Mức án nào đang chờ đợi đại gia Trầm Bê?

Pha Lê |

Trong quá trình làm việc của mình, ông Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1.854 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê là một doanh nhân gốc Hoa, sinh năm 1959 tại Trà Vinh. Vị doanh nhân này được biết đến là một trong những đại gia "khét tiếng" ngành ngân hàng".

Trước khi bị vướng vào vòng lao lý, ông Trầm Bê từng tham gia, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các ngân hàng trong nước như thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), Phó chủ tịch ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...

Ngày 1/8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) cho biết đã tiến hành bắt giữ ông Trầm Bê và tạm giam 4 tháng. 

Trước khi bị bắt, thông tin từ tờ Tiền Phong cho biết, ông Trầm Bê đã vào "tầm ngắm" của Cơ quan điều tra từ năm 2015. Vào tháng 11/2015, thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký một bản kết luận điều tra.

Theo đó, liên quan tới việc rút tiền của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) thông qua Sacombank, VNCB bị thiệt hại 1.940 tỷ đồng. Kết luận cũng cho rằng hành vi này có liên quan tới trách nhiệm của ông Trầm Bê.

Mặc dù hành vi của ông Trầm Bê và các thuộc cấp không gây thiệt hại gì cho Sacombank nhưng ông Trầm Bê vẫn bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Ngày 29/9/2017, Bộ Công an đã hoàn tất hồ sơn truy tố bổ sung ông Trầm Bê vì hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Sacombank; Ngân hàng Tiên Phong; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam.

Theo quy định tại điều luật này thì:

"1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

Trong quá trình làm việc của mình, ông Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh chỉ định vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm tiền gửi trị giá 1.854 tỷ đồng. Quá hạn vay, cả 6 công ty này đều không trả nợ được, do đó Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng.

Như vậy, nếu chiếu theo luật, ông Trầm Bê có thể chịu mức án tù từ 10 - 20 năm, tịch thu tài sản và bị cấm đảm nhiệm công việc liên quan đến ngành ngân hàng từ 1 - 5 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại