Đã từ 72 năm nay, mùa thu cũng là mùa họp khoá Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) ở trụ sở chính của tổ chức này tại thành phố New York (Mỹ).
LHQ vốn họp quanh năm nhưng chỉ ở khoá họp ĐHĐ vào dịp này thì mới thường có sự tham dự của lãnh đạo quốc gia cấp cao nhất từ các nước thành viên. Người tham dự sẽ là người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ.
Khoá họp ĐHĐ lần thứ 72 năm nay của LHQ đặc biệt hơn những lần trước ở chỗ đây là lần hợp đầu tiên đối với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong mọi phát biểu và hành động từ trước cho tới nay, ông Trump luôn tỏ ra coi thường chứ không coi trọng LHQ. Ông không chỉ doạ suông mà đã có một vài quyết định cắt giảm đóng góp tài chính của Mỹ cho hoạt động của LHQ.
Mỹ lại đóng vai trò rất quyết định và rất quan trọng đối với hoạt động của LHQ - là thành viên đóng góp phần lớn nhất cho ngân sách hàng năm của LHQ, cho các sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ trên thế giới và cho nhiều chương trình của LHQ.
Qua bài phát biểu đầu tiên của ông Trump tại khoá họp ĐHĐ năm nay, người ta sẽ có thể nhận diện được chính sách của ông Trump đối với LHQ, trù liệu được về mức độ đóng góp và tham gia của Mỹ vào LHQ và sẽ dự đoán được LHQ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong thời gian tới.
Khoá họp ĐHĐ này cũng sẽ còn cho thấy ông Guterres tài ba và bản lĩnh đến đâu trong chuyện chèo lái dẫn dắt LHQ qua khỏi thời kỳ sóng gió.
Kỳ họp 2017 của LHQ là một "bài test" đối với bản lĩnh của Tổng Thư ký Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
"Sóng gió" ở LHQ
Thực sự không sai mấy khi coi LHQ hiện nay là đang trong tình trạng "sóng gió". Áp lực cải cách cả về tổ chức bộ máy lẫn định hướng hoạt động đã trở nên rất lớn đối với LHQ và chiều hướng là càng ngày càng tăng. Trong không ít chuyện chung của thế giới, LHQ lẽ ra phải có vai trò thì vẫn lực bất tòng tâm.
Mỹ mà giảm bớt đóng góp tài chính thì LHQ càng thêm khó khăn trong hoạt động. Bài toán đặt ra cho ông Guterres là làm sao với nguồn lực tài chính và nhân lực hạn chế hơn so với trước nhưng lại phải giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn phức tạp hơn, gây dựng được sự đồng thuận sâu rộng hơn và bền vững hơn trong nội bộ tổ chức để thực hiện sứ mệnh của LHQ.
Ông Trump tham dự khoá họp này của ĐHĐ LHQ nhưng lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Syria đều không tới New York. Qua đó đủ để có thể thấy việc giải quyết những vấn đề chính trị an ninh và kinh tế thương mại thời sự nhất của thế giới chưa thể được thúc đẩy nhờ khoá họp ĐHĐ năm nay của LHQ.
Đó là các vấn đề về cuộc chiến tranh và nội chiến ở Syria, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vấn đề tự do hoá mậu dịch hay bảo hộ mậu dịch trên thế giới, và đương nhiên không thể thiếu vấn đề cải tổ LHQ.
Tất cả những vấn đề này đều trở nên nghiêm trọng hơn và cấp thiết hơn so với trước mà việc giải quyết không được thúc đẩy thì đó sẽ là hạn chế rất đáng kể đối với thành công của khoá họp đại hội đồng năm nay của LHQ.
Tuy nhiên, không vì thế mà giá trị và ý nghĩa của sự kiện lớn này bị suy giảm. Rất nhiều những khoá họp ĐHĐ trước đó của LHQ cũng đã trong tình trạng như thế.
Dù vậy, đây không chỉ là diễn đàn để các nước thành viên LHQ thể hiện quan điểm chính sách của mình về thế giới mà còn để tìm kiếm đồng minh và đối tác, tập hợp lực lượng và gây dựng liên kết để cùng nhau thực hiện những ý tưởng chung.
Mỹ đã quyết định rút khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu nên các thành viên LHQ lại càng phải đồng lòng hơn vì mục tiêu của Hiệp ước này.
Khi ông Trump dùng bài phát biểu đầu tiên tại đây để tuyên chiến với Triều Tiên và ngầm báo hiệu sẽ lật ngược thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran – một thỏa thuận đã được LHQ thông qua Hội đồng Bảo An chấp thuận - thì các thành viên LHQ khác lại càng phải nỗ lực và quyết tâm phấn đấu cho hoà bình, chống chiến tranh và vì thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Việc ở khoá họp này, LHQ khởi động quá trình ký kết chính thức hiệp ước được thông qua năm ngoái về giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới, cấm sản xuất, lưu giữ, buôn bán, phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân cũng vì thế có ý nghĩa càng thêm to lớn.
LHQ là biểu tượng cho sự gắn kết của toàn thế giới mà hạt nhân chính là khoá họp ĐHĐ thường niên. 72 năm qua đã là như vậy nhưng giá trị và ý nghĩa của nó vẫn luôn có những cái mới quan trọng hơn và cần thiết hơn đối với LHQ và nhân loại.