Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về việc lập thêm liên minh Aukus để tăng cường năng lực quân sự ở Thái Bình Dương. (Ảnh: EPA-EFE)
Mỹ, Anh và Australia thông báo thành lập liên minh an ninh “lịch sử” mang tên Aukus nhằm tăng cường năng lực quân sự ở khu vực Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ liên minh, 3 nước sẽ chia sẻ công nghệ quốc phòng hiện đại, đồng thời chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia.
Thông báo về việc thành lập quan hệ đối tác an ninh Aukus được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hôm 15/9. Đây được xem là một phần trong chiến lược của Washington nhằm mở rộng quan hệ hợp tác quân sự để đối phó với Bắc Kinh.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc chính quyền của Tổng thống Biden cho hay, các quan chức hải quân và chuyên gia kỹ thuật của Mỹ, Anh và Australia sẽ làm việc cùng nhau trong vòng 18 tháng để chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia "nhằm tăng cường năng lực răn đe ở dọc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
"Chúng tôi xem nỗ lực này là một phần trong những bước đi lớn hơn bao gồm đẩy mạnh quan hệ đối tác song phương với các đối tác an ninh truyền thống ở châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, cũng như tăng cường tương tác với nhiều đối tác mới như Ấn Độ và mô hình hoạt động mới như Bộ Tứ Kim Cương", quan chức Mỹ cho hay.
"Đây là thông báo mang tính lịch sử. Nó thể hiện quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden nhằm xây dựng quan hệ đối tác bền vững hơn để duy trì hòa bình và sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", quan chức Mỹ nói thêm.
Trong khuôn khổ đối tác an ninh Aukus, 3 nước Mỹ, Anh và Australia sẽ hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và năng lực hoạt động quân sự dưới biển.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Australian Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Biden cho hay sáng kiến mới là cần thiết để đảm bảo Mỹ cùng các đồng minh "sở hữu năng lực hiện đại nhất nhằm đối phó trước những mối đe dọa đang chuyển biến nhanh".
Về phần mình, Thủ tướng Morrison cho biết các tàu ngầm hạt nhân mới của Australia sẽ được đóng ở thành phố Adelaide với "sự hợp tác chặt chẽ" từ Mỹ và Anh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về việc lập thêm liên minh Aukus để tăng cường năng lực quân sự ở Thái Bình Dương. (Ảnh: EPA-EFE)
Thủ tướng Anh Johnson cũng nhấn mạnh, chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia là "một trong những dự án đòi hỏi kỹ thuật và phức tạp nhất trên thế giới".
Theo RT, cho tới nay chỉ có 6 nước vận hành tàu ngầm hạt nhân trang bị vũ khí nguyên tử gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, Mỹ và Anh. Nếu như dự án Aukus thành công, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng không có vũ khí hạt nhân đi kèm.
Dù cả 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Australia đều nhấn mạnh sự ra đời của Aukus là nhằm mang lại sự "ổn định" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhưng không ai trực tiếp nhắc tới Trung Quốc.
Khi được hỏi về việc sự ra đời của Aukus có phải để đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc hay không, quan chức Mỹ cho hay động thái này “không nhằm vào bất cứ quốc gia nào” mà chỉ “tăng cường các lợi ích chiến lược, bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hoàn bình cũng như ổn định ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Theo quan chức Mỹ, trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, Tổng thống Biden không hề đề cập tới việc thành lập liên minh Aukus. Nhưng ông chủ Nhà Trắng đã “nhấn mạnh quyết tâm của Mỹ về việc đóng vai trò ngày càng mạnh mẽ hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington là ông Liu Pengyu cho rằng, các nước "không nên thiết lập nên các khối nhằm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba".
Mỹ thay đổi chiến lược
Ông Oriana Skylar Mastro tại Đại học Stanford nhận định, sáng kiến Aukus cho thấy bước cải tiến trong suy nghĩ về phương thức hợp tác cùng nhau giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ, và không chỉ còn bó hẹp ở các cuộc tập trận thường xuyên hay phô diễn trên không.
Thông tin Mỹ, Anh và Australia lập liên minh mới được công bố giữa lúc quân đội Trung Quốc tăng cường hoạt động tập trận gần đảo Đài Loan, cũng như trên Biển Đông.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc chương trình châu Á tại viện nghiên cứu German Marshall Fund ở Mỹ, cho hay Bắc Kinh sẽ không xem Aukus là phản ứng trước sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc.
“Trung Quốc cần hiểu rằng thái độ hung hăng của nước này đang khiến những quốc gia khác phải hợp tác theo phương thức mới để bảo vệ lợi ích của họ”, bà Glaser nói.
Chuyên gia Charles Edel tại Trung tâm Wilson ở Washington nhận định, Tổng thống Biden đang muốn thể hiện chính sách khác biệt so với người tiền nhiệm trong cách đối phó với Trung Quốc. Thay vì làm một mình, Mỹ đang muốn đầu tư thêm năng lực cho các đồng minh.
“Đối mặt trước năng lực ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, các đồng minh cần được trang bị thêm khả năng và từ đây tăng cường sức mạnh răn đe trước Trung Quốc cả về mặt quân sự và chính trị”, ông Edel cho hay.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã triển khai nhiều sáng kiến địa chính trị như tăng cường nỗ lực thúc đẩy quan hệ với NATO và G7, cũng như xác định mục tiêu hoạt động của Bộ Tứ Kim Cương. Tất cả đều là nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zack Cooper cùng nhiều nhà phân tích quân sự có chung quan điểm cho rằng, Mỹ cần thúc đẩy thêm quan hệ đối tác quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bởi theo họ, quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang tạo ra thách thức lớn nhất trên thế giới.