Tại Diễn đàn quân sự Army 2017, Nga đã lần đầu tiên trưng bày một hệ thống tên lửa tấn công Iskander với cấu hình rất lạ, đó là nó được tích hợp cả tên lửa đạn đạo 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M lẫn đạn tên lửa hành trình R-500 trang bị cho Iskander-K vào một xe phóng duy nhất.
Phiên bản Iskander này vẫn chưa có tên định danh chính thức, có thể nó sẽ được gọi là Iskander-K-M hay Iskander-ME, tuy nhiên nhiều nhà quan sát lại thắc mắc không rõ mục đích Nga tạo ra tổ hợp hỗn hợp như vậy để làm gì?
Nếu nhằm mục đích tung ra những đòn tấn công hỗn hợp bằng cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa hành trình vào cùng một mục tiêu, Nga có thể dễ dàng cho hai xe phóng riêng biệt tác chiến ngay cạnh nhau, không nhất thiết phải gom chúng vào một khung gầm duy nhất.
Phiên bản Iskander lạ được giới thiệu tại Diễn đàn quân sự Army 2017
Hiện nay Nga đang triển khai một vài tổ hợp Iskander-M tại vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad bên cạnh các hệ thống Tochka-U cũ hơn, đây được coi là mũi dao của Nga găm ngay sát sườn khối quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO. Bên cạnh đó, Moskva còn chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF).
Hai việc làm trên theo đánh giá rất dễ khiến Mỹ đưa phiên bản mặt đất trang bị đầu đạn hạt nhân của tên lửa hành trình Tomahawk có tên gọi BGM-109G Gryphon trở lại biên chế. Với tầm bắn 2.500 km, xe mang phóng sở hữu độ cơ động cao và rất khó theo dõi, đương lượng nổ của đầu đạn lên tới 150 kT, đây thực sự là một thứ vũ khí rất lợi hại.
Trong khi đó Iskander-M của Nga chỉ có tầm bắn 500 km, bằng 1/5 so với Gryphon, trần bay của nó lên tới 50 km nếu muốn vươn tới tầm xa tối ưu, điều này khiến cho đạn tên lửa 9M723 dễ bị hệ thống Aegis trên cạn triển khai tại Đông Âu phát hiện sớm và tiêu diệt.
Hệ thống tên lửa hành trình Iskander-K trang bị đạn R-500
Tương quan tính năng kỹ chiến thuật như trên, rõ ràng Nga cần đưa tới Kaliningrad một vũ khí có tầm bắn xa cũng như xác suất bị phát hiện thấp hơn Iskander-M. Phương tiện phù hợp không phải ai khác mà nên là Iskander-K, nhờ được trang bị tên lửa hành trình R-500 tầm bắn 2.500 km, nó sẽ là đối thủ tương xứng với Gryphon.
Nhưng cần phải lưu ý rằng hiện nay Mỹ vẫn chưa chính thức gọi tái ngũ BGM-109G Gryphon mà mới chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo, cho nên nếu Nga công khai đưa tên lửa có tầm bắn hàng ngàn km tới Kaliningrad sẽ trở thành người tiên phong gây leo thang xung đột quân sự.
Có lẽ vì vậy mà Nga mới đưa bản Iskander lạ ra mắt công chúng tại cuộc triển lãm quân sự vừa qua như một lời nhắc nhở rằng trong vỏ bọc của Iskander-M tầm bắn 500 km rất có thể phần ruột lại là Iskander-K có phạm vi hoạt động 2.500 km.
Hành động này vừa như một lời cảnh báo Mỹ đừng nên đưa BGM-109G Gryphon trở lại biên chế, lại vừa tránh được điều tiếng hướng vào mình vì gần như không thể xác định rõ trên khung gầm xe việt dã MZKT-7930 là đạn 9M723 hay R-500. Có thể nhận xét rằng đây là một chiêu thức khá cao tay của người Nga.