Hiện nay, dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới tạm thời đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các biến thể mới liên tục xuất hiện, gần đây nhất là BA.5, đã khiến cho tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường.
BA.5 là biến thể được cho là có khả năng lây lan nhanh và có thể lấn át biến thể cũ. Thêm vào đó, kháng thể từ các mũi vaccine COVID-19 hoặc lần nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó đều giảm dần theo thời gian.
Vậy, làm thế nào để có thể an toàn trước đại dịch? Ngoài các mũi tiêm cơ bản, mũi 4 vaccine có vai trò như thế nào trong việc phòng chống lây nhiễm COVID-19? Ai là người cần tiêm mũi 4? Mũi 4 có thực sự cần thiết?
Tất cả sẽ được PGS.TS Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế giải đáp trong chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề "Mũi 4 vaccine COVID-19: Có nên tiêm?".
Chương trình hiện đang được phát sóng trực tuyến trên fanpage của Soha.vn, Soha Sống vui – Sống khỏe, DrGreen, CafeF, CafeBiz, aFamily, Kenh14.vn và MXH Lotus.
Kính mời quý độc giả đón xem chương trình tại đây:
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
BIẾN THỂ MỚI CÓ ĐÁNG LO NGẠI?
Hỏi: Gần đây mọi người thường hay nhắc tới BA.5, một biến thể phụ mới của Omicron vừa mới xâm nhập vào Việt Nam. PGS đánh giá sao về biến thể này?
Đáp: Virus SARS-CoV-2 đã phát triển ra rất nhiều biến thể. Vì vậy, việc có xuất hiện biến thể mới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần quan tâm đến một số biến thể đáng quan ngại như Alpha, Beta, Gamma, Delta, Omicron. Trong đó, Omicron có các biến thể phụ như BA.1, BA.2, BA.3, BA.4 và BA.5.
BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây, tuy nhiên BA.5 không gây ra các triệu chứng nặng như biến chủng Delta do người dân đã được tiêm vaccine. Vì thế, việc nhiễm biến thể BA.5 không gây quá tải cho các cơ sở y tế và không gây tử vong ở người bệnh.
Tuy vậy, đối với những người có bệnh lý nền hoặc người bị suy giảm miễn dịch, tình trạng trở nặng và phải nhập viện vẫn có thể xảy ra.
Ảnh minh hoạ: BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây nhưng không gây ra triệu chứng nặng.
Hỏi: Các triệu chứng khi nhiễm BA.5 có khác so với khi nhiễm các biến thể trước đó không ạ?
Đáp: BA.5 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ. Cụ thể như:
- Sốt.
- Đau mỏi cơ.
- Mệt mỏi.
Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh lý nền như ung thư, đái tháo đường,... khi mắc COVID-19 rất dễ trở nặng. Vì vậy, những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng khác thường của cơ thể.
Hỏi: Vì sao liên tục xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19? Các biến thể mới liệu có khả năng khiến dịch bệnh bùng phát trở lại không?
Đáp: Hiện tại, nguy cơ bùng phát dịch do biến thể BA.5 không lớn. Bởi các lý do sau:
- Người dân đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 (> 60% đã tiêm mũi 3).
- Nhiều người dân mới nhiễm COVID-19 khoảng 2 - 3 tháng.
Tuy nhiên, PGS cũng lưu ý, trong tương lai khi khả năng miễn dịch cộng đồng suy giảm, nguy cơ tái nhiễm với COVID-19 sẽ tăng lên. Vì vậy, việc theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh và đánh giá các nguy cơ để đưa ra các giải pháp kịp thời, quyết liệt như đeo khẩu trang, tiêm mũi 3, 4 vaccine... giúp phòng ngừa khả năng dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tiêm vaccine mũi 4 liệu có cần thiết?
Hỏi: Có rất nhiều người nghĩ rằng khi đã tiêm đến 3 mũi vaccine COVID-19 rồi thì việc nhiễm bất kỳ biến thể nào sau đó cũng đều không nguy hiểm. Điều này có đúng không, thưa PGS?
Đáp: Vaccine phòng chống COVID-19 chỉ đem lại hiệu quả phòng bệnh từ 60 - 80% và khả năng miễn dịch của vaccine sẽ suy giảm theo thời gian từ 4 - 6 tháng. Do đó, việc tiêm mũi vaccine nhắc lại, mũi 3, 4 là điều cần thiết để phòng chống dịch bệnh.
Tại Việt Nam, mũi 3 vaccine COVID-19 được tiêm rộng rãi cho toàn bộ người dân. Tuy nhiên, mũi 4 sẽ cân nhắc tiêm cho các đối tượng mắc bệnh lý nền, những người bị suy giảm miễn dịch.
Hỏi: Nhiều người cho rằng tiêm càng nhiều vaccine càng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Điều này có đúng không, thưa PGS?
Đáp: Vaccine vẫn đem lại hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19, tiêm vaccine giúp người mắc giảm các triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Đa số các loại vaccine đều có thể đem lại các phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại chỗ tiêm, sốc... Tuy nhiên, lợi ích mà vaccine đem lại vẫn vượt trội hơn các phản ứng phụ mà nó gây ra.
Hỏi: Nhiều người đã tiêm 3 mũi và đã nhiễm COVID-19 sau đó liệu có cần tiêm mũi 4?
Đáp: Hiện, Bộ Y tế đang chỉ định tiêm mũi 4 cho các nhóm đối tượng sau:
- Những người mắc bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em chưa được tiêm vaccine vì đây là đối tượng dễ có triệu chứng nặng và tử vong.
- Đối tượng có nguy cơ cao như các nhân viên y tế ở tuyến đầu để phòng tránh bệnh và tránh lây nhiễm chéo ra cộng đồng.
Ảnh minh hoạ: Tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 là điều cần thiết.
Hỏi: Việc tiêm mũi 4 có hiệu quả như thế nào so với chỉ tiêm mũi 3?
Đáp: Sau một thời gian, khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm. Vì vậy, việc tiêm mũi nhắc lại giúp khả năng miễn dịch tăng lên, từ đó giúp phòng tránh hiệu quả nguy cơ tái nhiễm và các triệu chứng nặng do COVID-19.
Hỏi: Loại vaccine tiêm ở mũi 4 là vaccine gì?
Đáp: Chúng ta có thể tiêm cùng loại vaccine với mũi 1, 2, 3. Hiện, có 3 loại vaccine là Astrazeneca, Mordena và Pfizer.
Hỏi: Khi nào nên tiêm mũi 4? Nhiều người đã tiêm 3 mũi và đã từng nhiễm COVID-19 sau đó, khi nào thì họ có thể tiêm được mũi 4, thưa PGS?
Đáp: Thông thường sau 4 - 6 tháng, hệ miễn dịch sẽ suy giảm và đây là thời điểm cần thiết để tiêm mũi 4 vaccine.
Hỏi: Các tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm mũi 4 là gì?
Đáp: Các phản ứng phụ sau tiêm mũi 4 sẽ giống với các phản ứng phụ trước đây. Các triệu chứng có thể kể đến như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau tại chỗ tiêm.
Tuy nhiên, nếu trước đây khi người dân tiêm mũi 1, mũi 2 và xuất hiện tình trạng sốc phản vệ hoặc dị ứng, cần báo cho nhân viên y tế để có các chỉ định chính xác hơn.
Hỏi: Nếu xuất hiện các tác dụng phụ sau tiêm, người dân nên làm gì? Có điều gì cần đặc biệt lưu ý không thưa PGS?
Đáp: Khi có phản ứng phụ sau tiêm, người dân cần làm những điều sau:
- Nếu có triệu chứng sốt, người dân có thể mua thuốc hạ sốt để uống. Tuy nhiên, trong thời điểm này khi dịch sốt xuất huyết cũng đang bùng phát, người dân nên chọn thuốc hạ sốt Paracetamol để ngăn ngừa tình trạng xuất huyết.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin.
- Không tập luyện vài ngày sau khi tiêm vaccine.
- Theo dõi các triệu chứng bất thường để đến các cơ sở y tế kịp thời.
- Không sử dụng rượu, bia sau khi tiêm vaccine.
Hỏi: Sau khi tiêm bao lâu thì kháng thể của mũi 4 sẽ phát huy tác dụng bảo vệ?
Đáp: Thông thường, sau khi tiêm vaccine khoảng 15 ngày, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể miễn dịch. Thời gian đáp ứng miễn dịch sẽ tùy thuộc vào cơ địa của từng người.
Tuy nhiên, khi tiêm mũi 4, cơ thể đã có sẵn các tế bào nhớ. Vì vậy, sau tiêm khoảng 1 tuần, cơ thể đã có thể sản sinh các kháng thể miễn dịch.