Nam Cao, sinh năm 1915, tên là Trần Hữu Tri, là nhà văn nổi tiếng của Việt Nam vào thế kỷ 20. Ông được đánh giá là một trong những cây bút xuất sắc của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940-1945, "nhà văn của những người cùng khổ" hay "người đưa văn học hiện thực đến đỉnh cao",...
Tại Trung Quốc, một tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao từng được xuất bản năm 2021. Cuốn tuyển tập gồm các truyện: Chí Phèo, Cái mặt không chơi được, Trăng sáng, Trẻ con không được ăn thịt chó, Tư cách Mõ, Một bữa no, Lão Hạc, Đời thừa, Một đám cưới, Lang rận, Đôi mắt,...
Tuyển tập này sau đó nhận được rất nhiều phản hồi, đánh giá tích cực của độc giả "xứ tỷ dân". Cách đây không lâu, một độc giả để lại bình luận trên Douban - ứng dụng bình chọn nổi tiếng của Trung Quốc về Tuyển tập truyện ngắn của Nam Cao như sau:
"Văn học Việt Nam không được biết đến nhiều ở Trung Quốc. Thời gian trước, tôi đã mua 2 cuốn văn học Việt Nam về đọc, một trong số đó là "Tuyển tập Tiểu thuyết Nam Cao". Rất muốn giới thiệu đến các bạn cuốn tuyển tập này. Nó được viết hay đến mức khiến người ta kinh ngạc".
Trên Douban, "Tuyển tập Tiểu thuyết Nam Cao" hiện được chấm mức điểm 8,3 - một bức điểm cao với 43,3% đánh giá 5 sao, 40% đánh giá 4 sao và không có bất kỳ đánh giá 1 sao, 2 sao nào.
Một số bình luận khác của độc giả Trung Quốc như sau:
- Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi cảm nhận rằng, có lẽ mỗi vùng đất đều có bản sắc nhân văn riêng, mỗi thời đại đều có niềm vui và nỗi buồn riêng, nhưng niềm vui và nỗi buồn của nhân loại luôn có sự đồng điệu. Tôi đã vui mừng, phẫn nộ và tiếc nuối cùng với những nhân vật trong các câu chuyện này...
- Cuốn văn học Việt Nam thứ hai mà tôi đọc sau "Số đổ", vốn chỉ được mua để đủ đơn hàng, nhưng khi đọc lại cuốn hút không ngờ. Những câu chuyện trong sách đều kể về cuộc sống khó khăn của những người dân tầng lớp dưới ở Việt Nam, mỗi câu chuyện đều nặng nề một cách đặc biệt. Đó là những người già đói khổ lâu ngày, sau khi ăn một bữa no thì lại mắc bệnh mà qua đời; một nhà văn sa sút; một lang trung tự tử; người vợ nhìn chồng ăn thịt trong khi mấy đứa con phải chịu đói… Những câu chuyện này rất sâu sắc, với sự miêu tả tâm lý và bối cảnh rất tỉ mỉ.
- Nam Cao quả thực là bậc thầy của văn học Việt Nam, cách miêu tả nhân vật của ông rất chân thực.
- Mỗi truyện ngắn đều thể hiện sự nặng nề, đấu tranh của những con người dưới đáy xã hội bằng ngôn ngữ súc tích, bộc lộ sự bất lực, đau thương của hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ! Ngắn gọn và chính xác, chạm đến trái tim!
- Cách Nam Cao viết về ý thức của nhân vật Chí Phèo thật thú vị.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng để lại những bình luận so sánh nhà văn Nam Cao với Lỗ Tấn - nhà văn vĩ đại của Trung Quốc và Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky - đại văn hào Nga.