Sở VH-TT&DL An Giang hôm qua thống nhất cho HLV Đặng Anh Tuấn nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Tuấn đề nghị lãnh đạo Tổng cục TDTT cho dừng dẫn dắt kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Động thái trên diễn ra cùng thời điểm ông bị người mẫu, diễn viên Trang Trần "tố" vay 10.000 USD từ tháng 9/2019 nhưng không trả. Thời điểm trên ông Tuấn đang cùng Ánh Viên tập huấn tại Mỹ để chuẩn bị cho SEA Games 30.
Với giới thể thao thì đây chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm" liên quan quá trình ông Tuấn cùng Ánh Viên tập huấn tại Mỹ. Sau khi toả sáng rực rỡ tại SEA Games 2015 (Singapore), Ánh Viên được đơn vị chủ quản Quân đội và Tổng cục TDTT đầu tư rất mạnh để hướng tới đấu trường Asiad và Olympic.
Ngân sách đầu tư cho cô mỗi năm lên tới trên dưới 5 tỷ đồng. Đây là mức đầu tư xứng đáng, thậm chí còn ít cho 1 VĐV giàu tiềm năng, có nhiều cống hiến cho bơi lội nói riêng cũng như thể thao Việt Nam nói chung.
Điều đáng trách, quá trình tập huấn của Ánh Viên từ lâu đã được giới phân tích chỉ ra nhiều vấn đề: mô hình tập huấn "1 thầy 1 trò" ở nước ngoài hiếm thấy với thể thao Việt Nam, thông tin về quá trình tập huấn không rõ ràng, mục tiêu dàn trải, thiếu công khai, minh bạch, không thấy điểm nhấn vai trò của chuyên gia nước ngoài… Phong độ của Ánh Viên không tiến triển, thậm chí sa sút trong một thời gian rất dài.
Trước thềm Olympic Rio de Janairo 2016 (Brazil), Tổng cục TDTT xem xét việc cho HLV Đặng Anh Tuấn nghỉ, nhưng rốt cuộc mọi chuyện dậm chân tại chỗ. Không quyết định nào được đưa ra và cuối cùng, việc tập huấn của Ánh Viên được phó mặc hoàn toàn cho thầy trò cô.
Sau SEA Games 30 tại Philippines, Ánh Viên đã dừng chương trình tập huấn tại Mỹ. Có thể hiểu rằng với quyết định này, mục tiêu hướng tới Asiad và Olympic của ngành thể thao với Ánh Viên đã thất bại.
Cả một chương trình đầu tư lớn cho một VĐV tầm cỡ không đem lại hiệu quả, ai sẽ chịu trách nhiệm?