Cuộc sống vẫn tiếp diễn
Ở Philadenphia (Hoa Kỳ), những buổi chiều Chủ Nhật của tháng 10 thường yên tĩnh, đầy nắng. Trong căn phòng tập ngổn ngang dụng cụ, váng vất mùi mồ hôi và ẩm mốc, người đàn ông tuổi ngoại lục tuần đang chăm chú tập đấm hai tay với bóng cà na.
Joe Frazier có gương mặt điển hình của võ sỹ quyền anh chuyên nghiệp với chiếc mũi bị dập cùng vô số vết thương chỉ còn để lại sẹo mờ sau những lần khâu mỹ thuật.
Dáng vẻ vững chãi của Joe khi chầm chậm thực hiện vài động tác đứng lên ngồi xuống trên một chân khiến người chứng kiến bất ngờ: "Tôi không cảm thấy mình đã quá già. Tôi cân nặng 96,5 kg, chỉ nặng hơn có gần 5 kg so với thời sung sức nhất".
Thời sung sức mà Joe nói tới cách nay đã hơn ba thập kỷ, vào lúc ông là một trong hai người tạo ra sự kiện kình địch lớn nhất và chấn động nhất trong thế giới thể thao. Dư chấn của sự kiện ấy, theo những con đường khác nhau, vẫn còn lan tỏa tới tận bây giờ.
Người thứ hai đứng chung sự kiện với Joe Frazier là võ sỹ huyền thoại Muhammad Ali.
Suốt hàng chục năm, cỗ máy truyền thông đã chạy hết công suất chỉ để nói về một nửa sự kiện, nửa quả táo mang tên Muhammad Ali, như thể Ali chưa từng nếm mùi thất bại trong sự nghiệp vĩ đại của mình.
Thế nhưng thực tế thì trận đấu với Joe Frazier ngày 8/3/1971 tại võ đài Madison Square Garden (New York, Hoa Kỳ) chính là trận thua đầu tiên của Ali kể từ khi xỏ găng thượng đài.
Dính cú móc trái mạnh tới mức "đủ để đánh ngã một con ngựa" ở hiệp 15, Ali đã không thể đứng dậy sau loạt đếm của trọng tài.
Lúc ấy, họ vẫn còn là bạn bè và Muhammad Ali với lối đánh hoa mỹ bất khả chiến bại đang nổi tiếng như cồn, đặc biệt từ sau sự kiện Ali từ chối tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1967 - sự kiện khiến ông trở thành biểu tượng của hàng triệu người Mỹ trong phong trào phản chiến đang lan rộng lúc đó.
Giờ nghỉ giữa hiệp 9, Ali chảy nước mắt: "Tôi đang ngửi thấy mùi vị của cái chết. Cú đấm của tôi có thể đánh đổ cả bức tường, vậy mà... Chúa ơi, hắn ta giỏi quá"
Nhiều năm sau, giới chuyên môn đã phân tích tỉ mỉ lối đánh của cả hai võ sỹ trong trận đấu nói trên và cùng đi tới kết luận rằng chiến thuật mà Joe Frazier đã áp dụng là con đường khôn ngoan nhất để hạ nhà vô địch.
Joe chấp nhận chịu đựng những cú thọc nặng ký với tốc độ ra đòn nhanh của Ali để áp sát và tung ra cú móc ngang chết người vào sườn đối thủ.
Sức nặng của cú móc khiến nhà vô địch không thể kiểm soát hơi thở và diễn biến trận đấu cho thấy Ali đã loạng choạng ngay từ hiệp đấu 11.
Đã ngoài 70, lại bị chứng bệnh Parkinson hành hạ, Muhammad Ali vẫn còn đủ minh mẫn nhớ lại phần lớn chi tiết của những trận đấu với Joe Frazier: "Joe có lối đánh kỹ thuật và mưu mẹo. Ông ấy là đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp thi đấu quyền anh của tôi".
Họ gặp nhau cả thảy 3 lần trên võ đài, Ali thắng 2 trận. Điều đáng nói là dù thắng hay thua, họ đều mang theo nỗi đau và sự ám ảnh về ký ức trận đấu ấy mãi nhiều năm về sau, đặc biệt là trận đấu cuối cùng năm 1975 tại Manila, được giới quyền Anh gọi dưới cụm từ "trận giác đấu thế kỷ" bởi diễn biến gay cấn một mất một còn của nó.
Tới tận bây giờ khi hơn 40 năm đã trôi qua, vẻ như Joe Frazier đã trút bỏ được gánh nặng khủng khiếp từ trận đấu ngày nào. Ông cười, mắt nheo nheo vẻ láu lỉnh: "Cũng chỉ là một trận thượng đài thôi mà. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn chứ".
Giữa họ là vực thẳm
Câu nói nổi tiếng của Ali để từ chối đi quân dịch sang Việt Nam một mặt khiến ông có thêm hàng triệu người yêu quý mình trên khắp đất nước Hoa Kỳ, mặt khác đã khiến Ali khốn đốn khi chính quyền quyết định răn đe ông bằng án tù 5 năm.
Đồng thời Ali bị Hội đồng thể thao bang New York tước danh hiệu vô địch và giấy phép thi đấu quyền Anh. Những ngày tháng đen tối ấy lại chính là thời gian đẹp đẽ có được giữa Ali và Joe Frazier.
Ông chạy đôn đáo vận động thành lập một ban cứu xét trường hợp của Muhammad Ali, tận dụng mối quan hệ và danh tiếng (Joe khi đó đang giữ cả 2 đai vô địch WBA và WBC) để vận động hành lang nhằm tác động các giới chức rút lại lệnh cấm và thả Ali. Phong trào đòi trả tự do cho Ali lan rộng.
Giữa năm 1969, Muhammad Ali ra khỏi nhà tù và tới cuối năm ấy ông được phép trở lại với quyền Anh.
Bí mật có lẽ sẽ mãi mãi được giữ kín khi cả Ali và Joe Frazier đều từ chối giải thích lý do vì sao Muhammad Ali đột nhiên "trở mặt" với Joe ngay sau khi được phép thượng đài vào năm 1970.
Ali nói với báo giới và những đám đông hâm mộ rằng sự giúp đỡ của Joe Frazier chẳng qua chỉ vì muốn lợi dụng danh tiếng của Ali, bởi vị thế trong làng quyền Anh của Joe không sánh được với Ali:
"Anh ta (tức Joe Frazier) nên đấu với tôi. Tôi - nhà vô địch - đã trở lại. Mọi người sẽ rõ ai là nhà vô địch thực sự và ai ăn theo tiếng tăm".
Joe im lặng tránh né mọi cuộc khẩu chiến. Năm 1996 ông nói với phóng viên báo New York Times: "Tôi nghĩ đó là thời điểm Ali cảm thấy khó khăn sau gần 2 năm bị giam cầm. Ông ấy cần chứng tỏ mọi cảm xúc về sự tự do".
Trận đấu khốc liệt làm thay đổi nhiều điều trong suy nghĩ của Muhammad Ali. Trả lời báo giới vào sáng hôm sau, Ali nói: "Anh ấy là một võ sỹ vĩ đại. Anh ấy là một con người".
Dẫu sao, Joe Frazier cũng không phải là gỗ đá. Khi sức nóng của những lời thách đấu từ phía Ali bắt đầu thiêu đốt không gian riêng tư giữa họ, Joe chấp nhận thượng đài với Ali.
Trận hạ đo ván Ali ở hiệp 15 ngày 8/3/1971 dường như mang theo nỗi ấm ức của Joe Frazier trước thói đời tráo trở hơn là sự giận dữ.
Thế nhưng hy vọng làm nguội bớt sự hung hăng từ người anh em cùng màu da của Joe đã không xảy ra.
Trận thua khiến Ali càng trở nên kích động hơn: "Đó là việc trả ơn của những người anh em. Từ nay tôi không còn nợ nần gì anh ta nữa". Giới truyền thông Hoa Kỳ và những con cá mập trong làng kinh doanh thể thao dĩ nhiên chẳng bỏ qua sự kiện dự báo sẽ rất hấp dẫn này.
Một trận tái đấu là điều không thể tránh khỏi khi cả Ali và Joe Frazier đều dễ dàng vượt qua các võ sỹ khác trong cuộc hành trình nhằm mục đích thống nhất 3 chiếc đai vô địch WBA, WBC và NABF.
Ngày 28/1/1974, trận tái đấu 12 hiệp giữa Muhammad Ali và Joe Frazier diễn ra một lần nữa tại Madison Square Garden. Ali đã có màn trình diễn xuất sắc với cách di chuyển "như khiêu vũ" đặc trưng.
Ngay giữa hiệp 2, Ali dồn Joe Frazier vào góc và tung ra một serie đòn đấm thẳng khiến Joe tối tăm mặt mũi dù vẫn đứng vững khi tiếng cồng vang lên. Tuy nhiên trọng tài Perez Tony đã quyết định dừng trận đấu khi Joe Frazier bị đánh ngã tới 2 lần trong hiệp 5.
Ali thắng trận bằng một quyết định độc lập với nửa mặt sưng húp vì dính những cú móc tầm ngắn của Joe. Trận thua này đã khiến Joe Frazier mất 2 đai vô địch thế giới về tay Muhammad Ali.
Nếu người ta biết kiềm chế, hẳn trên đời này đã chẳng có xung đột. Khi sự việc của Ali và Joe Frazier được giới truyền thông hà hơi tiếp sức và đẩy đi quá xa, họ đã không thể quay lại con đường cũ đầy ắp kỷ niệm. Giữa họ giờ đây là vực thẳm của giận dữ và tổn thương không thể lấp đầy.
Quyết đấu vì danh dự
Tài nói năng hoạt bát của Muhammad Ali là một lợi thế lớn khi muốn đánh thức sự chú ý của đám đông. Sau trận đấu năm 1974, Ali vẫn muốn nhổ đi cái gai trong mắt mình: "Anh ta trông như con khỉ đột... Anh ta không thể di chuyển nhẹ nhàng trên võ đài giống tôi".
Sự im lặng của Frazier không làm Ali hài lòng. Ông tiếp tục khiêu khích Frazier và tiến sát ranh giới nguy hiểm của ngôn từ: "Frazier ư? Anh ta nên được gọi là Bác Tôm".
Bác Tôm - nhân vật trong tiểu thuyết - là một nô lệ da đen hiền lành ngoan đạo. Tuy nhiên với cộng đồng người da đen nói chung, hình ảnh của Bác Tôm là sự sỉ nhục lớn bởi nhân vật ấy đã cúc cung tận tụy làm việc cho các ông chủ da trắng.
Bằng việc gọi Frazier là Bác Tôm, Ali đã chính thức tuyên chiến lần thứ ba với Frazier. Việc Frazier chấp nhận lời đề nghị cuộc đấu giữa họ ngay lập tức mà không đắn đo là điều trước nay chưa từng thấy.
Ngày 1/10/1975, trận đấu lịch sử kéo dài 15 hiệp giữa Muhammad Ali và Joe Frazier được tổ chức tại đấu trường Araneta (Manila, Philippines). Ba hiệp đầu tiên thuộc về Ali.
Ông kiểm soát tốt trận đấu, tận dụng chiều cao và sải tay dài hơn đối thủ để tung ra vô số cú chọc kết hợp đấm thẳng tay sau, ghìm Frazier ở khoảng cách cần thiết. Frazier chịu trận, tránh né những cú móc ngược và cố gắng ôm ghì đối thủ.
Việc đấm hụt nhiều và nhiệt độ oi bức khiến Ali nhanh chóng sút giảm sức mạnh. Hiệp 6 bắt đầu trong ánh mắt hoang mang của Ali. Ông dự kiến sẽ kết thúc trận đấu sớm, còn Frazier có vẻ đã chuẩn bị cho cả 15 hiệp đấu.
Tệ hơn, Frazier bắt đầu phản công với một chiến thuật duy nhất: móc ngang liên tục vào sườn đối thủ: "Khi bị đánh liên tục vào vùng gan, sẽ không thể thở được, tim loạn nhịp và thiếu oxy lên não. Đó là cách tôi đã làm với Ali trong trận đấu đó".
Giờ nghỉ giữa hiệp 9, Ali chảy nước mắt: "Tôi đang ngửi thấy mùi vị của cái chết. Cú đấm của tôi có thể đánh đổ cả bức tường, vậy mà... Chúa ơi, hắn ta giỏi quá". Ali đột ngột vùng lên mạnh mẽ ở hiệp 12. Một cú móc chính xác bằng tay trái đánh văng hàm bảo vệ răng của Frazier.
Cả hai mắt Frazier đều sưng vù không còn khả năng nhìn thấy đòn đánh của đối thủ.
Kết thúc hiệp 14, HLV Eddi Futch tung khăn trắng bất chấp sự phản đối của Frazier: "Anh ấy vào trận với một bên mắt gần như mù sau trận đấu trước đó với Jimmy Ellis. Giờ đây lại bị thương mắt còn lại. Joe phải nghĩ tới gia đình anh ấy".
Vào thời điểm trọng tài công bố Ali thắng trận, Frazier không nhìn thấy ở góc võ đài bên kia, Ali đã không thể đứng dậy nổi. Còn mãi về sau người ta mới biết Ali yêu cầu HLV Angelo Dundee xin dừng trận đấu từ cuối hiệp 13.
Trận đấu khốc liệt làm thay đổi nhiều điều trong suy nghĩ của Muhammad Ali. Trả lời báo giới vào sáng hôm sau, Ali nói: "Anh ấy là một võ sỹ vĩ đại. Anh ấy là một con người".
Nhiều năm sau, Ali tìm đến thăm Frazier: "Ông ấy gặp cha tôi. Họ cùng nói với nhau về quá khứ, về sự khổ đau. Họ đã ôm nhau và khóc. Công chúng chẳng bao giờ biết về những điều đó".
Marvis, con trai Joe Frazier cũng là một võ sỹ quyền Anh. Anh kể rằng cha anh thường dặn đừng bao giờ đánh một người đàn ông khi anh ta đã ngã. Có lẽ đây là cách để Joe Frazier tự răn chính mình trong mối quan hệ với Ali.
Ông bảo: "Ali thường tuyên bố không có ông ấy, tôi chẳng có gì cả. Nhìn mà xem, ngoài tôi ra giờ đây ông ấy còn có ai". Tha thứ, đó là một hành trình vô cùng khó khăn. Có khi hành trình ấy đi xuyên suốt cả một đời người.