, tôi theo chủ tôi muốn làm điều hay cho hai nước, cớ sao bệ hạ lại quát tôi trước mặt chủ”. Nói rồi, tay sờ lên đốc kiếm, ngực ưỡn ra, mắt rực sáng. Vua Sở hãi quá vội nói: Thôi được rồi, chúng ta hãy làm lễ ký minh ước bảo vệ lẫn nhau.

Mao Toại tiến lên lấy máu dê trắng cùng tham gia thề với vua Sở và Bình Nguyên quân, sau đó mới gọi 19 môn khách kia cùng quan lại nước Sở lên chứng kiến nốt các thủ tục khác.

Lễ ký minh ước thành công, sau khi ký kết liên minh, Sở Khảo liệt Vương liền phái Xuân Thân quân Hoàng Yết làm đại tướng, dẫn tám vạn binh sang cứu nước Triệu. Về Triệu, Mao Toại từ đấy được Bình Nguyên quân hết sức tin dùng.

Mặt khác, Bình Nguyên quân còn động viên người nhà sung quân và hiến của cải riêng giúp việc quân, tổ chức được 3.000 quân cảm tử, giao cho môn khách Lý Đồng xung trận, tạo thêm gọng kìm với quân Sở buộc quân Tần phải tạm lui.

Sau này Bình Nguyên quân mất (252 TCN), Mao Toại đến phục vụ dưới trướng của Lý Mục - một nguyên soái của nước Triệu. Năm 228 TCN, Tần chiếm nước Triệu, Mao Toại trốn mất tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại