Kế hoạch nâng cấp bom hạt nhân chiến lược B61-12 đã được Mỹ đề cập từ năm ngoái. Đầu tháng 8/2016, Washington tuyên bố dự án đã sẵn sàng và Cục An ninh hạt nhân Mỹ (NNSA) xác định thời điểm chuẩn bị công nghệ để tiến hành sản xuất.
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ cần những quả bom này để làm gì tại Châu Âu. Song, cần lưu ý rằng, người Mỹ từ lâu đã biết Nga đang xây dựng các hầm ngầm chỉ huy- nơi toàn bộ lãnh đạo quân đội và chính phủ Nga sẽ trú ẩn trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Theo tờ Washington Free Bacon (Mỹ), Nga đang xây dựng một loạt boong-ke chỉ huy hạt nhân mới dưới lòng đất. Đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy Moscow đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa các lực lượng chiến lược then chốt nhằm đối phó với "các quốc gia thù địch".
Giới chức tình báo Mỹ ghi nhận quá trình xây dựng đã được tiến hành trong nhiều năm với "hàng chục" boong-ke bí mật hình thành ngay tại thủ đô Moscow và trên khắp đất nước.
Bom hạt nhân B61-12.
Những mục tiêu tiềm năng của B61-12
"Phải chăng mục tiêu chính của B61-12 là hầm ngầm bí mật của Tổng thống Nga?" - Một tờ báo Nga đặt câu hỏi.
Theo tờ này, có tới 4 cơ sở tại Nga dễ trở thành mục tiêu tiềm năng của bom hạt nhân B61-12:
Thứ nhất là hệ thống tàu điện ngầm dưới lòng đất nối tư dinh của cố tổng thống Nga Boris Yeltsin với trung tâm chỉ huy của giới lãnh đạo.
Công trình này được mô tả là một "sở chỉ huy chiến lược, có khả năng tồn tại trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân tại núi Kosvinsky", nó nằm sâu trong dãy Ural, cách Moscow khoảng 1.400 km về phía đông.
Hai mục tiêu tiếp theo là một hầm ngầm tại vùng Voronovo, cách Moscow khoảng 75 km về phía nam và một boong-ke khác ở vùng Sharapovo, cách Moscow khoảng 55 km, được kết nối trực tiếp bằng một hệ thống tàu điện ngầm đặc biệt.
Tuy nhiên, theo báo Nga, cả hai cơ sở này đều nằm trong tầm bảo vệ của hệ thống phòng không.
Nếu muốn trấn áp khu vực này, rồi dùng hạt nhân tấn công phủ đầu vào các trung tâm chỉ huy của quân đội Nga, Mỹ sẽ gặp phải nhiều thách thức.
Tiêm kích hạng nặng F-15E thử nghiệm mang 2 bom hạt nhân B61-12
Mục tiêu thứ tư có thể là tổ hợp các công trình ngầm trong núi Yamantau ở Ural. Người Mỹ cho rằng, trong dãy núi này có hẳn một thành phố ngầm chứa được 400.000 người, nơi các lãnh đạo Nga có thể ẩn náu trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Song, việc dùng bom tấn công những căn cứ như trên được đánh giá là vô cùng khó khăn.
Nga có nên lo ngại B61-12?
Một số ý kiến cho rằng, tấn công các căn cứ chỉ huy của đối phương ngay sau cuộc tấn công hạt nhân quy mô thì gần như không mang lại kết quả.
Điều đó đồng nghĩa, cuộc tấn công vào các mục tiêu này hoặc là phải phủ đầu nhưng bí mật cho đến phút chót, hoặc không nên tiến hành.
Theo họ, hệ thống phòng không S-400 hiện có trong quân đội Nga hoàn toàn có thể ứng phó được với các loại bom hạt nhân cải tiến và các tên lửa có đầu đạn xuyên phá của Mỹ.
Khoảnh khắc quả bom tập B61 đâm xuống mục tiêu được vẽ hình tròn, chứng minh độ chính xác rất cao của nó.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Nga Sivkov lại đánh giá B61-12 "có độ chính xác rất cao".
"Việc sản xuất các quả bom đó sẽ cho phép máy bay chiến thuật Mỹ mở rộng đáng kể khả năng tiêu diệt các cứ điểm chỉ huy mang tầm chiến lược, vốn được bảo vệ an toàn nhất của chúng ta.
Các phiên bản bom đổi mới trước đó đã được bố trí tại châu Âu, và không có nghi ngờ gì rằng phiên bản nâng cấp tiếp theo cũng sẽ được gửi tới đó"- ông Sivkov nhận định.
Theo chuyên gia Sivkov, Nga chỉ có thể đưa ra biện pháp đối phó duy nhất là chế tạo đầu đạn hạt nhân cho tổ hợp tên lửa Iskander.
Với độ chính xác cực cao, khó đánh chặn, nếu phát hiện sớm, Iskander có thể san phẳng các sân bay – nơi xuất kích của máy bay ném bom hạt nhân ở châu Âu, hoặc là đáp trả tiêu diệt các căn cứ chỉ huy của NATO tại đây.
Bên cạnh đó, thứ Moscow cần hơn bao giờ hết là các tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm xa để đối phó với các máy bay mang bom hạt nhân ở bên ngoài lãnh thổ Nga.