- Tớ bị "delay" (trễ chuyến) cậu ạ?
- Cậu bay hãng nào? Mua vé bay giá rẻ đúng không? Thế thì đúng rồi, đành chịu thôi!
Bạn có suy nghĩ giống người bạn của tôi không? Cậu ấy và rất nhiều người cho rằng hành động mua vé bay giá rẻ đồng nghĩa khách hàng đã ký một hợp đồng vô hình có điều khoản cho phép hãng vận chuyển chậm, trễ hoặc hủy chuyến. Thực tế không có một điều khoản nào như vậy! Chúng ta đang tự dễ dàng và bỏ qua cho sự phục vụ kém chất lượng của các hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến cao trên thị trường hàng không.
Cần nâng cao chất lượng dịch vụ dịch hàng không, trong đó có hạn chế tối đa việc delay. Ảnh: Dy Khoa.
Trong tháp nhu cầu Maslow mà bất kỳ sinh viên ngành xã hội - kinh tế nào cũng được học thì bậc thấp của con người là mưu cầu cái ăn, cái mặc - những điều kiện sống cơ bản của một người. Sau đó, cứ qua mỗi bậc, mỗi cá nhân sẽ có nhu cầu tăng cao theo từng năm, từng giai đoạn cuộc đời. Trong đó, bậc 4 - nhu cầu được tôn trọng - thể hiện đặc tính của cá nhân trong xã hội. Một số người nhu cầu bậc 4 này chưa có hoặc họ bàng quang với mọi thứ diễn ra xung quanh cuộc đời của họ. Họ chấp nhận tất cả diễn biến, họ chỉ cần đạt được bậc 1, 2, 3 là thỏa mãn.
Tâm lý vé bay giá rẻ là delay nên được xóa bỏ!
Chuyện vé bay giá rẻ chịu delay động chạm lớn nhu cầu được tôn trọng. Hãng bay có nhiều chuyến bay trễ giờ, chậm chuyến thật sự thiếu tôn trọng khách hàng của họ.
Bản chất để có vé bay giá rẻ, các hãng hàng không chi phí thấp đã cắt giảm một loạt dịch vụ thường được đính kèm trong gói dịch vụ của các hãng bay tiêu chuẩn hoặc hãng hàng không quốc gia. Các dịch vụ này bao gồm hành lý ký gửi, thức ăn - uống miễn phí trên tàu bay, dịch vụ phòng chờ (hạng Thương gia), các chương trình khách hàng thân thiết... Đồng thời, quy chuyển chúng thành các sản phẩm bán kèm như gói hành lý 15/25kg được bán với giá vài trăm nghìn đồng. Hoặc phổ biến nhất là bán vật phẩm, đồ ăn trên tàu bay.
Việc chuyến bay bị trễ tác động rất lớn đến tâm lý của hành khách. Ảnh: Dy Khoa.
Như vậy về bản chất, những hành khách như chúng ta khi mua vé bay giá rẻ là đã mua một chiếc ghế trên tàu bay. Việc hãng bay có thêm lợi nhuận hay không phụ thuộc vào chúng ta mua thêm dịch vụ hay không mua thêm gì cả. Nó tương tự việc mua vé xem phim ở rạp phim, mua hay không mua thêm bỏng ngô (bắp rang) là quyền của khách hàng. Thế nhưng có rạp phim nào lại chiếu trễ giờ hay không cơ chứ. Rạp được dọn sạch sẽ đón khách đúng giờ, chờ thêm vài phút quảng cáo là được xem phim.
Trong khi đó, tới giờ bay còn chẳng thấy tàu bay của hãng bay giá rẻ đâu chứ đừng nói chờ vài phút để dọn dẹp đón khách.
Trên tàu bay của một hãng hàng không giá rẻ của Ấn Độ. Hãng này có chỉ số bay đúng giờ lên đến hơn 95%. Ảnh: Dy Khoa.
Tại Ấn Độ, thị trường vận tải hành khách hàng không nội địa thuộc hàng lớn nhất thế giới, khách mua vé bay giá rẻ gần như không lo trễ giờ, giá vé của họ cũng thật sự rẻ. Một hãng bay giá rẻ nổi tiếng của đất nước này có chỉ số đúng giờ (OTP) đạt 94,8% và không có chuyến bay nào bị hủy chuyến trong tháng 4 năm nay.
Một hãng hàng không giá rẻ khác của Ấn Độ lọt top hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới có chỉ số bay đúng giờ rất cao, lên đến hơn 95%. Thậm chí, hãng này còn tặng hành lý ký gửi cho khách.
Trễ chuyến có thể khiến hành khách quốc tế bị trễ chuyến bay tiếp theo về nước hoặc đi nước khác. Ảnh: Dy Khoa.
Đối với các hãng bay, vòng quay của tàu bay càng nhanh, càng nhiều thì họ càng có lợi. Tuy nhiên, vì một số yếu tố như slot bay, đường bay, chặng bay chênh nhiều so với số tàu bay đang có sẽ khiến việc quay vòng này bị ảnh hưởng. Các lý do khác, hy hữu hơn, có thể do yếu tố kỹ thuật, thời tiết. Từ đó, kéo theo hàng loạt chuyến bay trễ chuyến nếu một chuyến bay trong số đó có vấn đề nhưng không điều động tàu bay kịp thời.
Để có thể cải thiện chất lượng dịch vụ, cải thiện tình trạng trễ chuyến thì mỗi hành khách nên nâng cao nhu cầu bậc 4 - được tôn trọng. Và hãy lên tiếng. Chúng ta không nên cứ chấp nhận tình trạng này kéo dài hoài như vậy được!
*Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả.