Phản ánh với Báo Người Lao Động, chị H.V cho biết khi mở thùng vải ra chị bất ngờ vì toàn bộ số vải đã hư hỏng, đổi màu và có mùi lạ, cành lá cũng khô héo.
"Vải là loại trái cây cần được bảo quản cẩn thận trong quá trình giao hàng nhưng không hiểu sao người bán hàng không có biện pháp bảo quản lạnh. Bên giao nhận cũng không kiểm tra lại hàng trước khi giao cho khách, để đến tay tôi là những trái vải mốc meo, mùi rất khó chịu" - chị H.V nói.
Phản hồi thông tin với bên bán, chị H.V được giải thích là do thời tiết quá nóng nên sản phẩm bị hư trong quá trình vận chuyển. "Họ còn nói những đơn hàng trước họ có đóng kèm theo nước đá để bảo quản sản phẩm nhưng do phải bay quãng đường xa, nước đá sẽ khiến trái cây bị hư nên họ chuyển sang cách đục lỗ và lót lá trong thùng" - chị V kể thêm.
Một số hình ảnh nhân vật cung cấp
Phóng viên Báo Người Lao Động cũng đã liên hệ với đại diện sàn này để đặt một số câu hỏi liên quan đến quy trình thu hái, giao nhận… trái vải từ vườn đến tay khách hàng cũng như năng lực bảo quản của công ty nhưng chưa nhận được phản hồi từ sàn này.
Được biết, năm nay, vải thiều được Bộ Công Thương tích cực xúc tiến tiêu thụ trên các nền tảng thương mại điện tử. Tất cả các sàn tham gia ký kết hỗ trợ tiêu thụ trái vải đều cam kết bảo đảm chất lượng, độ tươi ngon khi đến tay khách hàng.
Thời điểm này, vải thiều Bắc Giang dù chưa vào chính vụ nhưng đã được đẩy mạnh tiêu thụ trên một số sàn như Viettel Post, Postmart… Tính đến chiều 1-6, đã có hơn 223 tấn vải thiều Bắc Giang được bán qua các sàn thương mại điện tử.
Trong khi đó, vải thiều Hải Dương được bán khá tốt trên sàn Lazada nhờ phối hợp với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ để thu mua, bảo quản lạnh và đóng gói bảo đảm quy cách.