Mua tiêm kích Sukhoi Su-57 của Nga, Trung Quốc được hay mất?

Minh Thu |

Mua tiêm kích Sukhoi Su-57, Trung Quốc được cho không chỉ thắt chặt thêm mối quan hệ quân sự với Nga mà còn vượt mặt đối thủ là không quân Ấn Độ.

Ông Robert Farley, trợ lý giáo sư tại Học viện Ngoại giao và Thương mại quốc tế Patterson (Mỹ) cho hay, lâu nay giới chuyên gia đặt ra câu hỏi "Liệu Nga có xuất khẩu tiêm kích Su-57 sang Trung Quốc?".

Câu trả lời vẫn đang là đề tài tranh cãi bởi Trung Quốc cũng đã tự chế tạo được chiến đấu cơ tàng hình J-20, trong khi Nga lâu nay quan ngại về khả năng sao chép công nghệ quân sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một bản báo cáo mới được tạp chí Jane’s đăng tải cho thấy, Nga hiện "khá thoáng" về khả năng bán tiêm kích tàng hình Su-57 cho Trung Quốc.

Trước đó, ông Viktor Kladov, một quan chức tại Tập đoàn Rostec nhấn mạnh, "trong vòng 2 năm tới, Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định hoặc là mua thêm các tiêm kích Su-35, hoặc sản xuất Su-35 trên lãnh thổ Trung Quốc hoặc mua các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Đây có thể là cơ hội cho Su-57E".

Về phần mình, Nga được cho có cái nhìn tích cực về triển vọng xuất khẩu các tiêm kích Su-57 mà NATO gọi là Felon ngay cả khi Ấn Độ đã công khai từ bỏ tham gia dự án chung. Cũng có ý kiến cho rằng, hiện tại, Nga không còn lo lắng về chuyện Trung Quốc ăn cắp bản quyền trí tuệ.

Nói cách khác, theo ông Farley, có 3 lý do có thể lý giải cho khả năng Nga bán Su-57 cho Trung Quốc. Một là Nga có thể không còn nghĩ tới chuyện dù Trung Quốc có sao chép công nghệ thì công nghệ quân sự của Nga vẫn dẫn đầu. 

Hai là khả năng Nga tin rằng, sức mạnh của mối quan hệ song phương sẽ ngăn chặn Trung Quốc ăn cắp công nghệ. Ba là Nga nghĩ đơn giản, lợi ích từ thương vụ mua bán cùng với hoạt động bảo dưỡng lâu dài và mối quan hệ được nâng tầm sẽ vượt qua những cái bị mất.

Vậy tại sao Trung Quốc lại muốn mua các tiêm kích Su-57? Với đặc tính cơ động cao, tiêm kích Su-57 sẽ lấp khoảng trống của J-20 và J-31 của Trung Quốc. Ngoài ra, nếu mua Su-57, Trung Quốc sẽ tập trung phát triển một cách hiệu quả hơn khả năng tấn công tầm xa, đánh chặn và triển khai trên không. 

Mua tiêm kích Su-57, Trung Quốc sẽ không chỉ củng cố thêm mối quan hệ quốc phòng với Nga mà còn vượt mặt được không quân Ấn Độ. Chính Ấn Độ đã rút khỏi dự án phát triển tiêm kích Su-57 cách đây vài năm.

Thêm vào đó, sở hữu Su-57, Trung Quốc sẽ được tiếp cận thêm về chuyên môn và hiểu rõ hơn về ngành hàng không quân sự của Nga, đơn vị duy nhất không chịu ảnh hưởng từ Mỹ.

Nếu Trung Quốc không mua tiêm kích Su-57 thì quốc gia nào sẽ mua? Trong những năm qua, Nga đã ký được nhiều thỏa thuận lớn bán các tiêm kích Su-27 và nhiều khả năng những quốc gia từng mua Su-27 cũng sẽ mua Su-57. Đặc biệt, nếu như Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị Mỹ loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35, Ankara sẽ là khách hàng tiềm năng mua Su-57 của Moscow.

Nhưng theo ông Farley, không một quốc gia nào trên thế giới có thể vượt qua Trung Quốc để trở thành khách hàng mua Su-57 của Nga. Và đây là lý do người Nga đang tìm kiếm cơ hội xuất khẩu chiến đấu cơ tàng hình thứ 5 này.

Nhiều báo cáo cũng cho hay, giá bán của mỗi chiếc Su-57 là từ 40 USD – 45 triệu USD. Những quốc gia có thể sẽ mua chiến đấu cơ Su-57 của Nga gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Su-57 hay còn được biết tới với cái tên PAK FA hoặc T-50 là tiêm kích tàng hình hai động cơ, một chỗ ngồi, có tốc độ siêu thanh và siêu cơ động. 

Mẫu tiêm kích này được Nga thiết kế để tiêu diệt tất các các loại mục tiêu trên không, trên đất liền và trên mặt nước. Máy bay có khả năng mang theo 10 tên lửa không đối đất, bao gồm cả các mẫu tiên tiến nhất như tên lửa siêu thanh vượt âm R-37M và K-77.

Su-57 cất cánh lần đầu tiên vào tháng 1/2010 và hoàn thành các chuyến bay thử nghiệm với động cơ thế hệ mới vào tháng 12/2017. Su-57 chính thức bước sang giai đoạn sản xuất đại trà vào đầu năm 2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại