Mục đích Đức điều tàu chiến tới Biển Đông sau 19 năm là gì?

Minh Thu |

Kế hoạch điều động tàu chiến tới Biển Đông sau 19 năm cho thấy, Đức muốn tăng cường sự hiện diện ở vùng biển chiến lược.

Kế hoạch điều động tàu chiến tới Biển Đông chứng minh Đức muốn tăng cường sự hiện diện ở vùng biển chiến lược. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch điều động tàu chiến tới Biển Đông chứng minh Đức muốn tăng cường sự hiện diện ở vùng biển chiến lược. (Ảnh minh họa)

Hôm 3/2, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch điều động tàu chiến tới Biển Đông của đồng minh trong khối NATO là Đức. Theo Mỹ, hành động của Đức là sự ủng hộ cho “trật tự quốc tế theo các quy tắc” trong khu vực.

Trước đó, hôm 2/3, chính phủ Đức thông báo một tàu hộ vệ của Đức sẽ di chuyển qua khu vực châu Á vào tháng Tám và đi qua Biển Đông trên hành trình trở về nước. Tàu hộ vệ này sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Nghĩa là sau 19 năm, Đức mới lần đầu tiên điều chiến hạm di chuyển qua Biển Đông.

“Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì nền hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại không bị cản trở theo luật pháp, tự do hàng hải và những hoạt động khác theo luật ở Biển Đông”, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với trật tự quốc tế dự trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có sự đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo trật tự hàng hải mở”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.

Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ thường xuyên cho tiến hành hoạt động đảm bảo “tự do hàng hải”, khi các chiến hạm Mỹ di chuyển gần những hòn đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Các đồng minh thân thiết của Mỹ cũng bắt đầu tăng cường hoạt động ở Biển Đông. Cụ thể, hồi tháng Hai, tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude và một chiến hạm của Pháp cũng đã triển khai sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.

Về phần mình, trong cuộc họp báo hôm 3/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã kêu gọi Đức không can thiệp vào vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

“Tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng chuyện này không nên được dùng để làm cái cớ gây ảnh hưởng tới chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”, ông Uông nhấn mạnh sau khi Đức thông báo kế hoạch điều động tàu chiến qua Biển Đông.

Vì sao Đức điều tàu chiến tới Biển Đông sau 19 năm?

Các chuyên gia nhận định, kế hoạch triển khai tàu chiến sẽ là bước đi quan trọng trong việc Đức thực hiện "những nguyên tắc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà nước này thông qua vào năm 2020, nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực.

Ông Sun Keqin, nhà nghiên cứu tại Viện Các mối quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng, động thái của Đức cho thấy quốc gia này muốn tăng cường những mối quan hệ với Mỹ và NATO.

“Trung Quốc không muốn sự hiện diện của lực lượng quân sự phương Tây trong khu vực. Nhưng Đức muốn tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và mở rộng hợp tác với các nước trong ASEAN, với Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Kế hoạch điều tàu chiến còn cho thấy, Mỹ hy vọng Đức đảm nhiệm thêm trách nhiệm trong việc gia tăng sức ép với Trung Quốc”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Sun.

Còn theo Giáo sư nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Thượng Hải, ông Guo Xuetang, hoạt động triển khai tàu chiến cho thấy sự độc lập trong chiến lược ngoại giao và quân sự của Đức, thay vì cùng hành động với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc.

“Quyết định không lại gần cái mà Bắc Kinh gọi là giới hạn 12 hải lý cho thấy Đức không muốn gây căng thẳng nghiêm trọng với Trung Quốc. Đức chủ động tránh đối đầu với Trung Quốc, điều này trùng khớp với chính sách của Thủ tướng Angela Merkel là không kích động đối đầu”, ông Guo cho hay.

Còn theo nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, bà Helena Legarda, sự xuất hiện của chiến hạm Đức ở Biển Đông chủ yếu “mang tính biểu tượng”, nhưng đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng, Đức đang quan tâm hơn và sẵn sàng chủ động phản đối những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Sứ mệnh sắp tới chứng minh cách tiếp cận của Berlin bắt đầu có sự thay đổi, cũng như nhận định mới về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với sự ổn định của toàn thế giới cùng trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Điều này còn thể hiện nhận thức về sự cấp bách đối phó trước những hành động ngày càng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực”, bà Legarda nói thêm.

Hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer từng nhấn mạnh, sự xuất hiện của hải quân Đức sẽ giúp “bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên những quy tắc”.

“Nhận thấy những thách thức an ninh ngày càng gia tăng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, mục tiêu của tôi là tăng cường mối quan hệ song phương và đa phương của chúng ta”, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố.

Theo bà Legarda, sự xuất hiện của chiến hạm Đức ở Biển Đông dường như để tăng cường thêm sự hợp tác với các nước trong khu vực, cũng như với các nước có chung quan điểm như Australia, Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Song động thái này cũng sẽ làm gia tăng sự tức giận của Trung Quốc khi Bắc Kinh nhận định đây là nỗ lực của liên minh phương Tây nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Dù Đức ngày càng khó khăn hơn với Trung Quốc trong một vài lĩnh vực, nhưng trước đây Berlin từng ưu tiên các mối quan hệ thương mại và kinh doanh với Trung Quốc. Dưới thời Thủ tướng Merkel, lợi ích thương mại và kinh doanh giữa Đức và Trung Quốc vẫn tăng trưởng bền vững. Cụ thể, trong 5 năm liên tiếp, Trung Quốc đã vượt Hà Lan và Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức.

Những kết quả ban đầu cũng cho thấy, giá trị trao đổi hàng hóa giữa Đức và Trung Quốc đạt 212,1 tỉ euro (258 tỉ USD) trong năm 2020. Gần đây, Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp ô tô của Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại