Mức độ trang bị vũ khí của Hải quân Trung Quốc

Quang Huy |

Từ ngày 12 đến hết 19/9/2016 diễn ra cuộc tập trận chung của các đội tàu chiến hạm đội hải quân Nga và lực lượng hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Hãng thông tấn ITAR-TASS đã thông tin về lịch sử Hải quân Trung Quốc, cơ cấu tổ chức và các loại vũ khí của lượng vũ trang này.

Quá trình hình thành hạm đội hải quân

Ngày 23/4/1949 được coi là ngày thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc. Vào tháng 9/1950, lực lượng Hải quân Trung Quốc được coi như một lực lượng vũ trang riêng khi bộ tư lệnh của lực lượng này được thành lập trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc.

Việc không có một hạm đội hải quân mạnh vào năm 1950 đã khiến cho Quân đội Trung Quốc không thể giành được quyền kiểm soát Đài Loan, nơi chính quyền Quốc Dân đảng đã sơ tán ra đó. Trung Quốc chỉ dừng lại ở việc kiểm soát đảo Hải Nam, nơi mà các đơn vị quân đội của họ tiến hành chiếm đóng bằng thuyền.

Vào tháng 11/1949, đã thành lập Học viện Hải quân tại Đại Liên (với các giáo viên đến từ Liên Xô).

Theo đánh giá của các nhà sử học, vào năm 1954, ở Trung Quốc có khoảng 2,5 nghìn chuyên gia quân sự Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc xây dựng hạm đội hải quân hiện đại.

Một vài chiếc tàu chiến của Hạm đội Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tham gia chiến đấu dập tắt bạo loạn ở Vũ Hán thời kỳ "cách mạng văn hóa" vào năm 1967.

Đến năm 1970, Trung Quốc đã có một hạm đội hải quân tương đối hiện đại. Năm 1974, Trung Quốc đưa vào khai thác chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên (tàu ngầm nguyên tử đề án 091 lớp "Hán"), năm 1982 lần đầu tiên phóng thành công tên lửa hành trình từ tàu ngầm.

Mức độ trang bị vũ khí của Hải quân Trung Quốc - Ảnh 1.

Tập trận chung của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Vào năm 2002, đội tàu của hạm đội hải quân Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử của mình thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới.

Hiện nay, chiến lược quân sự của Trung Quốc coi biển là một trong 4 lĩnh vực then chốt mà trong đó Trung Quốc phải nâng cao tiềm lực của các lực lượng vũ trang (cùng với vũ trụ, không gian mạng và lĩnh vực hạt nhân).

Vào năm 2012, Trung Quốc tuyên bố định hướng trở thành cường quốc biển. Trong "Sách trắng" của Chính phủ Trung Quốc năm 2015 nhấn mạnh việc từ bỏ những ý tưởng truyền thống về tầm quan trọng ưu tiên của không gian trên đất liền, có nghĩa là chuyển từ bảo vệ các lãnh thổ dọc bờ biển sang bảo đảm an ninh tổng thể cả những khu vực bờ biển cũng như trên đại dương.

Cơ cấu hạm đội

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc - Đô đốc Ngô Thắng Lợi, thành viên Hội đồng quân sự Trung ương (cơ quan lãnh đạo tối cao của nhà nước về quân sự).

Về mặt tổ chức, Hải quân Trung Quốc chia thành 3 hạm đội: Hạm đội Bắc Hải phụ trách Hoàng Hải và vịnh Bột Hải; Hạm đội Đông Hải (phụ trách Biển Hoa Đông, bao gồm vịnh Đài Loan) và Hạm đội Nam Hải (phụ trách Biển Đông).

Các bộ tư lệnh của những hạm đội này đặt tại các thành phố Thanh Đảo, Ninh Ba và Triết Giang. Vào đầu năm 2016, 3 hạm đội trên được chuyển về các bộ tư lệnh cùng tên được thành lập trong cuộc cải cách quân sự, thay vì những quân khu trước đây.

Hải quân Trung Quốc có tổng quân số gần 235 nghìn người, bao gồm: Lực lượng tàu ngầm; Lực lượng tàu chiến mặt nước; Không quân hải quân; Lực lượng phòng vệ bờ biển; Hải quân đánh bộ.

Nói chung, Hải quân Trung Quốc chiếm vị trí thứ nhất trên thế giới về số lượng các tàu ngầm diesel, tàu khinh hạm, tàu tên lửa và hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ, nhưng kém Hải quân Mỹ về tổng trọng tải và lượng chuyên chở của các tàu đổ bộ).

Về số lượng tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục, hạm đội Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 thế giới (về số lượng tàu ngầm mang tên lửa chiến lược và tàu ngầm nguyên tử - sau Hải quân Mỹ và Hạm đội Hải quân Nga, về số lượng khu trục hạm - sau Hải quân Mỹ và Nhật Bản).

Mức độ trang bị vũ khí của Hải quân Trung Quốc - Ảnh 2.

Tập trận chung của Hải quân Nga và Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Hạm đội tàu ngầm

Trung Quốc tích cực tăng cường sức mạnh hạm đội tàu ngầm của mình với số lượng gần bằng của Mỹ (75 tàu ngầm, Hạm đội Hải quân Nga sở hữu 70 chiếc).

Theo đánh giá trong quyển cẩm nang The Military Balance do Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế - IISS) xuất bản, Hải quân Trung Quốc chỉ có 61 tàu ngầm, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, vào thời điểm hiện nay Trung Quốc có ít nhất 70 tàu ngâm, trong đó 16 tàu ngầm hạt nhân.

Lực lượng hải quân răn đe hạt nhân Trung Quốc gồm 4 chiếc tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đề án 094 "Hình" (được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2006-2015), mỗi chiếc mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và các tên lửa chống hạm.

Hai chiếc tàu ngầm hạt nhân đề án 094B đang được hoàn thiện, mỗi chiếc có thể mang tới 16 tên lửa JL-2.

Để thay thế các tàu ngầm hạt nhân lỗi thời thuộc đề án 091 "Hán" (3 chiếc trong hàng ngũ Hạm đội Bắc Hải), Trung Quốc đã đóng các tàu ngầm mới thuộc đề án 093 "Shang" (dự đoán khoảng 6 chiếc). Hiện công tác đóng mới các tàu ngầm hạt nhân đề án 095 cũng đang được triển khai.

Các tàu ngầm diezel hiện đại nhất của Trung Quốc là 15 chiếc thuộc đề án 041A "Yuan".

Bắt đầu công tác chế tạo thêm các tàu ngầm hiện đại hơn của đề án 043.

Hải quân Trung Quốc cũng đang sử dụng 12 chiếc tàu ngầm điện - diezel do Nga đóng - đề án 877, 636 và 636EM (Varshavyanka). Ngoài ra, còn có 13 chiếc tàu ngầm thuộc đề án 039 "Song" do Trung Quốc sản xuất.

Các tàu ngầm đời cũ hơn nhưng vẫn còn khả năng chiến đấu là những cỗ máy thuộc đề án 035 "Minh" với tổng số 15 chiếc.

Tàu sân bay

Chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất vào thời điểm hiện nay của Trung Quốc «Liêu Ninh» (có mặt trong thành phần hạm đội từ năm 2012) vốn là chiếc tàu sân bay «Varyag» của Nga thuộc đề án 11436, được Trung Quốc mua lại của Ukraine vào năm 1998 trong tình trạng chưa hoàn thiện.

Mức độ trang bị vũ khí của Hải quân Trung Quốc - Ảnh 3.

Tàu sân bay Liêu Ninh

Chiếc tàu này có thể chở tối đa 24 máy bay tiêm kích «Shanyang» J-15 (sao chép Su-27K mua của Ukraine) và 17 trực thăng (Ka-31 cảnh báo sớm, Ka-28 chống hạm và Z-8 vận tải của Trung Quốc).

Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai đóng chiếc tàu sân bay mới. Theo tuyên bố của họ, về các tính năng kỹ-chiến thuật, chiếc tàu sân bay tương lai mới sẽ vượt trội so với «Liêu Ninh».

Khu trục

Hải quân Trung Quốc đang vận hành 21 chiếc tàu khu trục tên lửa cỡ lớn:

- 4 tàu của Nga đề án 956E (2 chiếc) và 956EM (2 chiếc) được bán cho Trung Quốc vào cuối những năm 90 – đầu những năm 2000;

- 3 chiếc tàu đề án 051C và 051B được đóng vào cùng thời điểm nêu trên;

- 10 chiếc tàu dự án 052, 052B, 052C;

- Vào năm 2014, hạm đội Trung Quốc tiếp nhận chiếc tàu khu trục đầu tiên thuộc đề án 052D «Côn Minh» (4 chiếc đã được bàn giao, thêm 8 chiếc đang được đóng).

Khinh hạm

Lớp tàu chiếm số lượng nhiều nhất của lực lượng hải quân Trung Quốc là khinh hạm (56 chiếc).

Các tàu cũ nhất - 6 chiếc thuộc đề án 051 type «Lyuda» (phiên bản cải tiến từ đề án những năm 1950 của Liên Xô, được đóng từ đầu những năm 1970 cho đến đầu những năm 1990).

26 chiếc tàu của đề án 053H các phiên bản cải tiến khác nhau (được đóng trên cơ sở chiếc tàu hộ vệ thuộc đề án 50 «Gornostay»).

Những khinh hạm này (ngoài phiên bản nâng cấp hiện đại nhất 053H3) từng bước được rút khỏi thành phần của hạm đội hải quân, một phần được bán cho các nước khác hoặc chuyển cho lực lượng hải giám.

Từ giữa những năm 2000, 2 chiếc khinh hạm thuộc đề án 054 và 22 chiếc thuộc đề án 054A đã được đóng để thay thế cho các khinh hạm đề án 053H.

Dự kiến sẽ có thêm 3 chiếc 054A sẽ được bàn giao. Hệ thống phóng theo phương thẳng đứng các tên lửa phòng không có điều khiển trên các khinh hạm đề án 054A được thiết kế theo tổ hợp tên lửa phòng không «Shtil» của Nga.

Tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa và tàu phá thủy lôi

Vào năm 2012, Trung Quốc bắt đầu triển khai đóng các tàu hộ vệ đề án 056. Hiện nay đã có 23 chiếc tàu loại này được bàn giao, trong đó có 4 chiếc chống hạm 056A. Dự kiến tổng số các tàu chiến kiểu này sẽ lên tới không dưới 50 chiếc.

Hải quân Trung Quốc xếp vị trí thứ nhất thế giới về số lượng các tàu tên lửa chiến đấu (hơn 200 chiếc). Khoảng 100 chiếc mang tên lửa (đề án 022, 037-II, 037IG) và khoảng 100 chiếc tàu tuần tra (đề án 037-I, 037, 062-I).

Lực lượng rà phá thuỷ lôi sở hữu duy nhất một chiếc tàu rải thuỷ lôi đề án 918 «Voley» và 48 chiếc tàu rà phá thuỷ lôi đề án 081, 082 và 082A.

Tàu đổ bộ

Lực lượng đổ bộ của Hải quân Trung Quốc bao gồm:

- 4 chiếc tàu đổ bộ mang trực thăng đa năng đề án 071 type «Jinggang Shan»;

- 30 chiếc tàu đổ bộ hạng nặng đề án 072 theo 4 phiên bản;

- 13 tàu đổ bộ hạng trung đề án 073;

- Gần 60 tàu đổ bộ hạng nhẹ (đề án 074A, 074, 079-II);

- 4 chiếc tàu đổ bộ đệm khí đề án 12322 «Zubr» được đóng tại Ukraine.

Không quân hải quân

Về mặt tổ chức, lực lượng này gồm 6 sư đoàn không quân, mỗi một hạm đội có 2 sư đoàn.

Theo thông tin của The Military Balance, Không quân biển Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ 2 thế giới về chỉ số này, sau Mỹ). Trong số đó có 30 máy bay ném bom "Xian" H-6G (phiên bản giống Tu-16 của Liên Xô do Trung Quốc tự sản xuất) và 120 máy bay tiêm kích "Xian" JH-7 và JH-7A.

Các máy bay tiêm kích bao gồm 24 chiếc Su-30MK2 do Nga sản xuất và những phiên bản sao chép Su-27SK – 72 chiếc «Shanyan» J-11B và J-11BS.

Bên cạnh đó, còn có không dưới 20 chiếc tiêm kích cất cánh từ tàu sân bay «Shanyan» J-15. Ngoài ra, Không quân biển còn sở hữu 22 chiếc máy bay tiêm kích đa năng «Chandu» J-10 và 24 chiếc «Shanyan» J-8. Hoạt động chế tạo J-11 và J-10 vẫn đang được thực hiện, số lượng các máy bay này còn tăng.

Không quân chống hạm bao gồm 3 chiếc thuỷ phi cơ do Trung Quốc sản xuất Sh-5 và 44 chiếc trực thăng (19 chiếc Ka-28 của Nga, 25 chiếc «Harbin» Z-9C của Trung Quốc sao chép từ AS365 của Pháp).

Bên cạnh đó còn có 3 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu H-6DU (đề án sử dụng vỏ của chiếc máy bay ném bom H-6).

Lực lượng Hải quân Trung Quốc còn sở hữu 32 máy bay đa năng Y-8. Trong số đó có 8 chiếc được sử dụng làm máy bay trinh sát sóng điện tử, 4 chiếc máy bay phát hiện sóng điện tử tầm xa Y-8J, số còn lại là máy bay vận tải.

Cũng có 10 chiếc máy bay vận tải Y-7 và hơn 100 máy bay huấn luyện.

Trong thành phần của Không quân hải quân Trung Quốc còn bao gồm:

- 9 trực thăng cảnh báo sớm Ka-31;

- 43 trực thăng vận tải (8 chiếc Mi-8 của Nga, 20 chiếc Z-8 của Trung Quốc sao chép nguyên mẫu SA-321 của Pháp; 15 chiếc SA-321 do chính Trung Quốc tự sản xuất).

Hải quân đánh bộ

Bao gồm 2 đơn vị thuộc thành phần Hạm đội Nam Hải. Ngoài công tác chuẩn bị cho các chiến dịch, thuỷ quân lục chiến Trung Quốc chịu trách nhiệm đồn trú những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Lực lượng lính thuỷ đánh bộ sở hữu 73 xe tăng ZTD-05 và 152 chiếc xe chiến đấu bộ binh ZBD-05.

Pháo binh tự hành ước vào khoảng hơn 20 khẩu «Type-07» 120mm và hơn 20 khẩu «Type-89» đời cũ hơn. Lực lượng này còn sở hữu các hệ thống pháo phản lực bắn giàn «Type-63», các tổ hợp tên lửa chống tăng HJ-73 và HJ-8, các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai HN-5 và súng cối 82mm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại