Mục đích Trung Quốc liên tục điều máy bay quân sự vào vùng phòng không Đài Loan là gì?

Minh Thu |

Giới quan sát quân sự nhận định, việc dàn máy bay quân sự Trung Quốc liên tiếp xuất hiện trong vùng phòng không của Đài Loan ẩn chứa nhiều mục đích.

Chiến đấu cơ Đài Loan và oanh tạc cơ Trung Quốc giáp mặt ở eo biển Đài Loan. (Ảnh: SCMP)

Chiến đấu cơ Đài Loan và oanh tạc cơ Trung Quốc giáp mặt ở eo biển Đài Loan. (Ảnh: SCMP)

Giới quan sát quân sự nhận định, việc dàn máy bay quân sự Trung Quốc liên tiếp xuất hiện trong vùng phòng không của Đài Loan ẩn chứa nhiều mục đích.

Ngoài việc tăng cường huấn luyện cho các phi công và gia tăng sức ép với Đài Loan, dàn máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan còn nhằm thu thập thông tin tình báo về quân đội các nước khác như Mỹ hoạt động ở eo biển Ba Sĩ và trên Biển Đông. Động thái này còn giúp quân đội Trung Quốc làm quen với khu vực chiến đấu tiềm tàng.

Dữ liệu từ Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho thấy bắt đầu từ đầu năm 2020, hơn 650 máy bay quân sự Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận diện phòng không phía tây nam đảo Đài Loan trên hành trình tới eo biển Ba Sĩ, cửa ngõ để tới Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

Trung Quốc thường điều số lượng nhỏ máy bay quân sự vào vùng phòng không Đài Loan. Nhưng thực tế, một số vụ việc có sự tham gia của dàn máy bay “khủng” như hôm 12/4 với 25 máy bay quân sự.

Theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, vào ngày 12/4, dàn máy bay Trung Quốc có mặt trong vùng phòng không của Đài Loan có 14 chiến đấu cơ J-16, 4 tiêm kích J-10, 4 oanh tạc cơ H-6, 2 máy bay chống ngầm Y-8, cùng 1 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không.

Đáp lại, không quân Đài Loan đã cho huy động số máy bay gấp 2 và thậm chí 4 lần so với thông thường để đi đánh chặn và theo dõi các máy bay Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, không quân Đài Loan đã chi gần 30 tỉ Đài tệ (1 tỉ USD) và tăng số chuyến bay đánh chặn lên 20% để đối phó với dàn máy bay quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, hồi tháng Ba, quân đội Đài Loan tuyên bố sẽ dừng điều động máy bay quân sự theo dõi các hoạt động xâm phạm vùng phòng không, mà thay vào đó sử dụng các máy bay khác và radar dưới mặt đất để làm nhiệm vụ.

Giới quan sát cho hay không phận và vùng biển ở phía tây nam đảo Đài Loan, nơi quân đội Mỹ cũng đang tăng cường các hoạt động quân sự, hiện trở thành tuyến đường chính hoạt động của dàn máy bay và tàu chiến Trung Quốc trong những năm gần đây.

“Quân đội Trung Quốc đã có kế hoạch riêng để hoạt động trong khu vực này không chỉ nhằm phục vụ chuẩn bị tấn công Đài Loan, mà còn để thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các phi công và dàn chiến đấu cơ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Chieh Chung, Giáo sư nghiên cứu chiến lược và các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc.

Cũng theo ông Chieh, việc sử dụng các máy bay cỡ lớn đa dạng về chủng loại cho thấy quân đội Trung Quốc muốn thử nghiệm khả năng hoạt động hiệu quả và năng lực chiến đấu của toàn phi đội.

Ông Chieh cho rằng, một số máy bay được Trung Quốc điều động từ các chiến khu khác nhau, nhằm cho phép các phi công làm quen với địa hình và lịch trình bay, cũng như vùng chiến đấu tiềm tàng, từ đó dễ dàng kết nối các máy bay quân sự với nhau nếu không may xảy ra chiến tranh.

“Điều quân đội Trung Quốc mong muốn nhất là tăng cường năng lực kiểm soát và chỉ huy ở eo biển Ba Sĩ, mà bằng chứng là việc tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực này, đồng thời huy động các máy bay trinh sát và máy bay săn ngầm tới thu thập thông tin tình báo”, ông Chieh nói thêm.

Ông Chieh cũng nhấn mạnh, hoạt động của quân đội Trung Quốc ở eo biển Ba Sĩ đủ để theo dõi toàn bộ hoạt động của các tàu ngầm trong khu vực mà nói cách khác trọng tâm là tàu ngầm Mỹ.

Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong khi đó, dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

Hồi tháng Ba, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ là ông Philip Davidson đưa ra nhận định, Bắc Kinh có thể tiến hành cuộc chiến nhằm sáp nhập Đài Loan vào đại lục trong vòng 6 năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại