Trước khi tham quan hệ thống cống thoát nước mới của thành phố London, Vương quốc Anh, mọi người sẽ phải thay trang phục, đội mũ và kính bảo hộ, đeo găng tay, xỏ ủng mũi thép. Sau đó, thang máy sâu 40 mét sẽ đưa họ xuống dưới lòng đất.
Quản lý khu vực thi công Scott Hughes nói với một nhóm gồm 3 nhà lãnh đạo cộng đồng rằng dự án Đường hầm Thames Tideway giống như Thành phố viễn tưởng Gotham trong truyện tranh của DC Comics.
Giám đốc dự án Ryan Moor thì thẳng thắn hơn: “Về cơ bản nó là một nhà vệ sinh khổng lồ”.
Cả hai sự so sánh trên đều đúng về quy mô lẫn chức năng của công trình này. Lối đi ngầm đủ rộng cho hai chiếc xe buýt hai tầng. Đường hầm ẩm, dốc dần về phía giao lộ gần Công viên Battersea để nước thải có thể chảy đúng hướng.
Ảnh: Jose Sarmento/Bloomberg
Sau 8 năm thi công và đào 5,6 triệu tấn đất, đường hầm thoát nước trị giá 4,5 tỷ bảng Anh (5,5 tỷ USD) đã hoàn thành 90%. “Siêu cống thoát nước” bao gồm hơn 24 km hầm bê tông dẫn nước thải đến các nhà máy xử lý.
Các đội ngũ thi công đang chuẩn bị chắn một số cửa hầm trên mặt đất có kích thước bằng hầm chứa tên lửa. Cửa hầm này sẽ bị phong toả trong 10 năm hoặc lâu hơn. Trong tương lai, việc bảo trì các vấn đề thoát nước sẽ được thực hiện thông qua thiết bị bay không người lái. Còn lại, trên bề mặt sẽ trở thành 7 không gian công cộng mới.
Ảnh: Jose Sarmento/Bloomberg
Việc xây dựng siêu cống thoát nước dự kiến hoàn thiện vào mùa hè năm sau. Hệ thống này sẽ hoạt động 100% vào năm 2025 và thu về khoảng 1 tỷ bảng Anh. Một khi đi vào hoạt động, hệ thống cống thoát nước khổng lồ sẽ cải thiện chất lượng nước khu vực đô thị. Giống như nhiều thành phố cổ, London có hệ thống thoát nước hỗn hợp, xử lý nước thải đô thị và nước thải sinh hoạt.
Tại một thành phố mưa nhiều như London, bình quân mỗi năm có 40 triệu tấn nước thải chưa qua xử lý đổ xuống sông. Lượng nước này đủ lấp đầy gần 15.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Công ty Thames Water Ltd. sẽ là đơn vị vận hành Đường hầm Thames Tideway và họ hy vọng giảm thiểu một phần nước thải ra sông.
Ảnh: Jose Sarmento/Bloomberg
CEO Chris Coode của tổ chức phi lợi nhuận Thames21 cho biết cống thoát nước khổng lồ này không phải “thuốc chữa bách bệnh”. Ông cho rằng các bên liên quan cần phải nỗ lực để đầu tư vào các giải pháp thoát nước bền vững, như tạo vùng đất ngập nước trước khi đưa vào hệ thống thoát nước.
Ngoài ra, đơn vị điều hành siêu cống thoát nước và các nhà đầu tư sẽ phải thuyết phục công chúng chi trả hoá đơn tiền nước cao hơn, khi hệ thống này được đưa vào sử dụng.
Công ty Thames Water cho biết 15 triệu khách hàng sẽ phải trả thêm phụ phí đối với hoá đơn nước và nước thải để chia sẻ một phần chi phí nâng cấp hệ thống. Họ cam kết khoản phí sẽ không quá 25 bảng/năm khi điều chỉnh theo lạm phát.
Tuy nhiên, chi phí bình quân hàng năm trong năm tài chính hiện tại được dự đoán là 448 bảng Anh, tăng 7,4% so với năm trước và là mức tăng kỷ lục kể từ năm 2006 đến nay.
Ảnh: Jose Sarmento/Bloomberg
Chính công ty Thames Water cũng phải đối mặt với căng thẳng tài chính. Trong năm nay, công ty nước và nước thải lớn nhất Vương quốc Anh này đã phải chật vật để kiểm soát nợ trong bối cảnh lãi suất tăng. Chính phủ Anh phải lập các kế hoạch dự phòng bao gồm cả việc quốc hữu hóa tạm thời.
Nhưng đối với những người yêu thích lịch sử, hệ thống siêu cống Tideway đại diện cho đợt nâng cấp hệ thống cấp thoát nước lớn nhất của London kể từ năm 1865. Vào giữa thế kỷ 19, người ta ước tính rằng 20% dòng sông là nước thải. Nước uống bị ô nhiễm khiến dịch tả bùng phát, cướp đi sinh mạng hàng nghìn người.
Giờ đây, khi chất lượng nước sông dần được cải thiện, các quan chức Anh hy vọng người dân dành nhiều thời gian hơn bên con sông biểu tượng của thành phố.